Kim ngạch xuất khẩu tăng, lượng vụ việc điều tra tăng theo
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đã tăng từ 327,8 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 543,9 tỷ USD năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,7% trong giai đoạn 2016-2020, đạt 281,5 tỷ USD năm 2020, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 22 toàn cầu về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu. Năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu dự kiến vượt 650 tỷ USD.
Trước việc kim ngạch xuất khẩu liên tục gia tăng, số liệu của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, đến nay, đã có tổng cộng 209 vụ việc nước ngoài tiến hành điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo đó, con số này có sự gia tăng nhanh chóng trong thời gian ngắn vừa qua. Cụ thể, nếu như giai đoạn 2005-2010 mới có 25 vụ việc thì trong giai đoạn 2011-2015 là 52 vụ việc và giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9-2021 là 109 vụ việc.
Nhận định về tình trạng trên, bà Phạm Châu Giang, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, tất yếu, các biện pháp phòng vệ thương mại thường xuyên được các quốc gia trên thế giới sử dụng.
"Đặc biệt, các nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu càng lớn thì càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại", bà Giang chia sẻ.
Cũng theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại, tính đến hết tháng 10/2021, thế giới đã có hơn 7.000 vụ việc điều tra chống bán phá giá, hơn 600 vụ việc điều tra chống trợ cấp và hơn 500 vụ việc tự vệ.
Đến hết năm 2021, trong 209 vụ việc điều tra, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại rất đa dạng, từ nông sản, kim loại như thép, nhôm, giày dép, sợi…
"Ở chiều ngược lại, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam khởi xướng 25 vụ việc với hàng nhập khẩu, trong đó chủ yếu là các mặt hàng thép, nông sản, đường, bột ngọt, hóa chất, phân bón. Tuy nhiên, các mặt hàng Việt Nam điều tra ảnh hưởng chưa tới 1 tỷ USD.
Điều này cho thấy, dù chúng ta đã hội nhập hơn 20 năm nhưng các biện pháp phòng vệ thương mại triển khai vẫn còn hạn chế, do Việt Nam mới giảm thuế sâu trong vòng 5 năm gần đây", bà Giang cho hay.
Cảnh báo sớm nguy cơ, "lá chắn" cho xuất khẩu bền vững
Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng cục Phòng vệ thương mại chia sẻ, đa số vụ kiện điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu mới xuất hiện 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, hoạt động phòng vệ thương mại đã xuất hiện và phổ biến hàng trăm năm qua. Vì vậy, kinh nghiệm về phòng vệ thương mại của Việt Nam còn tương đối hạn chế.
"Các biện pháp phòng vệ thương mại là một phần tất yếu không thể tách rời với quá trình hội nhập quốc tế, là công cụ để đảm bảo cho quá trình hội nhập kinh tế nói chung cũng như đảm bảo xuất nhập khẩu bền vững.
Trong bối cảnh gần đây xuất hiện một xu thế lớn, cùng quá trình hội nhập thì tính cạnh tranh, bảo hộ gia tăng nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là bối cảnh dịch Covid-19, các nước tập trung tăng cường hỗ trợ một số ngành sản xuất trong nước", ông Dũng nhấn mạnh.
Nói thêm về nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, bà Giang cho biết, cách đây 20 năm lần đầu tiên gạo xuất khẩu của Việt Nam bị Colombia điều tra. Đến nay, nhận thức của các doanh nghiệp ngành hàng này đã có sự chuyển biến tích cực.
"Trước năm 2000 khi có các vụ việc thông báo khởi xướng điều tra, hầu hết doanh nghiệp ít quan tâm, chủ động ứng phó. Đến năm 2003 khi Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá cá da trơn thì lúc này doanh nghiệp mới thực sự để ý, quan tâm đến vấn đề phòng vệ thương mại.
Nếu như trước năm 2015 chúng tôi luôn phải thông báo cho doanh nghiệp và doanh nghiệp đều lo ngại và bỡ ngỡ khi phải đối diện với các vụ việc điều tra, nhưng hiện thực trạng này đã được cải thiện, thay đổi tích cực", bà Giang nói.
Cũng theo chia sẻ của bà Giang, thời gian các nước thông báo điều tra rất ngắn trong khi doanh nghiệp phải nộp rất nhiều thông tin để phục vụ điều tra. Vì vậy, để ứng phó hiệu quả thì công tác cảnh báo càng sớm, càng chi tiết càng tốt.
"Do nguồn lực nên hiện dung lượng thị trường, ngành hàng cảnh báo vẫn chưa nhiều. Trước vấn đề này, để giúp doanh nghiệp, ngành hàng ứng phó kịp thời, hiệu quả, tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống cảnh báo nhiều thị trường, ngành hàng", bà Giang khẳng định.