"Tôi không dùng được điện thoại lướt lướt"
"Tôi có hơn 30 năm làm nghề chạy xe ôm truyền thống, từ chở người hay đến chở hàng hóa, ai kêu chở gì tôi đều chở miễn có tiền. Nhiều năm trong nghề, tôi có một số "mối cứng", tính ra hàng tháng số tiền tôi kiếm được cũng đủ để nuôi cái thân già này. Nhưng, từ khi dịch Covid-19 bùng phát khách hàng hầu như họ hạn chế tiếp xúc. Đơn hàng từ các mối thưa dần…", ông Nguyễn Tiến Triển (76 tuổi, quê Tiền Giang) tâm sự.
Ông Triển lên TP.HCM sinh sống từ lúc năm 20 tuổi. Ông từng làm các nghề, bốc vác, phụ hồ, đào giếng thuê… Hơn 30 năm trong nghề lái xe ôm, ông không chỉ chở người mà còn chở hàng đi khắp hang cùng ngõ hẻm TP.HCM. Ông Triển nói: "Tôi không dùng được điện thoại "lướt lướt" như những người xe ôm khác".
Khi nghe nhắc đến sự vận hành của app công nghệ dành cho cánh tài xế, ông Triển biểu cảm: "Mình không hay biết gì về những thứ này, chỉ nghe loáng thoáng nếu chạy xe như họ, kiếm ngon nhưng cũng phải đóng thuế thu nhập".
Sau đợt dịch bùng phát, ông Triển mới trở lại chạy xe cách đây 2 tháng. Trung bình mỗi ngày ông thu được là 150 nghìn đồng. Trước khi dịch Covid-19 chưa bùng phát mạnh ở TP.HCM ông kiếm được từ 200-350 nghìn đồng/ngày.
Những ngày cận Tết, theo ông Triển vì tình hình dịch bệnh vẫn khó lường nên khách hạn chế tiếp xúc, họ ngần ngại với việc di chuyển bằng xe ôm. Và thậm chí, hàng hóa cũng thưa dần đi khi các "mối cứng" của ông cũng không còn gọi nhiều như trước nữa. Thu nhập giảm, có ngày sáng sớm đứng đến chiều không có khách đi xe và cũng không ai gọi ông Triển một cuộc nào. Ông bảo: "Chưa hề có năm nào buồn như vậy".
"Số tiền kiếm được mỗi ngày từ khi được hoạt động chạy xe trở lại của tôi giảm đi phân nửa, cũng may là tôi chỉ sống một mình. Kiếm được bao nhiêu, mình xài bấy nhiêu. Tết này, tôi chỉ dự định ghé về một nhà của người bạn ở Long Khánh (Đồng Nai) để chơi một đến hai hôm rồi trở lại Sài Gòn, chứ về quê không có gì... kì lắm!", ông Triển cười hiền.
Ông Trương Văn Toàn (85 tuổi, ngụ quận 3) nói rằng, không thể bắt con cái "lo cho thân già này". Ngần tuổi này, ông Toàn vẫn chạy xe ôm truyền thống bởi vì, ông "không muốn phụ thuộc và càng không muốn ngồi yên chờ con cái".
Ông Toàn quê ở Huế vào TP.HCM sinh sống từ nhỏ cùng cha mẹ. Trước đó, ông từng làm nghề chạy xích lô, bốc vác và sau cùng là chạy xe ôm cho đến bây giờ. Ông tâm sự, nhìn các cánh tài xế công nghệ ông cũng muốn được như vậy. Nhưng vì ông đã quá tuổi, vậy nên đăng ký chạy xe bằng app công nghệ là điều không thể.
"Trước kia thu nhập của tôi xấp xỉ 200-300 nghìn đồng/ngày. Số tiền này chỉ chạy cho các khách quen lân cận ở khu vực quận 3. Từ lúc dịch bệnh thu nhập giảm, chỉ hơn 100 nghìn đồng/ngày. Có hôm, từ sáng đến tối chỉ kiếm được 25-30 nghìn đồng", ông Toàn nói.
Ông Toàn cho rằng, ngày tết, hai vợ chồng ông không phải chạy vạy lo tiền về quê, quà cáp cho cha mẹ, con cháu như những người trẻ, nhưng vẫn phải vật vã "kiếm cơm" hàng ngày.
"Gờ ráp, U bơ giờ đầy đường hết. Không phải nói quá chứ tháng này, tiền nhà trọ sắp tới mà chú xoay không nổi luôn, đừng nói tới việc ăn uống thoải mái hay lo cho ai!", ông Bùi Tư (68 tuổi) xe ôm truyền thống ở quận 1 bộc bạch. "Sao chú không chạy Grab luôn?". "Chú già rồi, không có điện thoại cảm ứng, mà quan trọng là… dốt nữa, chú không có biết cách xài"...
Nằm trên chiếc xe máy "cà tàng" ông Tư giật mình tỉnh dậy sau một giấc ngủ trưa. Như một thói quen, ông cầm nón bảo hiểm và hỏi: "Anh đi đâu tôi chở?"... "Ông nằm như vậy có mệt không?". "Quen rồi từ sáng đến trưa vẫn nằm được vì lâu nay đều vậy khi ế khách". Mặc dù mệt vì tuổi đã lớn ông không muốn quay xe về căn nhà trọ mình đang ở, vì như ông nói, lỡ như quay về khách đến không gặp sẽ mất cơ hội "kiếm cơm".
Với hơn 20 năm trong nghề chạy xe ôm, ông Tư bày tỏ, chưa bao giờ gặp khó như thế này. Số tiền ông kiếm được khi trở lại hành nghề sau dịch chỉ chưa đến 100 nghìn đồng mỗi ngày. Vợ ông buôn bán chút rau ở chợ. Tổng thu nhập của vợ chồng ông không quá 150 nghìn đồng/ngày. Dù vợ chồng ông đã ăn uống tiện tặn, nhưng lo khoản tiền trọ gần 3 triệu đồng/tháng luôn là việc khó khăn.
Ông kể thêm, trước kia khi sức khỏe còn dồi dào ngoài chở khách mỗi ngày, khi trở về nhà trọ, mọi người ai có việc gì cần, kêu ông đều làm. Song, càng ngày sức càng xuống nên những cuốc chạy xa dù tiền nhiều nhưng đối với ông thì lại cảm thấy khó khăn. "Đuối nhưng phải cố gắng, biết làm sao...", ông nói.
Quê ông Tư ở Hậu Giang và cũng hơn 10 năm ông chưa trở về nhà. Ông thổ lộ: "Giờ về quê cũng chẳng có ai, mình đi làm ăn xa nhà đã lâu và thi thoảng hồi còn trẻ hay về các dịp Tết, giỗ ông bà. Giờ này tiền ăn, tiền nhà còn chạy vạy lấy gì mà về quê ăn Tết", ông giãi bày.