Dân Việt

Sau 2 vụ bạo hành trẻ gây chấn động, nhà văn Hoàng Anh Tú: "Mọi đứa trẻ đều muốn một gia đình"

Tào Nga 20/01/2022 12:05 GMT+7
"Nếu phải đi bước nữa, tôi mong các cha mẹ hãy nhớ giùm cho: Mọi đứa trẻ đều muốn có một gia đình", nhà văn Hoàng Anh Tú nhấn mạnh.

Dư âm vụ bé gái 8 tuổi bị người tình của bố bạo hành ở TP.HCM chưa lắng xuống thì 2 ngày qua, dư luận lại tiếp tục sục sôi trước vụ việc bé 3 tuổi nghi bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu ở Hà Nội, bé hiện đang hết sức nguy kịch. Nạn nhân của hai vụ bạo hành liên tiếp xảy ra là những đứa trẻ non nớt, chưa đủ sức bảo vệ bản thân. Những hành vi tàn nhẫn với hai đứa trẻ khiến dư luận căm phẫn lại liên quan đến người tình của bố hoặc mẹ.

Không thể đánh đồng mọi "mẹ kế", "cha dượng" đều không yêu thương, ngược đãi con riêng của chồng/vợ nhưng đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh tới tất cả những người đang làm cha làm mẹ.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết: "Trước nhất, ly dị là cuộc chia tay của 2 người lớn chứ không phải và không thể là con mất cha hay con không còn mẹ. Người cha ấy vẫn cứ là người cha dù anh ta không còn là chồng của bạn. Người mẹ ấy vẫn cứ là người mẹ dù cô ấy không còn là vợ của bạn. Gia đình cũ dù không còn nguyên vẹn thì đứa trẻ ấy nhất định phải còn cha, còn mẹ. Tuyệt đối đừng để con thành kẻ "có cha có mẹ mà vẫn mồ côi". Nếu bạn yêu con đủ, bạn sẽ phải giữ cha cho bé, giữ mẹ cho bé. Đừng bắt con mồ côi cha, mồ côi mẹ.

Sau 2 vụ hành hạ trẻ gây chấn động, nhà văn Hoàng Anh Tú: "Nếu phải đi bước nữa, cha mẹ hãy nhớ…" - Ảnh 1.

Tôi biết và chứng kiến nhiều cuộc ly hôn không êm đẹp. Người cha bất mãn người mẹ mà nhồi nhét vào đầu con về người mẹ không ra gì. Người mẹ căm hận người cha mà luôn muốn xóa sạch hình ảnh người cha trong tâm tưởng đứa trẻ. Phải rồi! Làm sao thương nổi "gã chồng" ngoại tình, rượu chè, cờ bạc. Càng thương con, nhiều mẹ càng muốn mang con tránh xa gã đàn ông ấy. Nên nhiều mẹ nói rằng: Hôn nhân lãi nhất đứa con. Làm sao không điên cho nổi một "ả vợ" đã khiến mình tức giận vì bị coi thường khí phách nam nhi của mình. Càng thương con, nhiều người cha càng muốn tẩy não con về người mẹ như thế.

Nhưng bạn có tin không, có thứ gọi là sợi dây tâm linh tương thông giữa con cái với cha mẹ. Dẫu cha nó tệ hại đến đâu, mẹ nó táng tận lương tâm thế nào, trong sâu thẳm trái tim đứa trẻ, cha vẫn là cha, mẹ vẫn là mẹ. Nó thật khó lý giải bằng khoa học dù nó là gen, nó là di truyền.

Sẽ thật buồn và đáng lo lắng nếu con bạn, đứa trẻ yêu ghét còn cảm tính mà đã hằn học khi nghĩ về cha, đã cay nghiệt khi nói về mẹ. Bởi một người thường vốn cũng chẳng mang tâm lý tiêu cực đến thế. Huống là một đứa trẻ. Đó là một trạng thái tâm lý cần được chữa trị rồi. Và căn nguyên, dù bạn nói bạn không làm gì tác động đến đứa trẻ đi chăng nữa thì bạn vẫn cứ phải chịu trách nhiệm về điều đang xảy đến với đứa trẻ của bạn. Vì bạn sinh ra nó. Vì bạn là cha, là mẹ của nó. Vì bạn cần con bạn trưởng thành không đau đớn, bình thường trong tâm lý.

Thay vì khóc thương cho bé, làm ơn, xin hãy nhớ gọi ngay 111 bất kỳ một thông tin nào bạn có được. Tổng đài quốc gia 111 có rất nhiều kênh tiếp nhận: điện thoại, fanpage, email… bạn có thể chọn cách liên lạc nhanh nhất, tiện nhất. Mọi thông tin của bạn sẽ được bảo mật tuyệt đối. Mọi đứa trẻ sẽ được bảo vệ tuyệt đối. Mọi ông bố, bà mẹ, cha dượng, mẹ kế, ông bà nội ngoại, người thân, thầy cô, thế lực… đều không được miễn trừ khi phạm tội.

Nhà văn Hoàng Anh Tú.

Nhiều đứa trẻ ngày bé đã có tâm lý cực đoan, lớn lên đều có nguy cơ trở thành kẻ gây hại cho xã hội. Nhiều kết quả nghiên cứu về những kẻ máu lạnh đều bắt đầu từ một tuổi thơ cực đoan như vậy. Bạn đâu muốn con mình cay nghiệt, hằn học với người đã sinh ra nó chỉ để bản thân hả hê đúng không?

Mọi hận thù, đớn đau, ê chề, thất bại… khi bạn phải ly dị vốn không do con bạn gây ra. Và ly dị là hết. Hãy để ly dị là dấu chấm xuống dòng cho cuộc đời của bạn. Là khép lại một chương, gập lại một cuốn sách. Xin đừng để nó kéo dài mãi mãi trong cuộc đời của bạn và càng không thể bắt con bạn phải chịu gánh cùng bạn những cảm xúc tiêu cực đó, làm ơn! Xin hãy trưởng thành sau đổ vỡ chứ đừng đánh chìm cuộc đời mình, biến mình thành kẻ thê thảm nữa. Con càng yêu bạn bao nhiêu, nó sẽ càng đau đớn gấp trăm lần cái đau của bạn. Chỉ là nó không biết lôi ra, bày biện nỗi đau đó ra cho bạn thấy được mà thôi.

Và nếu bạn phải đi bước nữa, cần đi bước nữa thì bước đi ấy, xin đừng bỏ lại con mình. Hạnh phúc của bạn sẽ phải bao gồm con bạn. Cho dẫu con bạn không ở cạnh bạn, không do bạn chăm sóc. Hạnh phúc của bạn luôn bao gồm cả con bạn, bởi đứa trẻ nào cũng muốn có một gia đình".

Tư vấn cho cha mẹ về việc bảo đảm an toàn cho con sau ly hôn, nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết: "Trong nhiều cuộc tư vấn trực tiếp với những người mẹ đơn thân muốn "hạnh phúc lần nữa", tôi vẫn chia sẻ với các mẹ những điều này:

Đừng kỳ vọng người kia yêu con bạn như bạn yêu con mình. Không ai yêu con bạn hơn được bạn. Thế nên đừng thất vọng nếu anh ta (cô ta) đối xử với con bạn không như bạn mong đợi. Hãy chỉ cần anh ta (cô ta) là một người tử tế. Hãy nhìn cách anh ta (cô ta) đối xử với trẻ con xa lạ xung quanh anh ta (cô ta) để hiểu. Người tử tế là gì nếu không phải là người biết tôn trọng và bảo vệ những đứa trẻ ngay cả khi đó không phải là con của mình, những đứa trẻ xa lạ.

Vì những gì ở điều thứ nhất kia để có điều thứ 2 này: Trong giao tiếp ứng xử sau khi về sống chung, anh ta (cô ta) sẽ biết bảo vệ con bạn như bảo vệ những đứa trẻ. Là trách nhiệm đương nhiên của mọi người lớn. Làm sao chúng ta có thể tin tưởng vào một người luôn kỳ thị trẻ con, luôn nhìn trẻ con như kẻ thù, vô cảm khi thấy đứa trẻ ngã, thờ ơ khi thấy đứa trẻ đau, bỏ mặc khi thấy mối nguy cơ tiềm ẩn với đứa trẻ?

Một người lớn như thế, dù là xa lạ với chúng ta thì cũng nên tránh xa huống chi là xáp lại gần và muốn xây dựng gia đình với họ. Tình cảm là thứ cần thời gian nuôi dưỡng. Vun đắp và nuôi dưỡng mối quan hệ mới này một cách từ từ và mỗi ngày. Đừng muốn nhanh mà đẩy gấp. Sự vồn vã, nhiệt tình nào cũng cần thời gian đủ dày. Như đứa trẻ cũng cần 3 tháng để bò, 9 tháng để lò dò biết đi và đến 3 tuổi mới có thể đi vững. Kể cả khi bạn đối xử với con riêng của chồng hay anh ta đối xử với con riêng của bạn. Trái tim. Chỉ có trái tim mới làm nên chuyện. Chứ không phải lời ngọt ngào hay những món quà cáp rực rỡ. Trẻ con rất nhạy trong những thứ mà người lớn dùng trái tim cho nó.

Tôi vẫn nghĩ rằng thứ chúng ta mang đến cho con không phải người bố mới, người mẹ mới mà chỉ đơn giản thôi, là một người thân mới cho con mình. Trong suốt quá trình tiếp xúc, sống chung, sẽ xảy ra nhiều mâu thuẫn. Đến con ruột của mình mà đôi khi chúng ta còn điên tiết với con thì mong gì người dưng sẽ kiên nhẫn được với con. Nhưng nói thế không có nghĩa là cho phép người kia thay cha, thay mẹ để đánh con mình, dạy con mình những bài học làm người.

Tôi không mong các mẹ, các bố cho phép ai khác giáo dục con mình bằng roi vọt. Cho dẫu đó là ông bà nội ngoại, cha mẹ ruột của chúng ta hay thầy cô giáo. Roi vọt không giúp đứa trẻ thành người. Và cả bạn cũng vậy khi đối xử với con riêng của chồng, của vợ. Đừng nhân danh yêu thương. Hãy trả lại quyền dạy con cho cha mẹ ruột của chúng.

Bạn hãy là người trợ giúp cho đứa trẻ. Đừng cố biến mình thành cha ruột hay mẹ ruột con riêng của chồng, của vợ. Nếu có điều đó, hãy để đứa trẻ tự nhận ra, cho phép bạn và muốn ở bạn. Hãy tin vào thời gian của sự chân thành. Bảo vệ con bạn dù bạn yêu anh ta (cô ta) đến đâu. Vì con bạn thuộc về bạn, là cuộc đời của bạn, là tài sản vô giá của bạn. Bảo vệ con không phải bằng việc ôm chặt lấy con, lắp đặt camera quanh phòng, hằm hè hăm dọa bạn đời mới của bạn. Mà bằng việc cùng con tạo ra những lớp phòng vệ bằng kỹ năng.

Là giúp con nhận biết điều người khác không được làm với thân thể của mình, dẫu đó có là ai đi chăng nữa. Thân thể là của con. Nó không chỉ là phòng chống xâm hại tình dục mà còn là nhận biết về bạo hành. Giúp con tự bảo vệ mình bằng kiến thức khoa học. Bằng để tâm đến những thay đổi lạ thường ở con. Bằng việc giữ kết nối với con liên tục. Bằng lắng nghe con mỗi ngày. Cho phép con được bày tỏ ý kiến mà không phải suy nghĩ cân nhắc. Bảo vệ con cần trái tim người mẹ, người cha chứ không chỉ bằng mắt nhìn, tai thấy hay bụng nghĩ. Con cần kiến thức để lớn khôn bất kể bạn có kết hôn lần nữa hay không.

Và cuối cùng, dù tôi còn hàng vạn điều muốn nói với những người cha, người mẹ phải đi bước nữa, tôi vẫn muốn các bậc cha mẹ xin đừng vì hạnh phúc bản thân mà tách rời con ra khỏi niềm vui của mình. Đừng cực đoan khi nghĩ "mình ở vậy nuôi con là được". Bởi những vụ mẹ kế hành hạ con chồng hay cha dượng bạo hành, xâm hại con riêng của vợ vốn chỉ là rất nhỏ dù hậu quả lần nào cũng thương tâm. Bởi ngoài kia, còn hàng ngàn người cha dượng tử tế, hàng ngàn người mẹ kế có tâm. Chỉ là bạn đang nhìn mọi thứ từ chiều nào, tích cực hay tiêu cực. Nếu chưa đủ lòng tin, xin hãy chậm lại".