Ngày 20/1, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp có sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Voso và Postmart.vn… hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản ở Bình Thuận.
Đặc biệt, thông tin liên hệ của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm thanh long, dưa hấu của nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng được thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, hiện nay, diện tích thanh long và dưa hấu của nông dân trên địa bàn tỉnh đang vào vụ thu hoạch với sản lượng lớn.
Dự kiến sản lượng thu hoạch trong quý I/2022 gần 236.800 tấn thanh long (từ 15 - 30/1 có hơn 106.500 tấn), còn dưa hấu khoảng 300 tấn với thời gian thu hoạch rộ từ 26 -27/1…
Do đó, Sở Công Thương Bình Thuận đề nghị các doanh nghiệp có sàn thương mại điện tử quan tâm, hỗ trợ đưa thông tin sản phẩm thanh long, dưa hấu của Bình Thuận lên sàn thương mại điện tử của đơn vị để các doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước có nhu cầu tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở chế biến, kinh doanh thanh long, dưa hấu tham gia gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Được biết, trái thanh long ở Bình Thuận được chế biến thành nhiều món ăn ngon như thanh long sấy, kẹo thanh long, snack thanh long, nước ép thanh long, kem thanh long…
Trao đổi với PV về việc tìm đầu ra cho trái thanh long Bình Thuận sắp tới để bớt lệ thuộc vào trị trường Trung Quốc, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, để phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần và rằm tháng Giêng năm 2022, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch xử lý ra hoa trái vụ theo hình thức luân phiên theo diện tích cuốn chiếu.
Dự kiến, diện tích cho thu hoạch từ nay đến tháng 3/2022 khoảng 11.650 ha (khoảng 30%) tổng diện tích thanh long hiện có với sản lượng khoảng 110.000 tấn.
Theo đó, sẽ tập trung vào 3 khoảng thời gian: Đợt thứ nhất từ ngày 15-20/1/2022 khoảng 44.000 tấn. Đợt thứ hai từ ngày 22-27/1/2022 khoảng 20.000 tấn. Đợt thứ ba từ ngày 10-15/2/2022 khoảng 30.000 tấn. Số lượng còn lại rải rác từ tháng 1 đến đầu tháng 3/2022 khoảng 16.000 tấn
Cũng theo ông Tấn, toàn tỉnh có khoảng hơn 110 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói xuất khẩu, sức chứa kho lạnh khoảng 16.000 tấn.
Trên địa bàn tỉnh có khoảng 13 cơ sở chế biến thanh long: sấy khô, sấy dẻo, nước ép thanh long các loại, rượu thanh long, kẹo thanh long.
Tổng năng lực chế biến sản phẩm thanh long khoảng 182.000 tấn/năm, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng toàn tỉnh.
Nhìn chung các cơ sở chế biến thanh long trên địa bàn tỉnh ở quy mô nhỏ, công nghệ thấp nên chất lượng sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, yêu cầu của các nước nhập khẩu, thời gian bảo quản, sử dụng ngắn.
"Về tiêu thụ nội địa, chúng tôi nhận định đây cũng là một trong những thị trường tiềm năng tiêu thụ thanh long Bình Thuận. Để trái thanh long phát triển bền vững, về lâu dài chúng tôi sẽ mời gọi các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ trái thanh long tươi. Qua đó sẽ định hướng và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản lợi thế của vùng…", ông Tấn nói.
Bình Thuận có diện tích thanh long lớn nhất Việt Nam
Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận, với diện tích trên 33.000ha, sản lượng hàng năm đạt trên 700.000 tấn, Bình Thuận đang là vùng chuyên canh cây thanh long lớn nhất Việt Nam nhưng chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung (Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang), chiếm khoảng 70-80% tổng sản lượng thanh long trên địa bàn tỉnh.
Bình Thuận xuất khẩu thanh long chính ngạch sang các quốc gia Châu Á (Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Philippine, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống Nhất,…); các nước Châu Âu (Đức, Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha); Châu Mỹ (Canada, Mỹ), Châu Đại Dương (Úc, New Zealand) nhưng số lượng còn hạn chế.
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, một số nước đóng cửa nhập khẩu hoặc hạn chế năng lực xuất, nhập khẩu dẫn đến việc xuất khẩu khó khăn, chi phí tăng cao, nhất là gần đây phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu tại một số cửa khẩu phía Bắc.