Một World Cup ở vùng Vịnh có lẽ là một điều được cho ngớ ngẩn và không tưởng cách đây nửa thế kỷ. Kể cả khi những đội tuyển vùng Vịnh đầu tiên, như Kuwait, có mặt ở vòng chung kết World Cup Espana 1982, người ta cũng chỉ cảm thấy ngạc nhiên, thậm chí hơi nực cười khi thấy những quan chức bóng đá nước này trong trang phục Hồi giáo truyền thống trên sân vận động…
…Nhưng trong một thế giới của toàn cầu hóa, của những tư tưởng mở rộng biên giới bóng đá đến những chân trời mới mẻ, mà ở đó, các nhà tài trợ và các nhà lãnh đạo muốn sử dụng bóng đá như một công cụ hữu hiệu để quảng bá hình ảnh quốc gia, những ý tưởng dù khó tin nhất cũng có thể trở thành hiện thực. World Cup đã đến châu Phi năm 2010, đã tới Nga năm 2018 và sẽ đến Qatar năm 2022.
World Cup phải diễn ra, khán giả từ khắp nơi trên thế giới phải lấp đầy các sân bóng, các chuyến bay đến Qatar phải tràn ngập những niềm vui và sự háo hức được chứng kiến một World Cup "bình thường mới".
Đó là những chân trời mới vượt ra ngoài khuôn khổ Âu-Mỹ truyền thống thay nhau đăng cai các World Cup cứ 4 năm một lần, khẳng định một sự thật rằng, trong khi quả bóng ở đâu cũng tròn như nhau thì bóng đá không thể thoát khỏi một quy luật rất thị trường, là nó cũng phải đi tìm những mỏ tiền mới, những tệp khách hàng mới, những khán giả mới, giống như một gánh xiếc lang thang khắp nơi.
Kể cả khi những cuộc bỏ phiếu và rồi công bố kết quả các quốc gia đăng cai, như Nga và Qatar, bị dư luận "soi" một cách gắt gao, những quan chức có ảnh hưởng lớn đến bóng đá thế giới như cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và Chủ tịch UEFA Michel Platini lần lượt rớt đài sau khi những bê bối lớn liên quan đến cả quá trình đấu thầu đăng cai ấy, thì không gì có thể thay đổi điều đã được quyết định. Những bê bối ấy chỉ khẳng định rằng, bóng đá đã từ lâu không phải là một cuộc chơi thể thao mà đầy ắp yếu tố chính trị. Nga đã tổ chức một World Cup tốn kém bậc nhất trong lịch sử, nhưng thành công cả trong và ngoài sân cỏ, và người bị phương Tây luôn cho vào "tầm ngắm" - Tổng thống Vladimir Putin, chứng tỏ cho tất cả thấy, nước Nga và ông có thể làm được những gì.
Qatar chỉ còn cách World Cup chưa đầy một năm nữa, và bất chấp một sự thật là họ bị báo chí phương Tây chỉ trích về rất nhiều vấn đề khác nhau, có vẻ như chẳng điều gì ảnh hưởng đến quyết tâm tạo ra một World Cup thành công lớn nữa, trước khi chúng ta hướng đến một World Cup khác vào năm 2026, mở rộng không chỉ ở quy mô tổ chức khổng lồ ra cả Bắc Mỹ, mà còn tăng số đội tham dự lên con số kỷ lục: 48 đội.
2022 là World Cup đầu tiên ở vùng Vịnh, World Cup đầu tiên không tổ chức vào tháng 6 như đã luôn như thế trong suốt lịch sử của giải vô địch bóng đá lớn nhất thế giới, World Cup đầu tiên giữa sa mạc, cũng là World Cup đầu tiên trên một vùng đất mà trước đó không được cho là đất lành của trái bóng tròn.
Tôi đã đi nhiều World Cup, ngồi trên nhiều sân vận động, lang thang ở nhiều thành phố đăng cai và vào cả những góc khuất mà ánh sáng World Cup không thể rọi tới, dù giải đó được tổ chức ở châu Âu, châu Mỹ hay châu Phi… Nhưng tôi cũng chưa thể hình dung ra một World Cup được tổ chức ở vùng Vịnh, trong một quốc gia Hồi giáo diện tích nhỏ bé sẽ thế nào.
Cái lạnh ở mùa đông châu Phi ở World Cup 2010 tôi đã trải qua, cái nóng ẩm khó chịu của Brazil ở World Cup 2014 tôi cũng đã nếm trải, cơn mưa như trút trong trận chung kết World Cup 2018 ở Moscow trong mùa hè nước Nga tôi cũng đã biết (kể từ năm 1954 mới có cơn mưa rào nặng hạt trút nước xuống trận chung kết World Cup). Nhưng một World Cup ở nơi bốn bề là cát, với những thành phố được xây trên sa mạc, sẽ thế nào?
Dù sao đi nữa, đó cũng sẽ là một trải nghiệm mới mẻ. Thế giới Hồi giáo luôn có những điều bí ẩn cần khám phá và một World Cup ở vùng Vịnh, nơi những thế lực đối lập đấu tranh với nhau trên nhiều phương diện, từ tôn giáo, chính trị, kinh tế cho đến bóng đá và có thể đấy sẽ là một giải đấu đầy thú vị, nhưng cũng có thể sẽ là một giải đấu mà người ta tiếc nuối nhiều điều nhất.
Đó nhiều khả năng là World Cup cuối cùng của Messi, khi anh đã 35 tuổi. Chúng ta cũng chưa rõ Ronaldo có thể đến được với Qatar không, khi thất bại 1-2 trước Serbia ở vòng loại đã khiến Bồ Đào Nha phải đá playoff vào tháng 3 năm nay. Và nếu Bồ Đào Nha có vé đến đó, khi Ronaldo đã ở tuổi 37, cho World Cup chắc chắn là cuối cùng của anh, điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhà vô địch EURO 2020 Italia lần thứ 2 liên tiếp ở nhà xem World Cup qua tivi.
Ronaldo, hoặc Italia, hoặc thậm chí có thể cả hai sẽ là những sự vắng mặt đáng tiếc nhất của ngày hội bóng đá thế giới. Bây giờ, chúng ta sẽ tiếc cho họ, nhưng khi trái bóng lăn trong một tháng Qatar, sẽ chẳng còn ai nhắc đến họ nữa đâu.
Tôi chỉ có một ước mơ duy nhất, đến lúc World Cup diễn ra, thế giới đã có thể trở lại bình thường, hoặc gần như bình thường. Thật khó có thể xua đuổi Covid-19 và những biến chủng của nó ra khỏi cuộc sống và những nỗi sợ hãi của chúng ta. Cũng không ai biết liệu Omicron có phải là cuộc tấn công cuối cùng của đại dịch vào thế giới này không. Nhưng World Cup phải diễn ra, khán giả từ khắp nơi trên thế giới phải lấp đầy các sân bóng, các chuyến bay đến Qatar phải tràn ngập những niềm vui và sự háo hức được chứng kiến một World Cup "bình thường mới".
Khi trái bóng dừng lại khi tiếng còi cuối cùng vang lên trong trận chung kết vào tháng 12/2022, nó cũng sẽ kết thúc một World Cup hoành tráng và đẹp nhất.
Và, như bất cứ một cổ động viên yêu bóng đá, tôi muốn hét lên ngay lúc này: "Tôi phải có mặt ở đó"…