- Em là con gái Kẻ Mơ/Em đi bán rượu qua dinh Ông Nghè/ Ông Nghè sai lính ra ve..." - cô gái này, xinh đẹp chính gốc làng Thanh Mai, tục danh là "Mơ Rượu", vì sản được thứ "Rượu Kẻ Mơ/Cờ Mộ Trạch"!
Trong thế giới ngôn ngữ tiếng Việt, "Kẻ" - như vừa kể vài trường hợp làm ví dụ - là từ/chữ đã phủ đầy lên không gian sinh tồn và phát triển của dân tộc, từ rất lâu đời. Với nghĩa là: "Làng", "Quê", gắn liền với hằng số "Ba chữ N" - Nông nghiệp, Nông thôn, Nông dân - của lịch sử và văn minh Việt Nam cổ truyền.
Nhưng, ít nhất thì đến thế kỷ XVI, đã xuất hiện - như cù lao nổi lên giữa biển cả - một "Kẻ" mà lại không phải là "Làng", là "Quê" nữa! Đó là "Kẻ Chợ".
"Con sông này hết sức thuận tiện cho kinh thành. Tất cả hàng hóa đều được mang đến đây, theo dòng sông này. Đây là nơi tập trung mọi hoạt động của vương quốc. Vô vàn thuyền bè từ đây mà đi lại buôn bán khắp nước".
S.Baron
Nói "ít nhất", là vì cái "Kẻ Chợ" này có thể đã được phổ quát mà gọi tên, nói đến, trong ngôn ngữ dân gian từ nhiều thế kỷ trước XVI, nhưng vì bấy giờ chưa có... máy ghi âm, nên chỉ đến lúc một người Bồ Đào Nha là Barros, vào năm 1550, cho in cuốn sách "Da Asia" (về châu Á), trong đó dùng chữ "Cacho" (tức: chính là "Kẻ Chợ") để nói về kinh đô nước Đại Việt, thì mới có tư liệu văn bản - Bằng cứ chữ viết, để khẳng định, cả về thực thể lẫn tên gọi của cái "Kẻ Chợ" tức là tòa kinh đô Thăng Long ấy.
"Kẻ Chợ", từ đấy, qua các thế kỷ 17, 18... với những biến âm/biến dạng, thành "Kacho", "Cachu", "Ketchiu"..., xuất hiện lừng lẫy, trong các tác phẩm của nhiều người phương Tây (dịch):
- "Nếu ta đi từ Kẻ Chợ (khu phố phường buôn bán) để vào triều, tức là khu cung điện của nhà vua thì chúng ta sẽ trông thấy, không chỉ một tòa lâu đài, mà là cả một thành phố rất đẹp và rộng" (GF.Marini);
- "Phủ chúa (Trịnh) nằm ở giữa trung tâm thành phố Kẻ Chợ" (S.Baron);
- "Ở Kẻ Chợ, có rất nhiều chợ đẹp" (G.Careri)...
Câu văn cuối cùng vừa kể trên của tác giả cuốn sách "Memoires" (Ký ức), in năm 1695 dẫn lại lời của nhà tu hành Ferreira, trước đấy đã có mặt ở Thăng Long - rất thú vị, vì đã tự nhiên mà giải thích được nguồn gốc và bản chất của cả thực thể lẫn tên gọi "Kẻ Chợ": Đó là một "Kẻ" có nhiều "Chợ"!
Những khu chợ quan trọng và đầu tiên của Kẻ Chợ, do nhu cầu tiêu thụ của trung tâm triều chính - hoàng cung và sự cung ứng phục vụ cho nhu cầu ấy, nên đã tự đặt vị trí của mình ở vào chỗ sát ngay bên ngoài các cửa thành: "Chợ (cửa) Tây" (còn gọi là chợ Tây Nhai) tọa lạc ở chỗ chợ Ngọc Hà bây giờ, "Chợ Cửa Đông" (tức: Chợ Bạch Mã) ở quanh ngôi đền Bạch Mã, phố Hàng Buồm ngày nay, "Chợ Cửa Nam" vẫn đang còn khu chợ mang tên ấy, "Chợ Châu Long" ở phố Châu Long lúc này, gần ngay mé ngoài Cửa Bắc... là những khu chợ như thế.
Từ những vị trí đầu tiên ấy, chợ loang ra, tăm tắp mà gắn bó với nhau, thành một mạng lưới chợ dày đặc, phủ lên khắp kinh thành, biến Kẻ Chợ thành một tập hợp chợ khổng lồ, nhộn nhịp như trong thơ của sứ giả Ngụy Tiếp, đến Thăng Long năm 1736 đã mô tả: "Gió hòa bụi, chợ đông người/ Phất phơ tay áo, đua chơi xuân cùng/Ngày dài thuyền chở, xe dong/Bán buôn lũ lượt, trập trùng chen đua...", hoặc huyên náo như Phạm Đình Hổ, về cuối thế kỷ XVIII, đã nói trong sách "Vũ trung tùy bút": "Chợ buôn bán rất sầm uất, những quân trộm cắp hay thừa cơ cướp giật, có khi thò tay vào túi người ta mà móc lấy hết cả, có khi lại cố ý làm cho chợ ồn ào đổ xô nhau mà chạy, để rồi cắp bọc quần áo của người ta, hoặc khuân đồ đạc hàng hóa đi mất..."!
Còn, các tác giả phương Tây thì cũng viết, như W. Dampier: "Ở Kẻ Chợ, chợ họp trong tất cả mọi ngày". Hay như A. de Rhodes: "Chợ ở Kẻ Chợ mỗi tháng có 2 phiên". Và "Trong những ngày phiên chợ đó, một số đông dân chúng các nơi đổ dồn về, đến nỗi các phố phường tuy đã rộng rãi, nhưng cũng không chứa nổi họ" (Castillon). Hay sinh động hơn: "Rất nhiều đường phố tuy rộng rãi, nhưng lúc đó cũng trở thành chật ních, đến nỗi người ta cảm thấy cũng là khả thủ, nếu lách được 100 bước qua đám đông trong vòng nửa giờ" (S. Baron).
Kẻ Chợ, gắn liền với những khu chợ như thế, còn có những bến sông, chẳng hạn như S. Baron đã viết về sông Hồng: "Con sông này hết sức thuận tiện cho kinh thành. Tất cả hàng hóa đều được mang đến đây, theo dòng sông này. Đây là nơi tập trung mọi hoạt động của vương quốc. Vô vàn thuyền bè từ đây mà đi lại buôn bán khắp nước".
Những bến thuyền trên dòng sông mà tác giả Richard của cuốn sách viết vào thế kỷ XVIII: "Lịch sử tự nhiên, văn minh và chính trị của Đông Kinh" gọi là "Sông Kẻ Chợ" này với "Số lượng thuyền bè ở đây nhiều đến nỗi rất khó mà áp mạn được vào bờ" còn được đem so sánh sự phồn vinh cả thành phố Venise: "Nhiều sông ngòi và bến cảng buôn bán sầm uất nhất của chính ta ở châu Âu, ngay cả đến thành phố Venise với tất cả những thuyền bè lớn nhỏ, cũng không thể nào cho ta được một ý niệm về sự hoạt động và cả cư dân trên sông Kẻ Chợ"!
Một Kẻ Chợ thịnh vượng như thế ở Thăng Long, với phố phường, đường sá, cửa nhà... khang trang, mang những cảnh quan được thiên tài Nguyễn Du hoạt náo mà gói lại trong câu thơ sang trọng: "Ngựa xe như nước, áo quần như nêm", trải qua các triều đại, từ nhà Mạc đến nhà Lê Trung Hưng, từ nhà Tây Sơn đến nhà Nguyễn suốt các thế kỷ từ XVI đến XIX, cũng chính là nơi vẫy gọi và hội tụ những người tài "Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ".
Đó chính là nguồn nhân lực sáng giá - đến từ những "Kẻ quê" khắp mọi miền, xa thì như Thanh Nghệ, gần thì chính là Tứ trấn: (Sơn) Nam, Kinh (Bắc), Đông (Hải) và Đoài (Sơn Tây) - tạo nên sự phồn thịnh và phồn vinh cho Kẻ Chợ.
Nhưng, trong những nhân sự từ "Kẻ Quê" đến "Kẻ Chợ" đó, cũng không ít trường hợp mang tâm lý - được viết thành chữ, ở ghế ngồi dạy học tại ngôi trường Tự Tháp danh giá (trên vùng Hàng Trống bây giờ) của Ông Nghè Phạm Dưỡng Am - "Thị thành há phải quên đồng ruộng?", mà tạm bợ làm ăn ở/cho Kẻ Chợ, với lối sống của hằng số "Ba chữ N" (Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân) trên đất Kẻ Chợ! Chưa kể đến những người, cũng từ Tứ trấn đấy, nhưng lại là "Tứ chiếng giang hồ", tìm tới Kẻ Chợ với định kiến và thái độ coi "nhà giàu Kẻ Quê, không bằng ngồi lê Kẻ Chợ"!
Sức níu kéo trì trệ của biển cả là Kẻ Quê đối với cái cù lao là Kẻ Chợ, đã thành một thực tiễn nghiêm trọng, khiến Kẻ Chợ phải trả giá, sau một thời gian phát triển, khi bằng và đem chính cuộc sống cùng sự tồn vong của mình mà trả lời câu hỏi lịch sử: - Ta đang đô thị hóa nông thôn hay đang nông thôn hóa đô thị đây?