Dân Việt

Chợ Việt xưa nay: Ngôi chợ lớn nhất kinh kỳ - Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại

Tịnh Thy 18/02/2022 19:00 GMT+7
Có lẽ giống như tôi, trong nhận thức của nhiều người dân Huế, một trong những ngôi chợ mà họ biết đến sớm nhất trong đời là chợ Đông Ba.

Ngôi chợ lớn nhất kinh kỳ

Tôi "đi" chợ Đông Ba từ câu hò đưa nôi của bà, của mẹ:

Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại

Cầu Trường Tiền đúc lại xi-moong…

Câu hò trên đánh dấu một sự kiện lớn của cố đô Huế, đó là việc Vua Thành Thái chỉ dụ đưa chợ Đông Ba - ngôi chợ lớn nhất kinh kỳ - từ cửa Chánh Đông "ra ngoài giại" là khu đất trống sát bờ sông Hương gần bến đò Trường Tiền, vào năm 1899. Từ đó đến nay, chợ Đông Ba đã có đến 122 năm tuổi và luôn là một địa chỉ văn hóa quan trọng trên bản đồ TP.Huế.

Chợ nằm dọc bờ Bắc sông Hương từ đầu cầu Trường Tiền đến cầu Gia Hội, đối diện là khu phố Trần Hưng Đạo sầm uất, vị trí "trên bến dưới thuyền, phố xá đông đúc" là điều kiện hết sức thuận lợi cho việc mua bán. Theo tài liệu của ban quản lý chợ Đông Ba, hiện nay, chợ có khoảng 2.700 hộ kinh doanh, bình quân mỗi ngày có từ 7.000 - 10.000 khách đến chợ. Vào những dịp lễ, tết, chợ tấp nập hơn, có đến trên 12.000 người.

xuan/Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại - Ảnh 1.

Chợ Đông Ba thập niên 1920. Ảnh tư liệu

Một khu chợ đêm Đông Ba đang được xây dựng, mở cửa từ 18 giờ đêm đến 5 giờ sáng, sẽ hoàn thành trong nay mai. Thêm một lần nữa chợ Đông Ba lại "đem ra ngoài giại".

Không chỉ là chợ dân sinh thông thường, từ xa xưa, chợ Đông Ba trở thành nơi quy tụ sản phẩm của các làng nghề truyền thống địa phương: Vàng bạc Kế Môn, kim khí Hiền Lương, gốm Phước Tích, kim khâu Mậu Tài, giấy Đốc Sơ, mây tre Bao La, hoa giấy Thanh Tiên, liễn trướng An Truyền, tranh thờ làng Sình, mứt bánh Kim Long, rượu gạo làng Chuồn, nón lá Phủ Cam... Vì thế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, muốn đi tìm cái bản sắc Huế, khỏi phải nhọc mệt đi hết làng nghề này đến làng nghề khác, cứ đến chợ Đông Ba là có thể tìm thấy tất thảy.

Ẩm thực cũng là một nét hấp dẫn khác của chợ Đông Ba. Các món ăn bình dân với muôn màu muôn vị là một nét độc đáo mời gọi mọi người. Muốn thưởng thức cơm hến Huế, bún bò Huế, chè Huế, bánh Huế đúng nghĩa, du khách nên tìm đến nơi này. Bởi vì, chợ truyền thống nói chung và chợ Đông Ba nói riêng luôn là nơi lưu giữ bản sắc ẩm thực địa phương một cách chân xác nhất. Nhà ẩm thực người Mỹ lừng danh Anthony Bourdain đã đến ăn bún bò ở đây và cho rằng bún bò Huế là món súp ngon nhất thế giới.

Trái tim của TP.Huế

xuan/Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại - Ảnh 3.

Chợ Đông Ba hôm nay. Ảnh tư liệu

Do vị trí và tầm vóc của mình, chợ Đông Ba trở thành nơi thể hiện văn hóa, văn minh và lịch sử của kinh đô Huế. Thời xưa, trên tòa lầu ba của chợ, bốn phía được gắn bốn chiếc đồng hồ to bằng miệng thúng, đứng trước cổng Toà Khâm Sứ bên kia sông Hương cũng xem được giờ. Trong chợ có xây giếng máy, muốn lấy nước chỉ việc dùng tay quay trục, tự nhiên nước tràn lên, phun ra, khỏi cần gàu và khỏi nhọc công múc. Đồng hồ và giếng máy chợ Đông Ba như là thước đo trình độ văn minh của đất nước, của kinh thành.

Trải qua trường kỳ lịch sử, chợ Đông Ba luôn là trái tim của TP.Huế. Người ta có thể đo sức sống, nhịp đập của thành phố qua nhịp đập của ngôi chợ đặc biệt này. Người Huế lấy chợ Đông Ba làm tâm điểm. Xung quanh chợ Đông Ba là có sông Đông Ba, bến Đông Ba, phố Đông Ba, cầu Đông Ba, cửa Đông Ba… tất cả làm nên một quần thể mang tên Đông Ba từ sức ảnh hưởng có một không hai của ngôi chợ này. Các đường phố ở khu vực này đều đánh số nhà khởi đầu từ chợ Đông Ba. Trong khi đường Lê Lợi ở bờ nam sông Hương đánh số 1 từ ga Huế trở xuống, thì đường Trần Hưng Đạo ở bờ bắc sông Hương đánh ở 1 từ phía chợ Đông Ba trở lên. Với người dân Huế, định vị trung tâm thành phố của họ vẫn là chợ, bởi vì chợ thân thiết - quen thuộc - dân dã - gần gũi hơn.

Nơi níu giữ một tinh thần rất Huế

Có hai kỷ niệm về tiểu thương chợ Đông Ba khiến tôi nhớ mãi. Cách đây hơn 30 năm, lúc đó, tôi 20 tuổi. Cần mua một cái áo đi mưa, tôi đến một quầy hàng. Tôi hỏi chủ hàng về loại áo mình cần. Và thật bất ngờ khi một người phụ nữ tầm tuổi mẹ tôi trả lời thật lịch sự và nhã nhặn: "Cảm ơn cô! Hàng tui không có loại áo đó. Cảm phiền cô đi tới vài hàng nữa, sẽ có". Thái độ, ngôn từ và giọng điệu của bà mang lại cho tôi một cảm giác thật khó tả, đầy thiện cảm, xúc động và mến phục.

Năm ngoái, tôi lên thăm cô nhi viện ở chùa Đức Sơn vào đúng bữa cơm trưa, gặp một cựu tiểu thương chợ Đông Ba với cách làm từ thiện thật giản dị. Bà khoảng 70 tuổi, đã nghỉ buôn bán, giao lô hàng lại cho con cái. Mỗi tháng hai lần, bà đảm nhiệm bữa ăn trưa cho các cháu ở đây, một bữa cơm chay và một bữa cơm mặn. Tiền đâu? Bà bảo: "Mệ đi một vòng quanh chợ, mỗi hàng mệ chỉ xin 2.000 đồng, nhiều hơn mệ cũng không nhận, mệ xin khi nào đủ bữa cơm là dừng. Mà các chị em đều rất vui vẻ, nhiệt tình đóng góp. Làm nhỏ nhỏ vậy mà vui và bền lâu đó con!". Bữa cơm của bà không giống cơm ngày thường, vì nó luôn ngon hơn, lạ hơn khiến các cháu lại háo hức trông chờ. Hai tiểu thương, hai bà mẹ Huế, một gặp ở chợ, một gặp ở chùa đã để lại ấn tượng thật đẹp trong tôi; và hơn thế nữa, chính họ đã cho tôi bài học trong ứng xử với con người và cuộc đời.

Dãi nắng dầm mưa với Huế suốt 122 năm, đến lúc này chợ Đông Ba đã hoàn thành nhiệm vụ của một trung tâm phân phối hàng hóa cho cả vùng và là nơi cung cấp thực phẩm cho người dân Đông Ba, Gia Hội. Bây giờ những nhiệm vụ đó đã có chợ Đầu mối và các chợ nhỏ chung quanh đảm đương. Chợ Đông Ba phải trở thành một trung tâm du lịch, để du khách đến chơi, trải nghiệm ẩm thực Huế và mua sắm hàng lưu niệm. Dự án cải tạo chợ Đông Ba đang được chính quyền xúc tiến. Một khu chợ đêm Đông Ba đang được xây dựng, mở cửa từ 18 giờ đêm đến 5 giờ sáng, sẽ hoàn thành trong nay mai. Thêm một lần nữa chợ Đông Ba lại "đem ra ngoài giại" và lần này với sứ mệnh du lịch, tạo thêm sức hấp dẫn cho Đông Ba, để giữ chân du khách ở lại với Huế lâu hơn.