Dân Việt

Chợ Việt xưa nay: Chợ Dinh ở Nghệ An, họp 1 tháng 3 phiên, tiểu thương trông từng ngày để được ra chợ

Lê Tập 11/02/2022 18:30 GMT+7
Chợ Việt xưa nay: Chợ Dinh ở Nghệ An họp 1 tháng 3 phiên đã hầu như còn giữ được nét văn hóa đặc sắc mang hồn quê Việt.

Chợ 1 tháng 3 phiên

Chợ Dinh có từ hàng trăm năm, ở xã Hoa Thành (Yên Thành, Nghệ An), thế đất hình bàn cờ, với tổng diện tích khoảng 5.000m2. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố lịch sử, nhiều lần sửa chữa nhưng tinh thần, hồn cốt của đất và con người nơi đây vẫn được lưu giữ, sức sống bền bỉ, tinh túy của những phiên chợ Dinh rộn ràng, đậm đà bản sắc truyền thống hồn quê Việt.

Người dân quê lúa Yên Thành thường có câu nói "chợ huyện một tháng 3 phiên", nghĩa là chợ mỗi tháng chỉ họp 3 phiên vào các ngày mồng 9, 19 và 29 (Al).

Các ngày mồng 9, 19 là phiên chợ thường, hàng hóa vẫn đa dạng nhưng số lượng người họp chợ ít hơn. Ngày 29 tháng Chạp là chính phiên, phiên chợ tết lớn nhất năm, thu hút hàng nghìn người dân trong huyện tụ hội về đây mua sắm, trao đổi hàng hóa.

xuan/Một tháng 3 phiên - Ảnh 1.

Chợ Dinh, Hoa Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, mỗi tháng chỉ họp 3 phiên thu hút hàng nghìn người dân trong huyện.

Phiên chợ 29 Tết cuối năm được tổ chức không chỉ để mua sắm mà là dịp dòng người hòa mình vào khung cảnh đầy màu sắc tươi vui, đông đúc, gửi gắm cho nhau những điều ước mong bình an, sung túc cho năm mới.

Bà Nguyễn Thị Lý (trú tại xã Lý Thành, huyện Yên Thành), cho hay: "Hầu như năm nào tôi cùng với các con cháu đi phiên chợ 29 Tết, là phiên chợ cuối năm nên hàng hóa rất nhiều, người dân chen chúc nhau từng hàng dài, vui vẻ, không khí sắc xuân tràn ngập khắp mọi miền quê, rất vui.

Mặc dù Tết Nguyên đán đã cận kề, bận rộn nhưng tôi cũng sắp xếp đi phiên chợ Dinh cuối năm này. Mua sắm đã đành nhưng muốn tận hưởng không khí cuối năm tràn ngập niềm vui, đi chợ Dinh cuối năm cầu cho cái xui năm cũ qua đi, đón điều may mắn, tốt lành cho năm mới".

Đặc sắc phiên chợ sản vật quê hương

xuan/Một tháng 3 phiên - Ảnh 2.

Chợ Dinh không chỉ nơi trao đổi, mua bán hàng hóa mà còn là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của làng quê huyện lúa Yên Thành.

Các mặt hàng truyền thống, được người dân trong huyện tự sản xuất ra như: Các loại bánh được làm từ nông sản, bánh xèo, bánh ngọt, bánh đúc, bánh chưng, bánh tét, giò, chả, nải chuối, buồng cau… mang đậm đặc trưng của quê lúa Yên Thành, các mặt hàng mây tre đan, của làng nghề cũng được đem ra chợ bán.

xuan/Một tháng 3 phiên - Ảnh 3.

Chợ Dinh không chỉ là nơi mua bán, trao đổi, giao lưu mà còn là không gian phản ánh tập quán, văn hóa vùng quê huyện lúa Yên Thành. Ảnh: L.T

Bà Phan Thị Huệ, bán hàng thịt ở chợ Dinh đã hơn 20 năm, "mặc dù mỗi tháng chỉ họp 3 phiên nhưng tôi trông từng ngày để được ra chợ". Bà Huệ bảo rằng, chợ Dinh đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, trở thành nét đẹp truyền thống bao đời nay.

Còn với chị Nguyễn Thị Thoa, người xã Hậu Thành, thì ký ức vẫn lưu giữ về cái chợ đã có hàng trăm năm tuổi. "4 - 5 tuổi tôi đã được mẹ cho theo đi chợ Dinh. Tôi háo hức được theo mẹ đi chợ, để được mua quà bánh, quần, áo mới. Đặc biệt, phiên chợ 29 Tết, là đồng nhất năm, người dân khắp huyện đổ xô về, đông nghịt, xê dịch từng bước chân mới vào được trong chợ".

Hồi trước, các chợ ở xã còn khan hiếm hàng hóa, nên người dân trong huyện và vùng lân cận trông chờ phiên chợ Dinh để mua sắm.

Trao đổi với PV Báo NTNN, ông Nguyễn Khắc Đức - Chủ tịch UBND xã Hoa Thành, cho biết: "Xã Hoa Thành đã đạt chuẩn nông thôn mới, cơ sở hạ tầng, điện đường, trường trạm… đã khang trang, sạch, đẹp. Nhưng chợ Dinh không phải chỉ là nơi để bán mua, nó là văn hóa, là bản sắc của nông thôn Việt Nam còn giữ được".