Dân Việt

Người vẽ hàng trăm bức bích họa "khủng", mang mùa xuân về cho thành phố

Châu Mỹ 22/01/2022 07:39 GMT+7
Cận Tết, khắp ngõ phố phường 2, đường Nguyễn Khoái, quận 4, TP.HCM, các bức tường lại bừng sáng với màu sơn và họa tiết mới. Cả khu phố là một bức họa khổng lồ, được tạo bởi bàn tay của "họa sĩ" khéo tay Nguyễn Văn Minh.
Người vẽ hàng trăm bức bích họa "khủng", mang mùa xuân về cho thành phố - Ảnh 1.

Bức bích họa trên tường nhà những nơi ông Minh đi qua và vẽ. Ảnh: C.M

Cận Tết, ông lại cần mẫn dắt chiếc xe đạp, trên giỏ có vài lọ sơn, tỉ mẩn đi từng ngõ ngách, bôi, xóa, thay áo cho những bức tường mà màu sắc vẫn còn tươi mới. 

Trong gần 5 năm miệt mài đi khắp các con phố quận 4, quận 3, quận 7, di sản "họa sĩ khùng" để lại cho đời dễ đến hàng trăm bức bích họa trên tường.

Người vẽ hàng trăm bức bích họa "khủng", mang mùa xuân về cho thành phố - Ảnh 2.

Người vẽ hàng trăm bức bích họa "khủng", mang mùa xuân về cho thành phố - Ảnh 3.

Những bức tường hẻm được thay áo mới. Ảnh: C.M

Sở dĩ bị gọi là "khùng" vì cách đây nhiều năm, đang cùng vợ dạy tình nguyện tại các trung tâm dành cho trẻ khuyết tật TP.HCM, ông Minh bỗng bị chứng mất ngủ hành hạ. 

Những đêm thao thức, không biết làm gì để chờ sáng, ông cho sơn, cọ vẽ vào giỏ xe, lang thang khắp các ngõ phố đường Nguyễn Khoái, quận 4 để "thay áo" cho các bức tường vốn đầy tờ rơi quảng cáo.

Người vẽ hàng trăm bức bích họa "khủng", mang mùa xuân về cho thành phố - Ảnh 4.

Góc phố vui tươi đậm nét Sài Gòn. Ảnh: C.M

Ban đầu người ta tưởng ông khùng, thậm chí họ nói ông bị "ma ám" khi đêm hôm cứ lang thang một mình rồi dùng cọ vẽ trò chuyện với những bức tường.

Lâu dần, thấy những bức bích họa làm bừng sáng phố phường, cảnh sắc quá tươi vui... nên những gã say rượu cũng không dám phóng uế bậy, người dân thấy đẹp cũng không nỡ để rác.

Người vẽ hàng trăm bức bích họa "khủng", mang mùa xuân về cho thành phố - Ảnh 5.

Một mình ông Minh cặm cụi vẽ.

Kể từ đó, chính quyền địa phương vui mừng, hỗ trợ kinh phí mua vật liệu, tin tưởng nhờ ông Minh khoác áo mới cho những bức tường. Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều người dân cũng nhờ ông Minh "thay áo" cho những bức tường cũ kỹ của nhà mình.

Mê vẽ, mê nhạc từ nhỏ, lớn lên, chàng thanh niên Nguyễn Văn Minh thi đậu một trường nghệ thuật tại Đà Lạt. Đang vẽ dở giấc mơ thành họa sĩ thì binh biến nổ ra. Ông Minh đi lính, hòa bình lập lại, ông trở về đời thường, lấy vợ, sinh con, mưu sinh bằng đủ nghề lao động chân tay, trong đó có cả nghề đạp xích lô.

Người vẽ hàng trăm bức bích họa "khủng", mang mùa xuân về cho thành phố - Ảnh 6.

Xóa đi những bức tường loang lổ với các mẩu quảng cáo khoan cắt bê tông. Ảnh: C.M

Khi người con duy nhất trưởng thành, ông và vợ thảnh thơi hơn nên hai vợ chồng rủ nhau đến dạy tình nguyện cho các học trò kém may mắn tại trung tâm trẻ khuyết tật.

Ở tuổi 75, họa sĩ già sống thanh bạch giản dị cùng vợ và con trong một căn nhà nhỏ nằm tút hút nơi cuối con hẻm, chỗ mom đất chạm bờ kênh. 

Ngoài tài vẽ, ông còn chơi thành thạo ba nhạc cụ, hát hay và là võ sư Karatedo. Rảnh rỗi, hai vợ chồng cùng người con lại đem đàn ra trước cửa, làm hẳn "liveshow" phục vụ bà con chòm xóm.