Tết của cô bé xóm chài
Sáng 19 tháng Chạp, vẫn như thường lệ, Hiền uể oải chui khỏi chiếc chăn len lúc 8 giờ. Cô bé 5 tuổi sống cùng đại gia đình gồm 7 anh chị em, cùng bố, mẹ và bà nội trên 2 chiếc thuyền gỗ cũ nát, neo ở khu núi ven bờ thuộc phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long. Dù vẫn muốn cuộn mình trong chiếc chăn nồng vị biển, nhưng Hiền phải dậy để xuống mui thuyền trông em út, thay cho mẹ nấu cơm.
Từ tờ mờ sáng, cả nhà đã thức giấc, mỗi người một hướng tỏa đi tứ phía trên biển mưu sinh. Bố thì cùng anh Tiến, anh Sang, chị Nga trên một chiếc thuyền hướng về biển Bái Tử Long câu cá; bà nội cùng chị lớn của Hiền là Vân chèo chung một chiếc đò ra bến cảng cá gầm cầu Bài Thơ chờ khách; chị Tiền thì mang mớ cá ra rìa chợ Hạ Long 1 bán. Trên thuyền chỉ còn lại 3 mẹ con.
Bữa sáng được dọn ra trên thuyền lúc khoảng 9 giờ, khi ấy mọi người cũng về kịp để cùng ăn, trừ bố, anh Tiến, anh Sang, chị Nga đến đêm mới về hoặc có khi đi đến mấy hôm vì không câu được cá.
Hiền ghét mùa đông. Dù bố đã quây bạt xung quanh thuyền, nhưng gió vẫn lùa vào được khoang trong, mang theo hơi lạnh, làm Hiền run cầm cập. Mẹ bảo, nếu bố câu được con cá song to, thể nào mẹ cũng bảo bố mua thêm chiếc chăn len nữa. Giờ tiền mà mẹ có chỉ đủ để mua gạo với thức ăn hàng ngày cho mấy chị em.
Cái gì mẹ cũng bảo đợi bố câu được con cá song to. Như cái áo gió mặc lại của chị Nga đã cũ lắm rồi, mẹ cũng bảo: "Đợi bố…". Nhưng Hiền không thấy có gì là buồn cả. Cô bé chưa một ngày được biết đến lớp mầm non, không thấy các bạn mặc đẹp thế nào, nên cũng chẳng có gì để mà so sánh, ghen tị.
Rét mãi rồi cũng quen, như thể Hiền cũng quen với việc không có tết. Tết là có thêm được nồi thịt, là chiếc bánh chưng, khoanh giò, là được bà nội mừng tuổi 10.000 đồng vào sáng mùng 1… Rồi lại ngủ, ăn trên chiếc thuyền này, vẫn mỏm núi này trước mặt.
Sáng nay, tàu thuyền đi lại như mắc cửi. Hải sản mà những người như bố, anh Tiến, anh Sang, chị Nga… đánh bắt được, tất cả đều hướng về phía chợ Hạ Long. Hiền không biết đây là những ngày áp tết, cũng không biết những con tôm, cá, ghẹ, mực… kia sẽ về đâu. Hiền chỉ nghĩ mấy ngày tết là những ngày cả nhà đông đủ nhất, quây quần bên mâm cơm đầy đặn hơn ngày thường. Với Hiền, thế là ấm áp lắm rồi.
Tết của vợ chồng lão ngư
Rời "căn nhà" di động của gia đình bé Hiền, tôi lại thuê đò di chuyển sang một xóm chài khác, vẫn thuộc khu vực biển phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long. Chiếc thuyền nan (đan bằng tre, có phủ lớp nhựa đường) của vợ chồng lão ngư Nguyễn Văn Tưởng (77 tuổi) và bà Dương Thị Ngăm (75 tuổi) đầy ắp những đồ đạc lỉnh kỉnh. Hỏi ra mới biết, bà Ngăm có thu nhập chính từ nghề gom rác trên biển. Những túi nylon, vỏ lon, mảnh nhựa hay tất cả thứ gì trôi trên biển mà bán được, bà Ngăm đều vớt lấy mang bán.
"Sức tôi yếu rồi, không làm nghề chèo đò được nữa, mà nằm chơi thì lấy gì ăn. Thôi cái nghề này cũng phù hợp với mình, chú ạ!" - bà Ngăm rủ rỉ.
Ban ngày, bà Ngăm dành một nửa thời gian chèo chiếc thuyền nhỏ đi quanh các xóm chài, bến cá, khu neo đậu tàu đánh bắt để vớt "đồng nát". Nửa thời gian còn lại, bà đun đun, nấu nấu chăm ông. Còn ông Tưởng thì chèo đò ở bến cá. Tối đến, ông bà lại chui vào chiếc thuyền nan ngủ, trên đầu và dưới chân ngập rác.
Quê ở Hà An (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), nhưng ông bà Tưởng - Ngăm nhường lại căn nhà ở quê cho người con trai út, lấy thuyền làm nhà, lênh đênh trên biển Hạ Long hơn chục năm nay. "Trước đây tôi cũng làm nghề câu, nhưng giờ yếu rồi không làm được nữa. Hai vợ chồng sống mãi trên biển cũng quen, cứ ở đây đến khi yếu quá không làm được nữa thì về" - ông Tưởng nói.
Cũng như mọi năm, Tết năm nay ông Tưởng bà Năm lại đón giao thừa trên biển."Mọi năm có bắn pháo hoa trên bờ tôi cũng cố thức để xem, nhưng năm nay thấy bảo không bắn nữa rồi, chắc vẫn ngủ từ 8 giờ tối thôi" - ông Tưởng cười phá.
Thay vì cúng đêm giao thừa, bà Ngăm sẽ lại làm mâm cơm nhỏ có con cá rán, miếng thịt luộc, cúng vọng các cụ, tổ tiên vào sáng mùng 1 Tết.