TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: PGĐ Sở chết bất thường ở Hà Giang; lộ diện nghi phạm vụ thi thể nữ bị bó trong chăn

A.Đ (t/h) Thứ sáu, ngày 28/01/2022 19:00 PM (GMT+7)
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang tử vong bất thường tại cơ quan; lộ diện nghi phạm vụ thi thể phụ nữ bị bó trong chăn ở Bình Dương; trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Kim Tiến ra sao trong những sai phạm tại Bộ Y tế?... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang tử vong bất thường tại cơ quan

Trao đổi với Dân Việt chiều 28/1, trung tá Trần Vinh Hiển, Trưởng Công an phường Nguyễn Trãi, TP.Hà Giang xác nhận, cơ quan công an đang khẩn trương điều tra, làm rõ việc ông Trần Hải Dương (sinh năm 1970), Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang tử vong bất thường tại trụ sở cơ quan vào sáng cùng ngày.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang tử vong bất thường tại cơ quan - Ảnh 1.

Ông Trần Hải Dương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang. Ảnh: Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang

Theo thông tin ban đầu, khoảng gần 8 giờ sáng 28/1, một số cán bộ, nhân viên Sở Tư pháp lên tầng 4 của đơn vị dọn dẹp, kê bàn ghế để chuẩn bị bày hoa quả Tết tại phòng họp hội trường thì phát hiện ông Trần Hải Dương đã tử vong.

Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng công an đã có mặt để điều tra và khám nghiệm hiện trường.

"Hiện cơ quan công an đang tiến hành xác minh, làm rõ sự việc", vị Trưởng Công an phường thông tin thêm.

Lộ diện nghi phạm vụ thi thể phụ nữ bị bó trong chăn ở Bình Dương

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 28/1, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Dương đã phát thông báo truy tìm nghi phạm liên quan đến vụ thi thể phụ nữ bị bó trong chăn trong căn phòng trọ khóa trái cửa.

Truy tìm nghi phạm vụ thi thể phụ nữ bị bó chặt bằng chăn ở Bình Dương - Ảnh 1.

Nghi phạm Trương Quốc Trọng đang bị công an truy tìm. Nguồn: Dân Trí

Công an xác định, nghi phạm là Trương Quốc Trọng (29 tuổi, quê Đắk Lắk). Đối tượng bị tình nghi thực hiện hành vi giết người, xảy ra tại một nhà trọ thuộc khu phố 8 (phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát).

Theo điều tra, khoảng 12h ngày 11/1, qua tin báo của người dân, Công an thị xã Bến Cát xác minh, phát hiện một thi thể phụ nữ bị bó trong chăn nằm trong phòng trọ khóa cửa ngoài. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Thúy H. (41 tuổi, quê Phú Thọ).

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương thông báo cơ quan, tổ chức cá nhân nếu phát hiện Trương Quốc Trọng ở đâu hoặc có thông tin liên quan đề nghị báo ngay cho công an nơi gần nhất.

Trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Kim Tiến ra sao trong những sai phạm tại Bộ Y tế?

Như Dân Việt đã thông tin, ngày 27/1, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành thông báo kết luận thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh giai đoạn từ 2014-2018 tại Bộ Y tế và 7 bệnh viện thuộc Bộ gồm: Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Thống Nhất; Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Đồng thời, kiểm tra, xác minh một số gói thầu mua sắm tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Rất nhiều sai phạm trong các lĩnh vực công tác nêu trên, thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, đã được TTCP chỉ ra.

Trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Kim Tiến ra sao trong những sai phạm tại Bộ Y tế? - Ảnh 1.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Q.H

Theo TTCP, dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ Y tế đã tham mưu xây dựng văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành còn có nội dung trái với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn hoặc có nội dung trong cùng văn bản còn chưa thống nhất, có nội dung không sát thực tế, quy định không triển khai được.

Bộ Y tế không ban hành đầy đủ giá của 18.239 dịch vụ thanh toán BHYT, không thực hiện việc phiên tương đương về giá dịch vụ dẫn đến gặp nhiều khó khăn khi thực hiện.

Nhiều trường hợp thanh toán chi phí khám chữa bệnh không đúng nhưng không được kiểm tra, phát hiện và xử lý. Ví dụ việc bác sĩ điều trị kê đơn chỉ định sử dụng thuốc không đúng theo Tờ đăng ký thuốc lưu hành tại Việt Nam trong hồ sơ đăng ký thuốc được phê duyệt...

Đặc biệt, TTCP đánh giá công tác quản lý giá trang thiết bị y tế và vật tư y tế tiêu hao còn yếu kém; việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm của Bộ Y tế còn hạn chế, mất nhiều thời gian; trong thời gian dài không công khai kết quả trúng thầu trên trang thông tin điện tử theo quy định…

"Việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế còn sai phạm, có dấu hiệu lợi ích nhóm và dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự" – TTCP nhấn mạnh.

Vẫn theo TTCP, Cục Quản lý dược (QLD) ra quyết định cấp phép sản xuất gia công, đóng gói thứ cấp cho Công ty Pharbaco đối với 10 thuốc chữa ung thư nằm trong danh mục 105 thuốc bị rút số đăng ký của Công ty Intas Pharmaceutical Ltd, India, đã bị doanh nghiệp lợi dụng để tham dự thầu, có thể bị lợi dụng đưa thuốc vào lưu thông.

Theo TTCP, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm nêu trên là do công tác chỉ đạo của Bộ Y tế trong quản lý quỹ BHYT, đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh còn chưa đồng bộ, thiếu thanh tra, kiểm tra thường xuyên và không tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kịp thời để chỉ ra các mặt được và những hạn chế, yếu kém để khắc phục.

Cùng với đó, việc phối hợp thực hiện giữa các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Y tế trong quản lý các lĩnh vực công tác này còn chưa chặt chẽ, chưa phát huy được hiệu quả cao.

TTCP kết luận Bộ trưởng Bộ Y tế giai đoạn 2014-2018 (tức bà Nguyễn Thị Kim Tiến), lãnh đạo Bộ Y tế được giao phụ trách lĩnh vực giai đoạn 2014-2018, lãnh đạo các cục, vụ và đơn vị thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2014-2018, là những cá nhân phải chịu trách nhiệm về các thiếu sót, hạn chế, sai phạm liên quan việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh.

Cùng với đó, TTCP kiến nghị Bộ Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh; tiến hành hậu kiểm, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của các cơ sở y tế, các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng quỹ BHYT…

Trước đó, tháng 11/2021, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, miễn nhiệm chức vụ Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế).

Tháng 1/2022, VKSND Tối cao ban hành cáo trạng, trong đó truy tố Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, trong vụ án liên quan đến Công ty VN Pharma.

Tháng 12/2021, Bộ Công an khởi tố ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế, Bộ Y tế, trong vụ án liên quan đến Công ty Việt Á.

Mới đây, TTCP cũng vừa mới công bố quyết định thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế, TP.Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương.

Chuyên gia pháp lý phân tích về việc Hải "bánh" lĩnh án chung thân nhưng vừa được ra tù

Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 27/1, Hải "bánh" (tức Nguyễn Tuấn Hải, SN 1967, TP.Hà Nội) ra tù  sau khoảng 22 năm thụ án.

Năm 2001, Hải "bánh" bị bắt trong vụ án giết Vũ Thị Hoàng Dung (Dung Hà, TP.Hải Phòng). Năm 2003, Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên phạt Nguyễn Tuấn Hải tù chung thân về tội "Giết người".

Hải "bánh" đồng thời cũng bị tuyên phạt ở 2 tội danh nữa, tổng chung hình phạt, buộc người này phải chấp hành án tù chung thân.

Và Hải "bánh" sau thời gian chấp hành án phạt ở trại giam Xuân Lộc (Bộ Công an, địa chỉ tại tỉnh Đồng Nai) vừa chính thức được trả tự do.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhìn nhận, việc Hải "bánh" được ra tù sau hàng chục năm thụ án không phải là chuyện hi hữu và dưới góc độ pháp lý, chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo luật sư Cường, trong trường hợp không được đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn thì Hải "bánh" sẽ phải chấp hành hình phạt tù chung thân, nghĩa là sẽ ở tù đến hết đời. Tuy nhiên pháp luật Việt Nam có quy định về đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn.

Hải "bánh" lĩnh án chung thân nhưng vừa được ra tù, chuyện có lạ không? - Ảnh 1.
Ông trùm giang hồ một thời Hải "bánh" ra tù vào ngày 27/1 và đã xúc động, bật khóc khi gặp mọi người. Ảnh: MXH

Theo đó người phải chấp hành hình phạt tù (kể cả tù chung thân) nếu chấp hành tốt trong quá trình cải tạo vẫn có cơ hội được giảm án, trở về với gia đình.

Vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội phân tích, thời điểm Hải "bánh" bị xét xử, bị thi hành án với mức án tù chung thân là thời điểm đang có hiệu lực pháp luật của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Theo đó, Điều 58 Bộ luật Hình sự quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên như sau: "… Người bị kết án phạt tù, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án phạt tù, Toà án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên. Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm".

Ở Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Điều 63 cũng có quy định liên quan đến vấn đề giảm án nêu trên.

"Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam với người bị kết án tù chung thân thì cánh cửa cuộc đời của họ chưa hẳn đã là đóng lại. Thậm chí với người bị kết án tử hình vẫn có thể có cơ hội được sống nếu họ được Chủ tịch nước ân giảm hoặc được đặc xá, đại xá.

Với chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật thì người bị kết án tù chung thân nếu tích cực cải tạo trong thời gian chấp hành án, được nơi cải tạo ghi nhận thì vẫn có cơ hội được giảm thời gian chấp hành hình phạt tù.

Theo đó, sau khi chấp hành được 12 năm mà đủ điều kiện để xét giảm án theo quy định của pháp luật thì sẽ được giảm xuống tù có thời hạn là 30 năm. Tiếp đó mỗi năm thường sẽ có 3 đợt giảm án là đợt 30/4, đợt 2/9 và đợt Tết Âm lịch.

Nếu quá trình cải tạo tiếp theo vẫn đủ điều kiện để được xem xét giảm án thì sẽ được giảm nhiều lần nhưng tối thiểu phải chấp hành đủ 20 năm tù theo quy định tại Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 1999, Điều 63 Bộ luật Hình sự năm 2015" – luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Vị luật sư cho rằng, căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên thì Nguyễn Tuấn Hải được giảm án nhiều lần và được tha tù trước thời hạn khi chấp hành được khoảng 22 năm tù là hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật.

Nếu có khiếu kiện liên quan đến điều kiện giảm án, tha tù trước thời hạn thì cơ quan chức năng sẽ kiểm tra lại hồ sơ xem hồ sơ thủ tục đã đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hay chưa.

Còn với thời hạn 22 năm chấp hành án thì đó là thời hạn đủ để một người chịu án chung thân có thể được trở về với đời sống xã hội.

Ở một diễn biến khác, theo luật sư Đặng Văn Cường, Hải "bánh" đã cách ly với đời sống xã hội hơn 20 năm, cuộc sống ngày nay rất khác so với hơn 20 năm trước.

Khi phạm nhân Hải phải chấp hành hình phạt tù thì khi đó chưa có mạng xã hội, thậm chí công nghệ thông tin cũng chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Bởi vậy để tiếp cận với thời đại kỹ thuật số, thời đại công nghệ thông tin, phải mất một khoảng thời gian thì mới có thể thích ứng và bắt nhịp với cuộc sống.

"Những người phải chấp hành hình phạt tù dài hạn, khi trở về với đời sống xã hội như vậy thì họ rất cần có sự quan tâm giúp đỡ của gia đình, bạn bè, chính quyền địa phương để anh Hải sớm hòa nhập cộng đồng.

Nhà nước có chính sách đối với người chấp hành hình phạt tù khi họ trở về với đời sống xã hội để tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, họ được tạo cơ hội về công ăn việc làm, được hỗ trợ các điều kiện để phát triển đời sống kinh tế xã hội. 

Tái hòa nhập cộng đồng đã xuất hiện trong Luật Thi hành án hình sự năm 2010, sau đó đã được Chính phủ hướng dẫn tại Nghị định 80/2011/NĐ-CP quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù" – vị luật sư nêu quan điểm.

Án mạng vì chuyện tạt đầu xe

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 27/1, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đang điều tra vụ án mạng khiến anh Trịnh Văn Chung (SN 1978, trú xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân) tử vong.

Theo đó, khoảng 19h ngày 26/1, Trần Đức Thắng (SN 2003), Lê Trọng Vinh (SN 2000) và Phan Thanh Tùng (SN 2002, cùng trú huyện Nghi Xuân) rủ nhau đi nhậu.

Án mạng vì chuyện tạt đầu xe - Ảnh 1.

Đối tượng Phan Thanh Tùng bị công an bắt giữ sau vụ việc. Nguồn: Tiền Phong

Sau cuộc nhậu, nhóm thanh niên nêu trên chia tay nhau để về nhà. Tuy nhiên, trên đường về, Tùng và Thắng nhận được cuộc gọi của Vinh nhờ đến giúp đỡ khi bị các thanh niên ở xã Xuân Hoa (huyện Nghi Xuân) doạ đánh. Trước khi đi, Tùng chuẩn bị một con dao bầu rồi cùng Thắng đến "hỗ trợ" Vinh.

Nhưng khi đến nơi, mâu thuẫn được giải quyết nên cả ba lại cùng nhau quay về bằng 2 xe máy. Khi ba người di chuyển đến bãi đất trống giáp giữa xã Xuân Hoa và Xuân Thành thì bị xe máy chở anh Trịnh Văn Chung cùng hai người khác tạt đầu.

Bức xúc, Thắng điều khiển xe đuổi theo, còn Tùng dùng dao chém vào người của nhóm anh Chung nhưng không trúng. Thắng tiếp tục điều khiển xe vượt lên, chặn đầu xe của "đối thủ". Sau đó, Thắng xuống xe, đấm liên tục vào người anh Chung, còn Tùng cầm dao đâm khiến nạn nhân gục tại chỗ.

Sau khi phát hiện sự việc, người dân đã đưa anh Chung vào bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, nên đã tử vong.

Sau khi gây án, Thắng và Vinh điều khiển xe máy trở về nhà, còn Tùng tiếp tục đi uống rượu.

Hiện công an đang tạm giữ Tùng để điều tra về hành vi giết người.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem