Hoa lys lửa Nhật Bản (hay còn gọi là ngót nghét, ngọt nghẹo, loa kèn lửa), loài quốc hoa của đất nước Zimbabwe xa xôi đã được người dân TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) trồng thành công.
Hoa ngót nghẻo có tên khoa học là Gloriosa Superba L. Cây lys lửa hay ngót nghẻo gây ấn tượng bởi màu sắc rực rỡ, cánh hoa mỏng manh, uốn cong tựa ngọn lửa bập bùng.
Hoa có màu sắc và hình dáng giống hệt ngọn lửa, được cho là đem lại may mắn. Vì thế hoa ngót nghẻo dù có giá bán cao hơn các loài hoa ly khác nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua 5-10 cành về cắm.
Những năm về trước, các nơi cung cấp lys lửa chủ yếu nhập nguyên cây, nguyên cành từ Nhật Bản, Hà Lan về. Năm 2022, lần đầu tiên ở Đà Lạt có cơ sở trồng thành công và giới thiệu ra thị trường hoa tết những chậu lys lửa đang nở hoa.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Văn Thế, chuyên ngành Thực vật học (Trường Đại học Văn Lang), thực tế loài hoa này không có gì mới lạ mà là cây bản địa của Việt Nam. Lys lửa, hay Ngót nghẻo, ngọt nghẹo mọc rải rác ở miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ, thường mọc hoang dã ở các trảng bụi nhiều ánh sáng như ở Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp...
Ngót nghẻo có thân cây cao tới 4 mét, hoa to sặc sỡ với 6 cánh đỏ tươi hoặc đôi khi cũng có màu cam, vàng nhạt, dài nhọn như móng hổ. Quả cây có thể dài tới 12 cm chứa các hạt màu đỏ.
Tất cả các thành phần của cây Ngót nghẻo đều chứa chất độc có thể giết chết người và động vật lớn. Đặc biệt phần rễ củ của cây giống với các thành viên khác trong Họ Bả chó chứa rất nhiều chất độc colchicine, alkaloid gloriocine.
"Ngay khi tôi chia sẻ bài báo về việc một số nơi trồng lys lửa, hay cây Ngót nghẻo làm cảnh, đã có một người ở xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi thông tin về cái chết của bố do uống nhầm cây Ngót nghẻo. Nhiều người nghĩ đơn giản rằng thuốc Nam không có hại, dùng theo kiểu "nghe mách" chữa được bệnh nọ bệnh kia, hậu quả là bị chết oan, rất đáng tiếc" - TS. Thể cho biết.
Tiến sĩ Phạm Văn Thế cung cấp cho PV Dân Việt xem 2 cuốn sách "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam", tập II; "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", đều có ghi rất rõ về loài cây Ngót nghẻo này.
Ở Việt Nam, ít tài liệu nêu cây Ngót nghẻo dùng làm thuốc, tuy nhiên ở Ấn Độ, cây được dùng trong một số trường hợp như để thúc đẻ, gây sẩy thai, làm cho nhau thai chóng ra; rễ, củ nghiền thành bột trộn với mật ong chữa bệnh lậu; tẩy giun cho gia súc, trâu bò; chữa rắn cắn, bọ cạp, côn trùng đốt và một số bệnh ngoài da do ký sinh trùng...
Lá và rễ củ lys lửa có thể dùng chiết xuất colchicine làm thuốc chữa bệnh gút và để nghiên cứu caryotype do có tác dụng ức chế phân bào.
Trao đổi với PV Dân Việt, Lương y Phan Công Tuấn (Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng) - người có hàng chục năm nghiên cứu về các loài cây thuốc cho biết, ông đã chụp được nhiều hình ảnh về cây hoa Ngót nghẻo trong những chuyến đi điền dã.
"Loài cây này có tính dược, nhưng rất nguy hiểm cho người dùng, nên phải do thầy thuốc bào chế theo đúng liều lượng thận trọng. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự dùng" - Lương y Phan Công Tuấn nói.
Trong cuốn "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam" lưu ý, rễ củ và lá Ngót nghẻo rất độc, người không có kinh nghiệm không được dùng, nhất là dưới dạng uống. Đã có trường hợp ngộ độc chết người do tự tử, hoặc ăn nhầm củ Ngót nghẻo tươi thái mỏng, vì lát cắt củ lys lửa rất giống gừng tươi.
Triệu chứng ngộ độc là đau bụng, nôn mửa, da tê bại, tím tái, đi ngoài ra máu, mắt hoa, mạch nhanh, khó thở, co giật, thân nhiệt hạ, mất tri giác rồi chết. Các triệu chứng này thường thấy vài giờ sau khi ăn phải.
Theo các nhà khoa học, trong công nghiệp dược, có thể trồng cây Ngót nghẻo để chiết chất colchicine trị bệnh gout thay vì phải trồng loài Tỏi độc (Colchicum autumnale) phải nhập nội, vừa khó trồng vừa hiệu suất thấp.
Ở Nigeria, chất độc từ cây Ngót nghẻo được sử dụng để tẩm vào mũi tên. Trong khi ở Ấn Độ củ loài cây này còn được người dân ở một số nơi đặt lên cửa sổ để đuổi loài rắn độc ra xa khu vực nhà ở. Ngót nghẻo còn là quốc hoa của Zimbawe.