Phố phường Hà Nội "đỏ lửa" ngày tiễn ông Công ông Táo về trời
Theo tục lệ, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, sau khi làm mâm cơm cúng để tiễn đưa ông Công ông Táo về chầu trời, người dân tiến hành hóa vàng mã và mang cá chép ra sông, hồ thả.
Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội hôm nay (tức 23/12 âm lịch), ngay từ sáng sớm, người dân đã tiến hành mang vàng mã, quần áo giấy ra trước cửa để hóa.
Trên phố Hàng Vải, bà Hoàng Mai Hương cho biết, năm nào theo tục lệ gia đình bà cũng làm lễ, mua quần áo và cá chép để cúng ông Công ông Táo. "Đây là tục lệ từ xa xưa nên năm nào gia đình tôi cũng chuẩn bị đầy đủ, tuy nhiên khi đốt vàng mã phải chú ý đến việc cháy nổ và phải có lư để đựng, tránh gây khói bụi ra bên ngoài", bà Hương nói.
Theo ghi nhận của PV, đa phần người dân đều có ý thức phòng tránh cháy nổ trong lúc hóa vàng, tất cả đều được cho ra xa một góc và đốt vào chậu. Tuy nhiên, có chỗ khói và bụi từ tiền vàng đang đốt bay tứ tung làm mù mịt cả góc phố.
Ông Phan Văn Thành (Hoàng Kiếm, Hà Nội) và làm xong mâm cơm cúng ông Công ông Táo về trời, việc thả cá ông giao cho con trai lớn còn ông phụ trách việc đốt vàng mã. "Việc đốt vàng mã là để cầu may mắn, mong một năm mới sắp tới thuận lợi. Theo bản thân tôi thì không nghĩ việc đốt vàng mã không đến mức quá nguy hiểm, chủ yếu là do người đốt có cẩn thận và chuẩn bị lò đốt hẳn hoi hay không", ông Thành chia sẻ.
Khắp phố phường của Hà Nội đều "đỏ lửa" ngày tiễn ông Công ông Táo về trời.
Để tránh gây hoả hoạn, người dân đều chọn điểm cách xa nhà, tránh xa xe máy và các vật dụng dễ cháy nổ rồi mới hoá vàng.
Việc cúng ông Công ông Táo là tín ngưỡng lâu đời của người Việt Nam.
Tuy nhiên việc đốt vàng mã dưới lòng đường cũng gây không ít bất tiện cho người đi đường và các hộ dân xung quanh.
Theo quan niệm tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.
Đến đêm Giao thừa, Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bên bếp lửa. Trong ngày ông Táo về trời, người Việt thường đốt vàng mã và thả cá chép với quan niệm từ bi, đồng thời mọi người cũng coi phóng sinh cá chép trong ngày này, cá sẽ hoá rồng (cá hoá long) vượt vũ môn làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời.