Theo ghi nhận của phóng viên báo Dân Việt vào chiều ngày chủ nhật (21 tháng Chạp âm lịch) - trước lễ cúng ông Công ông Táo 2 ngày, không khí Tết tại phố Hàng Mã đã bắt đầu sôi động. Sắc đỏ của đèn lồng, các vật trang trí tết rực cả góc phố.
Đúng vào dịp cuối tuần nên lượng người đổ về đây khá đông. Và cảnh tắc đường trở thành một “đặc sản” không thể bỏ qua khi nhắc về Hàng Mã những ngày lễ tết.
Phố Hàng Mã nhộn nhịp trước ngày tiễn ông Công ông Táo lên trời. Video: Doãn Nhàn
Những con phố Hàng Mã, Hàng Chiếu, Hàng Buồm... bày bán la liệt những mặt hàng phục vụ ngày lễ này như bộ Táo quân, thần linh, cá chép giấy… Theo bà Nguyễn Nguyệt Nga (67 tuổi), một chủ kinh doanh lâu năm tại phố Hàng Mã: “Năm nay mua vào thì không có hàng mà bán ra thì không được mấy. Do dịch bệnh nên giá các mặt hàng vàng mã cúng ông Công ông Táo nhỉnh hơn so với mọi năm”.
Cũng theo bà Nga, năm nay vì dịch nên đa số người dân đã bắt đầu cúng ông Công ông Táo từ sớm. Hơn nữa, vì hiện nay có rất nhiều nơi bán vàng mã nên phố Hàng Mã chịu sự cạnh tranh khá gay gắt trên thị trường.
“Hôm nay đã là 21 tháng Chạp mà không có nhiều người mua thì hai hôm nữa khách mua cũng không nhiều đâu. Hôm nay cuối tuần nên mới đông đúc thế này thôi, chứ bình thường thì cũng vắng lắm. Bây giờ các nơi đều bán vàng mã nên chỗ Hàng Mã này hàng hóa bán chậm lắm”, bà Nga tâm sự.
Theo truyền thống, lễ vật cúng ông Công ông Táo gồm: 3 bộ mũ áo, cá chép sống, gà luộc, xôi trắng (có thể thay bằng xôi gấc, bánh chưng), thịt lợn luộc, tiền vàng, trầu cau, nước, rượu, trà, hoa quả.
Ghé qua gian hàng đồ vàng mã để chọn đồ cho lễ cúng ông Công ông Táo, chị Dương Thị Lan (35 tuổi) chia sẻ với phóng viên: “Năm nay nhà mình không mua nhiều đồ vàng mã nữa vì đốt nhiều sợ ảnh hưởng tới môi trường. Nhà mình ở chung cư nên việc đốt vàng mã nhiều cũng không tiện cho lắm. Mình nghĩ quan trọng là thành tâm thôi”. Đây cũng là tâm lý chung của một số người dân hiện nay - hạn đốt vàng mã để bảo vệ môi trường.
Ngồi nhìn dòng người qua lại, bác Đỗ Văn Nam (62 tuổi) lại hút tiếp điếu thuốc đang dở, trầm ngâm: “Năm nay hàng hóa ế ẩm lắm cháu ạ. Sức mua so với năm ngoái phải giảm một nửa. Mấy hôm trước trời mưa còn ế hơn, người ta ngại đi ra đường nên phố xá nhìn cũng đìu hiu, chẳng mua bán gì”. Đã kinh doanh hàng mã hơn 10 năm, đây là năm đầu tiên bác Nam thấy hàng hóa bán ế ẩm nhiều đến thế. “Hàng lấy về bán ra chưa được 1/3 , mà hiện tại đã là 21 tháng Chạp rồi, không biết hai hôm nữa có khấm khá hơn không”, bác nói.
Theo khảo sát của PV, giá bộ Táo quân cúng ông Công ông Táo có giá từ 27.000 đến 220.000 đồng/bộ (tùy thuộc vào chất liệu, kích cỡ); bộ quần áo 10.000 - 30.000 đồng/bộ; tiền vàng, thỏi vàng thần tài có giá 10.000 - 25.000 đồng/lễ…
Tranh thủ dịp cuối tuần, nhiều gia đình cũng dẫn con nhỏ dạo phố Hàng Mã để chơi và mua sắm. Năm nào gia đình chị Đỗ Thị Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đưa con lên phố để mua đồ trang trí Tết. “Bây giờ mặc dù dịch bệnh vẫn còn phức tạp nhưng mà chúng ta cũng phải tập chung sống với nó thôi. Hôm nay tranh thủ được nghỉ nên chị muốn cho con lên phố để chúng cảm nhận được không khí Tết và mua một số đồ chuẩn bị cúng ông Công ông Táo nữa. Chị thấy năm nay các mặt hàng tại phố Hàng Mã rất đa dạng và phong phú hơn so với mọi năm”, chị Mai chia sẻ.
Theo phong tục cổ truyền của người Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp hàng năm, ông Công và ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời để trình báo những chuyện xảy ra trong gia đình người dân với Ngọc Hoàng. Đây là một nét đẹp trong văn hóa phong tục tập quán của Việt Nam đã được gìn giữ từ bao đời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.