Gấu trúc là một trong những động vật rất được du khách yêu thích, nhất là những du khách nhí rất thích được ngắm nhìn và chụp ảnh cùng những chú gấu trúc này. Gấu trúc có thân hình to lớn, đặc biệt là bộ lông với hai màu trắng đen, khuôn mặt được "trang trí" bởi lông trắng và đôi mắt đen khiến cho khuôn mặt trông ngộ nghĩnh và đáng yêu.
Nhiều câu hỏi thắc mắc vì sao gấu trúc ăn gì mà to, béo đến vậy? thì thức ăn của chúng gần như chỉ toàn tre, trúc trong suốt cuộc đời của mình.
Mặc dù tuân theo một chế độ ăn ít chất béo, chất lượng kém, những con vật này lại được yêu quý một phần vì thân hình "tròn trịa" của chúng. Điều đó khiến người ta tự hỏi: tại sao gấu trúc lại có thể mũm mĩm như vậy?
Theo một nghiên cứu mới được công bố vào tuần trước trên tạp chí Cell Reports, câu trả lời có thể là vi khuẩn đường ruột giúp gấu trúc tích mỡ mặc dù chỉ ăn lá cây trong 2/3 năm. Khi mùa măng bắt đầu vào mùa xuân và mùa hè, các nhà khoa học nhận thấy rằng trọng lượng của các loài động vật này tăng lên đáng kể.
Họ đưa ra giả thuyết rằng một loại vi khuẩn đường ruột có tên là Clostridium butyricum giúp gấu trúc tăng trọng lượng và tích trữ chất béo, sau đó hỗ trợ sức khỏe của chúng khi măng trái mùa và gấu trúc chỉ có thể ăn lá tre.
Vi khuẩn có tên là Clostridium butyricum là một loại vi khuẩn đường ruột cũng tồn tại ở người và nó đã được sử dụng trong các phương pháp điều trị lâm sàng cho hội chứng viêm ruột và tiêu chảy nặng. Ở gấu trúc, các nhà khoa học tin rằng vi khuẩn đường ruột đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của chúng giúp chúng sử dụng măng để tăng cân.
"Chúng tôi đã biết những con gấu trúc này có một bộ vi sinh vật đường ruột khác nhau trong mùa ăn măng từ lâu. Rất rõ ràng rằng chúng rất béo tốt thời gian này trong năm", Guangping Huang tác giả của công trình nghiên cứu, làm việc tại Viện Động vật học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc cho biết.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng gấu trúc hoang dã ở dãy núi Tần Lĩnh ở miền trung Trung Quốc có số lượng Clostridium butyricum tăng cao. Sau đó, nhóm nghiên cứu phải kiểm tra xem điều này có ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của chúng hay không.
Để kiểm tra giả thuyết, các nhà khoa học đã tiến hành cấy ghép vi sinh vật trong phân của gấu trúc núi Tần Lĩnh vào chuột thí nghiệm, sau đó được cho ăn chế độ ăn giống như gấu trúc. Họ phát hiện ra rằng những con chuột ăn theo chế độ ăn măng tăng cân nhiều hơn so với những con chuột chỉ ăn lá.
Huang nói: "Việc xác định vi khuẩn có lợi cho động vật là rất quan trọng, bởi vì một ngày nào đó chúng ta có thể điều trị một số bệnh bằng chế phẩm sinh học. Mùa măng cũng trùng với các giai đoạn quan trọng trong vòng đời của gấu trúc, chẳng hạn như di cư và giao phối, vì vậy điều cần thiết là chúng phải khỏe mạnh trong những tháng ấm hơn của Trung Quốc. Chúng tôi cũng quan sát thấy sự khác biệt đáng kể về hành vi của gấu trúc khổng lồ giữa các mùa".
Sự dao động theo mùa của vi khuẩn đường ruột là phổ biến ở các động vật hoang dã, vì chế độ ăn ưa thích của chúng có thể chỉ có sẵn vào những thời điểm nhất định trong năm. Vi khuẩn đường ruột giúp động vật hoang dã tự bảo vệ trước các tác nhân từ môi trường. Trong trường hợp của gấu trúc, nó giúp chúng tăng cân trước thời điểm thức ăn khan hiếm trong năm.