Richard Harcus - Giám đốc điều hành Harcus Consultancy Group, công ty quản lý về chuyển nhượng và hình ảnh của tiền vệ Yaya Toure ở khu vực Đông Nam Á đã có cuộc trò chuyện với Thethao.vn để chia sẻ về góc khuất về bóng đá Việt Nam xung quanh câu chuyện chuyển nhượng.
Trong buổi trò chuyện, chuyên gia người Scotland đã bày tỏ quan điểm về cơ hội ra nước ngoài thi đấu của cầu thủ Việt Nam:
“Tôi đã xây dựng được mối quan hệ với nhiều đội bóng ở V.League nên chỉ trả lời được trong phạm vi có thể. Thứ nhất, các CLB Việt Nam không có thói quen đặt ra các mục tiêu dài, chỉ có mục tiêu ngắn hạn thôi. Ngay cả khi năm nào cũng hoàn thành các mục tiêu ngắn hạn nhưng thực chất là các CLB đó không đi lên. Và khi chỉ là mục tiêu ngắn hạn thì sẽ dẫn đến việc mình luôn lặp đi lặp lại các sai lầm nhưng lại không biết việc đó.
Thứ hai, tôi không dám nói là tất cả, nhưng có một số người ở một số vị trí tại một số CLB của Việt Nam thực sự nên nghỉ để nhường vị trí quản lý bóng đá cho những người trẻ hơn. Bởi những người đó hiện không phải quản lý đội bóng mà giống như đang quản lý một đơn vị quân ngũ. Điều đó không hợp lý.
Tôi thấy buồn cười ở chỗ người ta nghĩ rằng họ cho cầu thủ chỗ ăn, chỗ ở và ban phát công việc, chứ không phải cầu thủ đến vì mong muốn được cống hiến. Đó là tư duy rất sai lầm".
Ông Richard Harcus cũng không ngần ngại bày tỏ quan điểm về những bất cập xung quanh thương vụ để Quang Hải xuất ngoại hay không:
“Ở trong sâu thẳm sự tôn trọng, tôi nghĩ Hà Nội FC nên để Quang Hải ra nước ngoài. Quang Hải nên đi, còn tất nhiên nếu cậu ấy muốn ở lại thì đó là một câu chuyện khác. Khi Quang Hải đi và trở về, tất cả cùng được lợi. Còn nếu Quang Hải ở lại thì chỉ Hà Nội FC được lợi thôi. Và cái lợi của Hà Nội FC cũng chỉ là ngắn hạn.
Nếu Quang Hải không đi, có lẽ Hà Nội FC trong vòng 20 năm tới cũng chỉ có một Quang Hải thôi, không thêm được ai như thế cả. Nhưng nếu Quang Hải đi, đó sẽ là cái lợi dài hạn và tất cả các bên sẽ cùng có lợi.
Tôi ví dụ thế này. Rooney là fan của Everton và đá cho Everton. Cậu ấy sinh ra ở Liverpool, nơi được biết đến là đối đấu với Manchester, nhưng đến tuổi thì Rooney vẫn phải đi. Rooney đi thì chính CLB cũ mới có không gian để phát triển, tuyển thêm được người hay về. Và ngược lại, bản thân Rooney phải đến một CLB lớn hơn để phát triển hết tiềm năng của mình".
Kết lại, chuyên gia bóng đá người Scotland đưa ra 1 vài lời khuyên cho bóng đá Việt Nam: "Bóng đá Đông Nam Á nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng có một điểm rất giống nhau, đó là biết sai mà vẫn làm. Điều này dẫn đến việc chúng ta sẽ phải nhận những thứ mà mình không hề muốn.
Văn hóa của bóng đá Việt Nam là không được hỏi. Từ “ông Tây” đến “ông ta” đều không được hỏi, nên nhiều khi biết không ổn mà vẫn phải làm. Đến khi giải trình lại nói rằng vì sếp muốn thế. Mà “văn hóa” như vậy không thay đổi được thì thành vấn nạn.
Một điều nữa, chúng ta cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng khi người Việt Nam thuê các chuyên gia nước ngoài về làm việc, họ chỉ muốn chuyên gia nói điều mà họ muốn nghe, chứ không phải muốn chuyên gia nói điều cần phải góp ý. Vì thế khó có được sự trung thực trong giao tiếp. Ngay cả bản thân tôi khi đi nói chuyện có lúc cũng phải “giả ngây giả ngô”, nói ra những điều mà đối phương muốn nghe chứ không phải việc mình cần góp ý. Vì quá ít sự trung thực nên mọi thứ khó phát triển".