Tuần này đánh dấu 7 năm rưỡi sau thảm họa máy bay MH17, Hà Lan và Nga lần đầu tiên đối mặt với nhau trong phòng xử án. Hà Lan cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước Nhân quyền châu Âu trong vụ bắn rơi máy bay MH17 khiến tất cả 298 người trên máy bay đã thiệt mạng trong thảm họa, trong đó có 196 người Hà Lan.
Vụ kiện tại Tòa án Nhân quyền Châu Âu ở Strasbourg tách biệt với vụ án hình sự ở Hà Lan.
Bốn người đàn ông đang bị xét xử vì sử dụng hệ thống tên lửa Buk do Nga sản xuất đã bắn rơi máy bay MH17 ở miền đông Ukraine sau một cuộc điều tra kéo dài 15 tháng của Ban An toàn Hà Lan (DSB) vào tháng 10/2015.
Nhiều thông tin đã nói về thảm họa MH17 và liên kết nó với một thảm họa khác của Malaysia Airlines là sự mất tích của chuyến bay MH370 đã khiến 227 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn biến mất một cách bí ẩn.
Nhà báo điều tra Jeff Wise trong cuốn sách có tựa đề "Chiếc máy bay không ở đó" được xuất bản năm 2015 đã đưa ra lập luận liên kết hai thảm họa với nhau và cho rằng có thể cùng một thủ phạm phải chịu trách nhiệm cho cả hai thảm họa máy bay MH17 và MH370.
Ông Wise đã điều tra vụ mất tích của MH370 kể từ tháng 3/2014, đồng thời cả chuyến bay MH17 xảy ra 4 tháng sau đó. Giả thuyết của ông là Nga đang hành động chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm phản ứng với việc sáp nhập Crimea.
Trong khi các mảnh vỡ của MH17 được tìm thấy và được ghép lại với nhau thì MH370 chưa bao giờ được tìm thấy.
Nói với Express ngày 27/1, Peter Foley- giám đốc chương trình cho cuộc tìm kiếm đầu tiên do Cục An toàn Giao thông vận tải Úc dẫn đầu để tìm kiếm MH370 tuyên bố ông tin rằng MH370 sẽ được tìm thấy.
Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines khởi hành từ Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur vào ngày 8/3/2014, hướng đến Bắc Kinh, Trung Quốc với 239 người trên máy bay. Phi hành đoàn của chiếc Boeing 777 đã liên lạc lần cuối với kiểm soát không lưu vào khoảng 38 phút sau khi cất cánh khi đang di chuyển trên Biển Đông. Vài phút sau, máy bay biến mất khỏi màn hình radar của cơ quan kiểm soát không lưu. Radar quân sự tiếp tục theo dõi chuyến bay trong một giờ nữa, khi nó lệch về phía tây so với đường bay dự kiến.
Sau khi băng qua Bán đảo Mã Lai và Biển Andaman, MH370 rời khỏi phạm vi radar khoảng 200 hải lý (370 km) về phía Tây Bắc của Đảo Penang ở Tây Bắc Bán đảo Malaysia.
Việc tìm kiếm chiếc máy bay bắt đầu ở Biển Đông và Biển Andaman, trước khi phân tích liên lạc tự động với vệ tinh Imarsat chuyển sự chú ý sang nam Ấn Độ Dương.
Cuộc tìm kiếm tốn kém nhất trong lịch sử hàng không đã không thành công và cuộc tìm kiếm tư nhân thứ hai được triển khai vào năm 2018 cũng kết thúc mà không thành công.
Nhiều giả thuyết khác nhau đã được đưa ra về những gì có thể đã xảy ra với MH370.
Trong số các giả thuyết có khả năng xảy ra không tặc, nhưng chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Các nhà lý thuyết âm mưu cũng đã suy đoán có sự tham gia của Triều Tiên, các lỗ đen và hơn thế nữa. Một số khác cho rằng cơ trưởng của MH370 có thể đã dàn dựng một vụ không tặc hoặc một âm mưu giết người hoặc tự sát. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào để chứng minh các giả thiết trên là thật.