Một ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 khi người người nhà nhà đang háo hức dọn dẹp, chuẩn bị đón Tết, nữ lao công Phạm Thị Lan (32 tuổi), tổ môi trường số 8, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, chi Nhánh Ba Đình vẫn tất bật như thường nhật.
Chị Lan đèo cậu con trai 2 tuổi tới điểm tập kết rác trên phố Kim Mã. Đến nơi, cậu bé Thóc (tên thật là Linh) cười tít, giọng nói lắp bắp khoe được tặng chiếc cặp sách màu hồng, rồi chạy lon ton khắp nơi. Cách đây hai tháng, mẹ con chị Lan được nhiều người biết đến sau khi mạng xã hội và báo chí đăng tải câu chuyện nữ lao công mang theo con đi gom rác giữa đêm đông. Từ đó, cuộc sống hai mẹ con có nhiều đảo lộn.
Sau một hồi thu gom, rác chất đầy xe đẩy, chị Lan tranh thủ nghỉ ngơi, mắt nhìn về phía con trai. Gần đó bé Thóc vẫn vui đùa chạy nhảy và không bao giờ rời mẹ nửa bước. Bao tháng ngày qua, cậu bé theo chân mòn các lối đi nơi mẹ làm việc.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Lan kể, do hoàn cảnh gia đình nên hồi bé không được đến trường. Chị học lớp xóa mù chữ đến lớp 3 thì nghỉ, rồi đi làm kiếm tiền. Cách đây 15 năm chị gặp gỡ và nên duyên với một người đàn ông. Cả hai có một người con chung, nhưng sau đó chia tay. Con trai lớn bị mắc chứng suy giảm trí nhớ, học hết lớp xoá mù chữ rồi cũng nghỉ.
"Vì phút sai lầm của tuổi trẻ nên tôi mới lấy chồng và có con sớm. Hiện giờ, người đàn ông ấy cũng chẳng đoái hoài gì đến mẹ con tôi", chị Lan chia sẻ. Năm 2019, nữ lao công quen và yêu một người đàn ông khác. Những tưởng sẽ được bù đắp sau những thiệt thòi, nhưng không ngờ, sau khi sinh bé Thóc, người này cũng bỏ chị mà đi. Từ đó, chị là mẹ đơn thân. Một thân một mình chăm lo cho con.
Hai lần lầm lỡ trong tình yêu, ngẫm lại chị Lan thấy buồn. Chị tâm sự "Là phụ nữ ai cũng muốn có một gia đình hạnh phúc nhưng có lẽ tôi không có diễm phúc đó".
Để có tiền nuôi con, nữ lao công lăn lộn đủ nghề từ bán hàng nước, làm xưởng may theo thời vụ. Hai năm gần đây, qua giới thiệu của một người bạn, chị vào làm công nhân môi trường. Mỗi ngày, chị làm việc từ 15 giờ chiều đến 2 giờ sáng hôm sau. Tổng quãng đường di chuyển hơn 8km. Những ngày đầu, chị nhận lương 8 triệu. Nhưng mấy tháng nay, ảnh hưởng của dịch bệnh, mức lương giảm xuống còn 6 triệu đồng.
Mỗi tháng, chị Lan chi trả tiền thuê trọ 1,8 triệu đồng, tiền ăn, rồi gửi mẹ 500.000 mua thuốc, cho con trai lớn ít đồng tiêu vặt. Khoản thu chi không đủ để thuê người trông bé Thóc. Bố mất từ lâu, mẹ già 70 tuổi vừa làm việc vừa giúp trông cháu lớn, chị không thể nhờ mẹ trông thêm cháu thứ hai. Hết cách, chị buộc lòng đưa theo con đi làm cùng.
"Nhìn con trai bé nhỏ hàng ngày vất vả đi theo gom rác, vừa bẩn, vừa lạnh, lòng người mẹ như tôi thắt lại. Những đêm Hà Nội buốt lạnh, tôi phải trùm mũ, khăn len kín đầu, mặc thêm áo khoác để con đỡ rét. Hôm nào gặp mưa lớn tôi gửi con ở bãi xe gần chỗ làm hoặc nhờ bảo vệ trông giúp.
Được cái con rất ngoan ngoãn, không quấy khóc. Hồi đầu theo mẹ, Thóc phải chạy bộ, nhiều lúc mỏi chân lại ngồi thở, đòi mẹ bế. Sau đó, một cô trong làng thấy thương nên cho chiếc xe thăng bằng cũ, để con đi theo mẹ cho đỡ mệt. Thương con lắm nhưng tôi không còn cách nào khác", chị Lan trải lòng.
Cao chưa đến 1,5m, nặng 44kg, chị Lan khá chật vật với những xe rác gấp đôi người. Đường trong làng nhỏ hẹp, vừa phải tránh xe máy đi lại, trông con, xe rác nặng nhiều hôm đẩy ra đến bãi tập kết, chị ngồi thụp xuống đất thở gấp, chân tay đau rã rời. Chị kể, có hôm trời mưa, đường trơn, tránh xe máy làm xe rác lật đổ hết ra đường, chị lại phải bốc dọn từ đầu Thế nhưng chị luôn cố gắng hoàn thành công việc để những tuyến đường mình làm sạch bóng rác.
Ngoài công việc chính, nữ lao công còn tranh thủ nhặt thêm chai nhựa, bìa carton để bán, ngày kiếm khoảng 50.000 - 100.000 đồng. Một, hai buổi sáng trong tuần, chị nhận lau nhà thuê, được trả công 100.000 đồng mỗi ca ba tiếng. Những ngày cận Tết, thương hoàn cảnh 2 mẹ con, nhiều người gọi điện nhờ chị đến dọn dẹp nhà rồi trả công.
"Công việc lao công tuy vất vả nhưng thu nhập ổn định, không sợ mất việc. Tôi đã quen với thu gom rác và muốn gắn bó với nó. Làm công việc này cũng khiến đường phố Hà Nội thêm sạch đẹp hơn. Tôi cố gắng làm để sau về già còn có lương hưu", chị Lan nói.
Vừa tất bật công việc, chị Lan kể tếp, từ ngày hai mẹ con "nổi tiếng" trên mạng xã hội, nhiều người tốt tìm đến phòng trọ giúp đỡ bỉm, sữa, quần áo và tiền. Tuy nhiên, cũng có kẻ nhòm ngó muốn lợi dụng, hay những tên nghiện thỉnh thoảng theo dõi và "xin đểu" tiền.
Căn phòng trọ nằm sâu hun hút trong con ngõ nhỏ, vắng bóng người qua lại, càng dễ "lọt" vào tầm ngắm của nhiều đối tượng xấu. Hôm đó, vừa xong ca đêm, chị Lan về nhà thì bị 2 người đi theo xin tiền. Trong người còn đúng 100.000 đồng, chị cũng đành đưa cho họ.
Gần đây, hai mẹ con nữ lao công cảm thấy bất an. Chị từ chối và đề phòng trước những lời ngỏ ý muốn vào phòng trọ xem mẹ con sống như thế nào. Đi làm về mệt nhưng chị ngủ không được ngon giấc bởi nghe thấy những tiếng động lạ.
Về số tiền được các mạnh thường quân giúp đỡ, chị Lan kể không dám tiêu pha lung tung. Chị muốn gửi tiền vào ngân hàng để bé Thóc được đi học, có tương lai tốt đẹp hơn mẹ. Cùng với đó, chị vẫn đi làm bình thường chứ không dựa vào đồng tiền mọi người ủng hộ.
Nữ công nhân môi trường cũng khoe, bé Thóc được một người dân nhận trông hộ với giá 50.000 đồng/buổi nên không cần theo mẹ đi gom rác nữa. Đến 23h mỗi ngày khi tan ca, chị đón bé về phòng trọ nghỉ ngơi, sáng hôm sau lại tiếp tục công việc.
Với mẹ con chị Lan, Tết năm nay có lẽ là một cái Tết ấm áp khi được mọi người ủng hộ gạo, bánh chưng và quần áo mới. Hai mẹ con sẽ đón Giao thừa tại phòng trọ 10m2.
Do làm công nhân môi trường không có ngày nghỉ, ngày 29 hay mùng 1 Tết, chị vẫn đi gom rác. Chị tranh thủ buổi sáng được nghỉ đưa con về bà ngoại chơi rồi chiều lại về đi làm.
Chị hy vọng năm mới mọi việc điều bình an, hai mẹ con được sống yên bình. Cùng với đó dịch bệnh sớm ổn định, lương có thể tăng trở lại, trường học cũng mở cửa. Chị sẽ cho Thóc đến trường, tìm thêm công việc khác những lúc con đi học để cuộc sống mẹ con ngày một tốt đẹp hơn.