Tại "lá chắn" Covid-19 cuối cùng ở Hà Nội: Áp lực quá tải đè trĩu vai và mong ước ngày Tết (bài cuối)

Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 28/01/2022 06:00 AM (GMT+7)
Khi cả nước chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ông Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn vô cùng bận rộn. Ông bảo "lúc nào đỡ việc thì tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức xong lại làm, bởi những cuộc gọi đêm hôm hay rạng sáng diễn ra như cơm bữa".
Bình luận 0

Hai năm qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ở Đông Anh, Hà Nội điều trị bệnh nhân Covid-19 từ chỗ thực hiện tiếp nhận cả bệnh nhân nhẹ và diễn biến nặng, đến nay Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở ở Đông Anh đã chuyển đổi hoàn toàn công năng thành Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 với quy mô hơn 500 giường ICU. Đây là cơ sở điều trị nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch nhất miền Bắc từ trước tới nay. 

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương về những áp lực mà gần 1.000 nhân viên y tế tại đây đã và đang trải qua, đặc biệt trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tại "lá chắn" cuối cùng ở Hà Nội: Áp lực "quá tải" đè vai nhân viên y tế và mong ước ngày Tết (bài cuối) - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Gia Khiêm

Thưa ông, những ngày qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – nơi được mệnh danh là "lá chắn" cuối cùng trong phòng chống dịch Covid-19 đang tiếp nhận bệnh nhân ra sao?

- Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 Đông Anh, Hà Nội là nơi được chỉ định làm bệnh viện hồi sức điều trị cho toàn bệnh nhân nhiễm Covid-19. Mỗi ngày 500 giường này đều kín chỗ. Trong tình huống bệnh nhân quá nặng tăng nhanh, chúng tôi sẽ tận dụng mọi vị trí, điều kiện, để tăng lên thành 600 giường ICU.

Tại "lá chắn" cuối cùng ở Hà Nội: Áp lực "quá tải" đè vai nhân viên y tế và mong ước ngày Tết (bài cuối) - Ảnh 2.

Số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng tăng khiến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương luôn quá tải, kể cả ngày Tết đang cận kề. Ảnh: Gia Khiêm

Với chúng tôi Tết cũng như ngày thường, phải duy trì đủ nhân lực để đảm bảo điều trị cho bệnh nhân. Khoảng 2 tháng nay số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng mạnh, bệnh viện thường xuyên quá tải. Nếu như trước đây, thứ Bảy, Chủ nhật nhân viên y tế được nghỉ thì giờ mọi người làm việc không có ngày nghỉ. Hơn 500 giường bệnh luôn kín chỗ, bệnh nhân này ra thì bệnh nhân khác vào. Hiện tại số lượng bệnh nhân nặng rất lớn. 

Cụ thể, trong số 500 F0 đang điều trị ở bệnh viện có hơn 120 ca được chuyển đến từ các cơ sở y tế tại Hà Nội. Có gần 200 ca phải hỗ trợ hô hấp từ mức phải thở oxy dòng cao (HFNC) đến thở máy và tim phổi nhân tạo (ECMO), chiếm gần 50% tổng số bệnh nhân, tăng gấp đôi so với cách đây 1 tháng.

Tại "lá chắn" cuối cùng ở Hà Nội: Áp lực "quá tải" đè vai nhân viên y tế và mong ước ngày Tết (bài cuối) - Ảnh 3.

Bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương luôn là trường hợp rất nặng, nguy kịch. Ảnh: Gia Khiêm

Đơn cử như Khoa Cấp cứu, hiện có gần 80 F0 ở mức độ nặng, phải hỗ trợ từ thở oxy đến thở máy, lọc máu... hàng ngày tiếp nhận thêm 10-20 bệnh nhân suy hô hấp từ các nơi chuyển đến. Phần lớn bệnh nhân diễn biến nặng tại khoa này đều lớn tuổi, có những bệnh nhân hơn 100 tuổi, chưa hoặc mới tiêm một mũi vaccine Covid-19. Lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch gia tăng tạo áp lực rất lớn với nhân viên của viện không chỉ về chuyên môn.

Với số lượng giường bệnh luôn trong tình trạng kín giường, quá tải, bệnh viện đã điều hành nguồn nhân lực ra sao để đáp ứng được nhu cầu điều trị cho người bệnh, tránh gây áp lực cho nhân viên y tế?

- Chúng tôi có 570 nhân viên y tế của bệnh viện, thường xuyên chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Tất cả họ đều có kinh nghiệm 2 năm điều trị Covid-19 từ nhẹ đến nguy kịch.

Tại "lá chắn" cuối cùng ở Hà Nội: Áp lực "quá tải" đè vai nhân viên y tế và mong ước ngày Tết (bài cuối) - Ảnh 4.

Nhân viên y tế luôn phải trang bị những bộ đồ bảo hộ kín mít, hoạt động nhiều giờ đồng hồ trong cuộc đua cứu chữa bệnh nhân. Ảnh: Gia Khiêm

Khi chuyển đổi công năng thành Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) 500 giường, việc chuẩn bị nhân lực rất quan trọng. Nhân lực cấp cứu không xin được bởi lực lượng này phải đào tạo rất kỹ, rất tốt, không sẵn có. Thông thường, để đào tạo một bác sĩ thường sang làm công việc của một bác sĩ hồi sức cấp cứu, có khả năng điều trị bệnh nhân cần thở máy, phải mất khoảng 3 tháng.

Thời gian qua chúng tôi đã triển khai kèm cặp, đào tạo cho các y bác sĩ, y tá khoa thông thường có thể làm được bác sĩ cấp cứu. Lực lượng hỗ trợ sẽ được sắp xếp vào các khoa thông thường khi rút nhân lực ra đào tạo nhân lực cấp cứu. Ngoài ra, có một lượng học viên sau đại học của Đại học Y Hà Nội thực tập tại bệnh viện, các bác sĩ nội trú, các đơn vị, tỉnh khác cử học viên về học chuyên môn, kỹ thuật.

Tại "lá chắn" cuối cùng ở Hà Nội: Áp lực "quá tải" đè vai nhân viên y tế và mong ước ngày Tết (bài cuối) - Ảnh 5.

Phòng theo dõi các bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch. Ảnh: Gia Khiêm

Ngoài ra, một nhóm tình nguyện viên có chuyên môn y khoa cũng đang hỗ trợ chúng tôi. Tổng cộng, chúng tôi có khoảng 700 nhân viên y tế và tình nguyện viên thường xuyên có mặt để chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Về lý thuyết, một bệnh nhân bình thường nếu thở máy cần ít nhất 1 điều dưỡng chăm sóc, 1 ca ECMO thì cần tới 3-5 người hỗ trợ. Một bác sĩ nếu chỉ phụ trách 2-3 ca ECMO là đã quay cuồng hết nguyên ca trực. Để đáp ứng lượng lớn bệnh nhân nặng, nguy kịch, với chừng đó nhân lực, cán bộ y tế của chúng tôi thường xuyên phải làm việc gấp đôi, thậm chí gấp 3 công suất.

Nhân viên hoàn toàn không có khái niệm ngày đêm, thời gian ngày tháng, ngày nghỉ hay lễ Tết. Cán bộ y tế cũng làm việc liên tục các ngày trong tuần, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình giờ lao động mỗi tuần theo quy định.

Không chỉ thế, cường độ làm việc trong ca trực điều trị Covid-19 cũng cao hơn rất nhiều so với các bệnh lý thông thường.

Tại "lá chắn" cuối cùng ở Hà Nội: Áp lực "quá tải" đè vai nhân viên y tế và mong ước ngày Tết (bài cuối) - Ảnh 6.

Nhân viên y tế phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ từ chăm sóc ăn uống, thuốc, vệ sinh cá nhân cho người bệnh. Ảnh: Gia Khiêm

Trong 500 F0 đang điều trị, có khoảng 300 bệnh nhân có nhiều bệnh lý nặng nhưng chưa cần hỗ trợ hô hấp nên vẫn tự túc sinh hoạt được. Nhưng khi họ là F0, họ không được rời bệnh phòng. Do đó, từ bỉm sữa, chăm sóc ăn uống, đến đổ rác, đồ do người nhà gửi hay tiếp xúc, an ủi, động viên bệnh nhân … cũng một tay nhân viên y tế phục vụ. Nghĩa là nhân viên y tế sẽ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ ngoài chuyên môn, chưa kể những áp lực, stress từ đó.

Thưa ông với tình dịch tại Hà Nội như hiện nay, liệu có tính đến kịch bản giãn cách xã hội như thời gian đầu?

- Ngành y tế giống như lá chắn, chừng nào còn che chắn được an toàn cho nhân dân thì nhân dân được quyền lao động sản xuất, sống cuộc sống bình thường. Còn bao giờ vượt quá khả năng bảo vệ của ngành thì lúc đó chúng ta phải thay đổi, siết chặt các quy định về cách ly, có thể sẽ phải ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. 

Chúng tôi mong muốn mọi người duy trì cuộc sống bình thường mới để mức độ không ảnh hưởng quá đến khả năng bảo vệ của ngành y tế. Lúc bấy giờ mọi người mới có cuộc sống bình thường.

Tại "lá chắn" cuối cùng ở Hà Nội: Áp lực "quá tải" đè vai nhân viên y tế và mong ước ngày Tết (bài cuối) - Ảnh 7.

Nhân viên y tế trang trí cành đào Tết sau giờ tan ca làm việc để quên đi cái mệt nhọc trong những lúc làm việc căng thẳng. Ảnh: Gia Khiêm

Với khối lượng công việc rất lớn như vậy, ông dành thời gian nghỉ ngơi như thế nào?

- Với chúng tôi không có thời gian nghỉ ngơi cố định. Còn công việc thì lúc nào đỡ việc thì tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức xong lại làm, bởi những cuộc gọi về đêm hay rạng sáng hỏi về tình hình bệnh nhân hay hướng xử lý, diễn ra như cơm bữa. Chúng tôi lập nhóm thảo luận với các tỉnh thành. Tình thành nào cần nhu cầu hỗ trợ, giúp đỡ về chuyên môn mình sẽ hướng dẫn cụ thể cho họ.

Tết Nguyên đán năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, vậy Bệnh viện chuẩn bị thế nào để chăm lo đời sống tinh thần nhân viên y tế? Ông có muốn gửi gắm gì tới người bệnh và nhân viên y tế nhân dịp đầu năm mới?

- Thông thường với các điều kiện làm việc bình thường, bệnh viện sẽ tổ chức các buổi họp gặp mặt đầu xuân để chúc Tết mừng xuân với nhau. Hiện bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 nên phải đảm bảo giãn cách, không tổ chức được buổi gặp mặt như vậy. Tất cả mọi thứ đều chúc mừng, thực hiện gặp mặt qua hình thức online.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tôi xin chúc các bệnh nhân nằm viện sớm hồi phục, ra viện khoẻ mạnh. Chúc tất cả nhân viên y tế luôn luôn khoẻ mạnh, sang năm mới nhiều thành công hơn. Hy vọng dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm qua đi, cuộc sống sẽ trở lại bình thường.

Xin trân trọng cảm ơn chia sẻ của ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem