Đầu xuân, tôi có dịp gặp chàng thanh niên Phan Quốc Dũng (SN 1995, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội) - người có niềm đam mê và một tình yêu rừng cháy bỏng. Với thân hình cao ráo, mảnh khảnh và nước da trắng bóc, ít ai nghĩ cậu thư sinh này lại "mê" một công việc gian nan, vất vả từ rừng đến vậy.
Nụ cười trìu mến và gương mặt hiền hậu, Dũng bắt đầu kể cho chúng tôi nghe những chuyến đi xuyên rừng dài ngày của mình. Dũng cho hay, anh đến với rừng như một "mối nhân duyên", bởi trước đây anh sinh ra ở Hà Nội nhưng từ nhỏ anh đã có những trải nghiệm và kết nối với nơi được bao bọc bởi núi rừng trùng điệp. Sau này lớn lên, anh bắt đầu có những ước mơ và dự định lớn nhưng tất cả đều liên quan và gắn bó với núi rừng.
Ngày Dũng thi đỗ Đại học Lâm nghiệp, anh như vỡ òa trong niềm hạnh phúc, khi đã chạm đến điểm đầu của ước mơ, đó là có cơ hội được tìm hiểu và khám phá những cánh rừng nhiều hơn.
Từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường anh đã xách balo rong ruổi và tìm hiểu về các cánh rừng ở khu vực vùng núi phía Bắc như: Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn… Những chuyến đi độc hành cứ thế trải dài qua những năm học đối với anh, mỗi lần đi anh đều góp nhặt cho mình kinh nghiệm về việc đi rừng. Sau khi chinh phục được một số cánh rừng, anh bắt đầu nhận thấy trong những khu rừng có rất nhiều cảnh đẹp, điều kì lạ mà anh chưa thể khám phá hết. Kể từ đó, rừng như nguồn động lực, thôi thúc anh khám phá và ý tưởng mở các chuyến du lịch trekking (đi bộ xuyên rừng) lớn dần lên từng ngày.
Khi được hỏi tại sao lại chọn học và làm việc nghề rừng chứ không phải một công việc nhàn hạ nào khác, Dũng từ tốn trả lời: "Trải qua quá trình học tập trong và ngoài nước về chuyên ngành quản lý rừng cũng như sinh kế nông thôn, Dũng càng hiểu và yêu hơn công việc gìn giữ và bảo vệ những mảng xanh ấy. Tuy vất vả và không có quá nhiều người trẻ theo đuổi, nhưng mình nhận ra giá trị riêng mà công việc và ngành nghề này mang lại cho xã hội.
"Hiện tại mình đang làm việc cho một dự án về phát triển rừng và sinh kế nông thôn. Công việc này rất thú vị và mang tới cho mình nhiều trải nghiệm thực tế. Mình nhận ra rằng, muốn bảo vệ rừng hiệu quả, chúng ta sẽ phải nhìn sâu hơn vào nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Một trong số đó chính là việc bảo vệ rừng phải đi đôi với việc tạo cơ hội và nâng cao thu nhập cho người dân bản địa. Vì họ chính là một trong những nhân tố quyết định với việc còn hay mất của tài nguyên xanh này" – Quốc Dũng chia sẻ.
Tốt nghiệp Thủ khoa Đại học Lâm Nghiệp, cộng với thành tích đáng nể và dành được vô số suất học bổng toàn phần danh giá của các quốc gia lớn trên thế giới, Phan Quốc Dũng sau 2 năm du học đã tốt nghiệp với 2 bằng thạc sỹ chuyên ngành quản lý rừng nhiệt đới; rừng và sinh kế tại Đức và Đan Mạch. Vốn dĩ anh chàng có thể dễ dàng tìm được cho mình một công việc nhàn hạ, "việc nhẹ, lương cao". Thế nhưng, chàng thư sinh da trắng bóc lại luôn luôn có tâm niệm "ai cũng chọn phần nhẹ nhàng, gian khổ sẽ thuộc về phần ai", vậy nên anh chọn công việc gắn bó với rừng, một công việc được cho là vất vả, cần hội tụ đủ nhiều yếu tố từ trí lực đến sức lực.
Hành trang của Dũng chỉ đơn giản là chiếc balo đã sờn bạc vì nắng mưa, kèm theo đó là vài kí gạo, mấy con cá khô, mì gói, dao, bật lửa, võng… Cứ thế, Quốc Dũng chinh phục những cánh rừng từ tỉnh này qua tỉnh khác.
Nói về những chuyến đi của mình, Dũng cho hay, mỗi lần vác balo ra khỏi nhà là mỗi lần anh thu được một bài học về rừng quý giá. Có những chuyến đi độc hành rồi Dũng bị lạc giữa rừng, tìm mãi mà không thấy đường ra, cái đói cái khát cứ thế đeo bám. Còn có những chuyến đi gặp muỗi, vắt rừng, thú rừng khiến Dũng khiếp vía, nhưng với sự lạc quan và am hiểu về rừng đã giúp Dũng vượt qua tất cả.
Nói về gia đình, Dũng kể, ban đầu cả bố và mẹ đều chưa hẳn đồng ý và yên tâm với quyết định của cậu con trai mình. "Bố mẹ nào chả xót con khi thấy con việc nhẹ không chọn cứ chọn việc gian khổ. Thời gian đầu, mình hay phải đi công tác xa, bố mẹ cũng lo lắng và không đồng ý. Thế nhưng, chính những câu chuyện thú vị từ mỗi chuyến đi rừng, những trải nghiệm cứu hộ và chăm sóc linh trưởng, voọc,..Một người đàn ông mà làm công việc như một người phụ nữ, một người mẹ với những loài động vật hoang dã thì ắt hẳn anh ta phải yêu rừng, yêu các loài động vật từ rừng đến nhường nào. Lâu dần, nhờ tình yêu với núi rừng mà mình đã khiến bố mẹ trở lên yên tâm hơn và hiểu về công việc mà mình đang làm hơn"- Dũng kể.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng với niềm đam mê, thích khám phá về rừng thì không có gì có thể dập tắt được ngọn lửa trong tim anh chàng 9x điển trai này. Những chuyến đi xuyên rừng cứ thế kéo dài, những mẩu chuyện về rừng ngày càng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội và đã nhận được những nhận xét tích cực của cộng đồng mạng.
"Chính bản thân mình cũng không ngờ những tấm hình chụp rừng, chụp cây và các loài động vật ấy lại thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các bạn trẻ trên mạng xã hội. Mọi người đặt cho mình rất nhiều biệt danh như "người rừng", "chàng trai thôn bản" khiến mình rất vui vì ít ra cũng có một chút ấn tượng" – Dũng bồi hồi nhớ lại.
Thực ra chính những những câu chuyện Dũng đăng tải lên mạng xã hội từ những thứ nhỏ nhất thuộc về rừng đã khiến nhiều bạn trẻ có ý thức hơn trong việc bảo tồn và chăm sóc "người bạn" rừng.
Nhìn sâu vào ánh mắt và nụ cười của Dũng, tôi có thể cảm nhận được một tình yêu rừng mãnh liệt. Đối với Dũng, có lẽ rừng như là nhà, là người mẹ thứ hai giúp cho cuộc sống của Dũng bớt buồn chán và tẻ nhạt.
"Biết đâu chính nhờ những chuyến xuyên rừng, mình sẽ gặp gỡ và quen biết những người bạn mới cũng có niềm đam mê như mình. Từ những chia sẻ, đồng điệu trong những vấn đề của cuộc sống, mình sẽ cùng những người bạn đó bảo tồn rừng được tốt hơn. Giống như một cây làm chẳng nên non nhưng nhiều cây chụm lại sẽ lên thành một khu rừng tuyệt đẹp. Hoặc biết đâu đó, một trong những người bạn cùng chung chí hướng và được Dũng truyền cảm hứng đó sẽ là "bạn đời" của Dũng trong tương lai" – chàng hot boy 9X cười tươi chia sẻ.