Hiện anh Nguyễn Văn Quý đang là Chủ nhiệm Nông hội chăn nuôi dê xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.
Kể về quá trình khởi nghiệp nuôi dê, anh Quý cho biết: Lập gia đình năm 2004, anh Quý được bố mẹ cho 2 ha đất để canh tác. Khu đất này ở xa khu dân cư, lại chưa có nguồn điện nên rất khó khăn trong việc sản xuất. Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết tâm mượn sổ đỏ của bố mẹ để thế chấp ngân hàng vay hơn 700 triệu đồng kéo điện, dựng nhà, đào giếng rồi bắt tay vào trồng 2 ha cà phê. 3 năm sau, vườn cà phê cho thu hoạch, anh dần trả hết nợ.
Năm 2017, sau khi tích góp được một số vốn kha khá, anh Quý quyết định chăn nuôi dê. Anh dành 3 sào đất để làm chuồng và trồng cỏ. Do chưa có kinh nghiệm, anh chỉ dám nuôi vài chục con. Sau này thấy nuôi dê ít rủi ro, nhanh có lãi, anh quyết định tăng đàn, có thời điểm đàn dê lên đến 300 con. Anh lặn lội vào Đồng Nai để học hỏi kinh nghiệm và tìm mua giống dê có chất lượng, hiệu quả cao.
Cùng với đó, anh ra Hà Nội, Ninh Bình để tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, anh thu 450-500 triệu đồng từ nuôi dê và kinh doanh dê thương phẩm. "Năm 2020, tôi mua thêm hơn 2 ha cà phê kinh doanh. Nhờ đó, mỗi năm, gia đình tôi lãi 700-800 triệu đồng"-anh Quý cho biết.
Đầu năm 2020, Nông hội chăn nuôi dê xã Đak Djrăng được thành lập với 24 thành viên, anh Quý được bầu làm Chủ nhiệm. Để làm tốt vai trò của mình, anh thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê. Anh còn đến từng nhà chỉ cách nuôi, phòng bệnh cho dê, hướng dẫn sử dụng các loại con giống chất lượng, hiệu quả cao.
Anh Quý chia sẻ: "Trước đây, đa phần người dân chỉ chăn nuôi dê cỏ nên chậm lớn, 1 năm trọng lượng chỉ đạt 20-30 kg/con. Trong khi đó, giống dê lai Bách Thảo, dê Boer ở Đồng Nai nuôi nhanh lớn, sau khoảng 7-9 tháng đã đạt 50 kg/con. Tôi đã nhập giống dê này về nuôi và vận động các hộ chuyển đổi theo. Nhờ đó, không chỉ tôi, các hộ chăn nuôi dê đều đạt hiệu quả cao hơn".
Không những tiêu thụ dê thương phẩm tại thị trường trong tỉnh, anh Quý còn kết nối với 12 điểm tiêu thụ ở Hà Nội, Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh. Anh Trần Văn Dũng (thôn Linh Nham) chia sẻ: "Mỗi năm, tôi nuôi gần 300 con dê. Tất cả dê thương phẩm và dê giống đều được anh Quý thu mua với giá cao hơn so với thương lái bên ngoài. Nhờ đó, thu nhập của gia đình hơn 350 triệu đồng/năm".
Còn chị Trần Thị Thúy (thôn Linh Nham) thì bày tỏ: Nhờ có Chủ nhiệm Nông hội giúp tìm kiếm đầu ra sản phẩm, gia đình chị yên tâm chăn nuôi. Tới đây, chị sẽ phá bỏ một số diện tích cà phê già cỗi để mở rộng quy mô chuồng nuôi.
Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2020, anh Quý vận động người dân thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Văn Quý Đak Djrăng.
"Mục đích của việc thành lập Hợp tác xã là để tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của người dân trên địa bàn. Tới đây, tôi sẽ kết nối các thành viên để hỗ trợ nhau về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và tích cực tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm để ổn định thu nhập"-anh Quý bày tỏ.