Chúng tôi đến Vườn Quốc gia Cúc Phương khi vườn mơ ở cổng vườn đã bắt đầu nở hoa trắng xóa. Sáng sớm, giữa không gian thâm u, tĩnh mịch của rừng già, giữa vòm lá xanh vời vợi, thi thoảng tiếng hú của loài linh trưởng lại vang vọng khắp núi rừng.
Sau khi dẫn chúng tôi thưởng ngoạn cảnh núi rừng, anh Phạm Quốc Vinh, cán bộ phụ trách truyền thông của Vườn Quốc gia Cúc Phương giới thiệu chúng tôi vào thăm Trung tâm cứu hộ của Vườn. Tại đây, chúng tôi được nghe câu chuyện hồi sinh kỳ diệu của những cá thể động vật quý hiếm.
"Mỗi cá thể sau khi được cứu hộ cần phải được chăm sóc, chữa trị và phục hồi tập tính, ổn định tâm lý trước khi về với thiên nhiên. Đây là một hành trình hồi sinh cần nhiều sự hỗ trợ với sự tham gia tích cực của cộng đồng" – anh Vinh cho biết.
Tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn Quốc gia Cúc Phương, câu chuyện của chú voọc xám Sunny khiến nhiều người nghe cảm động.
Chú voọc xám 5 tháng tuổi là một cá thể đực quý hiếm vừa được cứu hộ cách đây hơn 3 tháng trong một vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép, chú non nớt, yếu ớt và hoang mang khi mất mẹ.
Về Cúc Phương, chú được các bảo mẫu ở đây chăm sóc, nâng niu, thậm chí nửa đêm còn dậy bón cho chú từng thìa sữa.
Mới đây, trong hành trình trở về nhà kéo dài vài năm hoặc cả chục năm tới, voọc xám đã có thêm tình yêu thương từ một gia đình bảo trợ chú, gia đình chị Đỗ Bạch Dương (Cầu Giấy, Hà Nội), người từng rất nổi tiếng với các chương trình gameshow trên VTV. Cái tên Sunny cũng được đặt cho chú voọc xám với hy vọng về một hành trình hồi sinh tươi sáng.
"Giống như một đứa trẻ con mất mẹ như thế nào thì bạn voọc xám này cũng vậy, rất đáng thương. Gia đình tôi muốn nhận bạn voọc này như một thành viên trong gia đình để chăm sóc đến khi bạn ấy trưởng thành, có thể trở về tự nhiên là điều chúng tôi mong muốn nhất'', MC Bạch Dương chia sẻ.
Anh Phạm Quốc Vinh thông tin thêm, việc cứu hộ được chú voọc xám Sunny còn có ý nghĩa rất lớn về mặt bảo tồn vì đây là cá thể đực duy nhất trong số những con voọc xám đang sinh sống tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Cúc Phương. Khi trưởng thành, chú có trách nhiệm duy trì nòi giống.
Được biết, voọc xám là một trong ba cá thể được nhận bảo trợ trong hành trình hồi sinh đầu tiên của Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Hai cá thể khác là voọc Hà Tĩnh 2,5 tuổi mới mất mẹ và một voọc chà vá chân nâu gần 4 tuổi. Hai cá thể này cũng được gia đình bảo trợ đặt những cái tên ý nghĩa như Cúc Phương hay Bình An.
Mỗi một cá thể linh trưởng đã và đang được cứu hộ tại Vườn Quốc gia Cúc Phương đều có những câu chuyện rất đặc biệt.
Do vậy, những "bảo mẫu xanh" của vườn cũng phải có chế độ chăm sóc đặc biệt hơn vì những bạn nhỏ này đều không có bố, mẹ; có thể bị thợ săn bắn chết hoặc có thể trong lúc chạy trốn để dành lấy sự sống với thợ săn thì voọc bố, mẹ làm rơi các bạn ấy.
Những "bảo mẫu xanh" phải làm thay những công việc của voọc bố, mẹ như bế đi dạo, chải tóc, bắt chấy, rận để chúng đỡ cảm thấy bị stress.
Được biết, trong 10 năm qua (từ năm 2010-2020), Vườn Quốc gia Cúc Phương đã cứu hộ, bảo tồn trên 2.600 cá thể động vật hoang dã thuộc 75 loài; trong đó có rất nhiều loài nguy cấp quý hiếm. Điển hình là 20 loài linh trưởng; 34 loài rùa cạn, rùa nước ngọt; 8 loài thú ăn thịt và tê tê, công má vàng, gà lôi trắng,...
Ngoài ra, Vườn đã tiếp nhận cứu hộ 3.212 cá thể động vật hoang dã; cho ghép đôi sinh sản được 1.443 cá thể động vật hoang dã; tái thả về môi trường tự nhiên các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn trên 1.600 cá thể; xây dựng Vườn thực vật từ năm 1985 với diện tích 167ha; sưu tập và lưu giữ được trên 800 loài thực vật…
Sau gần 60 năm hoạt động, công tác cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn và phát triển sinh vật của Cúc Phương đã tạo nên "thương hiệu" riêng, được giới bảo tồn trong và ngoài nước ví von là "thủ đô bảo tồn" của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương chia sẻ: "Cách đây 60 năm, Cúc Phương trở thành vườn quốc gia đầu tiên của đất nước. Cùng với sự phát triển, lớn mạnh của ngành lâm nghiệp, từ Cúc Phương, một hệ thống Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên trên cả nước đã được hình thành, làm rường cột cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của nước nhà".
Trong 10 năm qua (từ năm 2010-2020), Vườn Quốc gia Cúc Phương đã cứu hộ, bảo tồn trên 2.600 cá thể động vật hoang dã thuộc 75 loài; trong đó có rất nhiều loài nguy cấp quý hiếm. Điển hình là 20 loài linh trưởng; 34 loài rùa cạn, rùa nước ngọt; 8 loài thú ăn thịt và tê tê, công má vàng, gà lôi trắng,... Ngoài ra, Vườn đã tiếp nhận cứu hộ 3.212 cá thể động vật hoang dã.