Dân Việt

Vay vốn Quỹ trồng bạt ngàn lan kiếm, giả hạc đột biến, chị nông dân Đà Nẵng bán 1 lô lan kiếm thu tiền tỷ

Đăng Bình - Trần Hậu 04/02/2022 11:00 GMT+7
Những năm qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) là điểm tựa cho các hộ nông dân trên địa bàn TP.Đà Nẵng tự tin triển khai hiệu quả những mô hình phát triển sản xuất, giúp nông dân có điều kiện xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu.

Tiếp vốn trồng hoa lan kiếm, hoa lan đột biến

Trong bối cảnh nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, người nông dân gặp nhiều khó khăn, chính nhờ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp sức cho nhiều hộ dân khôi phục hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập...

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng hoa lan và bảo tồn các giống lan rừng quý hiếm của hội viên nông dân Nguyễn Thị Thu Hiền ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng. Chị Hiền là chủ vườn Hoa Lan BaNa GH, một thương hiệu nhà vườn chuyên cung cấp lan giống có uy tín đối với người chơi hoa lan trong cả nước.

Đà Nẵng: Vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân “phao cứu sinh” để nông dân làm giàu - Ảnh 1.

Vườn hoa lan BaNa GH của chị Hiền ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Ảnh: Trần Hậu.

Chị Hiền cho biết, thấy đất dự án chưa đưa vào sử dụng, năm 2016 chị mượn gần 1.500m2 đất dự án để trồng hoa lan và bảo tồn các giống lan rừng quý hiếm để nhân giống chia sẻ cho người chơi hoa lan trong cả nước.

Đến nay, vườn lan của chị trồng hơn 4.000 chậu hoa lan, với nhiều giống lan rừng đột biến, quý hiếm như lan kiếm Tiên Vũ Phan Trí, Xanh Huế, Hồng Bà Nà, Vàng Phước Sơn, Nam Giang Tiên Vũ; các loại kiếm lô hội như: Âu Cơ, Ánh Tím Thái Nguyên, Hồng Hà Giang, Tuyết Ngọc, Mai Hương...; lan giả hạc đột biến như Hồng Mỹ Nhân, Hồng Minh Châu, Hồng Yên Thủy, 5 cánh trắng Bạch Tuyết, 5 cánh trắng Hiển Oanh...

Đà Nẵng: Vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân “phao cứu sinh” để nông dân làm giàu - Ảnh 2.

Được vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tiếp sức chị Hiền đã xây dựng được vườn lan có trị giá hàng chục tỷ đồng. Ảnh: Trần Hậu.

Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường bị thu hẹp, sức mua cũng chậm hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để vườn Hoa Lan BaNa GH sưu tầm thêm nhiều giống mới và có thời gian nhân giống để cung cấp cho thị trường. Hiện nhà vườn đang tập trung công tác chiết tách nhân giống, đồng thời tăng cường chăm sóc để cây lan có sức phát triển mạnh, tạo thành những tác phẩm đẹp cung cấp cho thị trường trong thời gian đến.

Chị Hiền cho biết thêm, năm 2017 gia đình may mắn được Hội Nông dân phường giới thiệu và cho vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư làm hàng rào xung quanh, đầu tư mua các loại lan giống. Quỹ Hỗ trợ nông dân như "phao cứu sinh" giúp gia đình phát triển mô hình trồng hoa lan và bảo tồn các giống lan quý hiếm. Có vốn, vườn lan được đầu tư bài bản hơn, có hệ thống tưới tự động, hệ thống camera an ninh chống trộm, khu ươm giống có mái che...

"Nghề trồng hoa lan đột biến quý hiếm này thu nhập lúc nhiều lúc ít, nhưng đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao, vừa rồi, gia đình may mắn có 1 chậu hoa lan kiếm đột biến Phan Trí, gặp thương gia thích, mua liền với giá 800 triệu đồng. Hay như mới đây một nhà vườn ở TP.Hồ Chí Minh ra tận vườn mua lô kiếm Xanh Huế hơn 200 triệu đồng. Trước đó, vào tháng 4/2021, vườn cũng đã xuất một lô kiếm Xanh Huế vào Khánh Hòa, với giá trị lô hàng hơn 1 tỷ đồng…", chị Hiền cho hay.

Đà Nẵng: Vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân “phao cứu sinh” để nông dân làm giàu - Ảnh 4.

Phong lan kiếm Xanh Huế tại vườn chị Hiền được nhiều người tìm kiếm và sẵn sàng chi tiền “khủng” để bổ sung chúng vào bộ sưu tập lan của mình. Ảnh: Trần Hậu.

Năm 2020 vườn Hoa Lan BaNa GH của chị Hiền cho doanh thu hơn 4 tỷ đồng. Trừ các khoản chi phí lãi được khoảng hơn 400 triệu đồng. Năm 2021, do dịch bệnh Covid-19 giãn cách xã hội kéo dài, sức mua của người chơi lan có phần chậm hơn. Song nhờ uy tín, đa dạng giống và đa dạng kênh bán hàng thông qua mạng xã hội, doanh thu được trên 6 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng.

Đà Nẵng: Vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân “phao cứu sinh” để nông dân làm giàu - Ảnh 5.

Vườn lan của chị Hiền rộng gần 1.500m2. Ảnh: Trần Hậu.

Chia tay chị Hiền, chúng tôi tiếp tục tới thăm những người nông dân ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng, trò chuyện với anh Lê Anh Thắng, là người có nhiều năm trong nghề trồng hoa treo, bonsai của địa phương để bán cho khách hàng ở nhiều tỉnh, thành để chưng Tết.

Tiếp tục tiếp vốn cho nông dân làm giàu

Anh Thắng cho hay, để bán hoa cho khách chơi Tết, gia đình trồng 1.200 chậu hoa dạ yến thảo, 2.000 chậu lan hồ điệp và 500 chậu hoa giấy ngũ sắc,... anh Thắng nhẩm tính sau khi đầu tư gia đình sẽ thu về khoảng hơn 100 triệu đồng; năm nay do dịch bệnh cho nên phần thu từ hoa bị sụt giảm, so với năm ngoái sau khi trừ hết các khoản chi phí, gia đình thu lãi gần 300 triệu đồng.

Được biết, từ năm 2019, gia đình anh Thắng vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và cùng với số tiền tích góp bao năm qua để mở rộng quy mô trồng hoa cây cảnh.

Đà Nẵng: Vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân “phao cứu sinh” để nông dân làm giàu - Ảnh 6.

Được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, anh Lê Anh Thắng phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ đã xây dựng được mô hình trồng hoa, cây cảnh. Ảnh: Đăng Bình.

Theo anh Thắng, từ lúc làm nhỏ lẻ, đến nay đã đầu tư, mượn đất của dự án chưa sử dụng, phát triển mô hình trồng hoa bài bản. Nhờ đó, gia đình trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của quận.

Bà Hứa Thị Thùy Phương, Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ cho biết, để đảm bảo cho vay đúng đối tượng, vốn sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế, Hội Nông dân quận kịp thời chỉ đạo Hội Nông dân các cấp thực hiện nghiêm túc việc bình xét đối tượng cho vay. Đặc biệt, gắn cho vay với làm tốt việc hướng dẫn, lựa chọn các phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình hội viên.

Đồng thời, tăng cường cán bộ hướng dẫn hội vay vốn xây dựng dự án và thẩm định trước, sau khi giải ngân vốn; tăng cường công tác kiểm tra sử dụng vốn vay. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền về nguồn vốn và vận động hội viên, nông dân vay vốn để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Kết hợp với cho vay vốn, mở các lớp tập huấn, lớp học nghề về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới cho hội viên vay vốn. Từ đó, hội viên có vốn, kiến thức áp dụng vào sản xuất và tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần đẩy mạnh hoạt động của hội và phong trào nông dân trên địa bàn.

Mới đây, Hội Nông dân quận Cẩm Lệ vừa giải ngân Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho 10 hội viên nông dân, với số tiền 500 triệu đồng, mức phí cho vay 0,7%/tháng, thời hạn vay 36 tháng. Hầu hết các hộ nông dân vay để tiếp tục mở rộng quy mô trồng hoa, cây cảnh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

Đến nay, Hội Nông dân quận Cẩm Lệ đã giải quyết cho 59 hộ nông dân vay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, với số tiền 2,3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Trung ương Hội 1,2 tỷ đồng, có 27 hộ vay vốn; nguồn thành phố hơn 1 tỷ đồng, có 28 hộ vay vốn; nguồn của quận Cẩm Lệ 100 triệu đồng, 4 hộ vay.