Dân Việt

Món ăn ngày Tết người bệnh đái tháo đường phải tránh xa

Diệu Linh 01/02/2022 13:00 GMT+7
Để đảm bảo sức khỏe, người mắc bệnh đái tháo đường phải kiểm soát đến bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, ngày Tết cỗ bàn, tiệc tùng liên miên khiến nhiều người không thể kìm chế "miệng".

Nguy cơ người đái tháo đường mất kiểm soát đường huyết dịp Tết

TS, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, cứ đến mùa lễ Tết là số bệnh nhân đái tháo đường phải nhập viện cấp cứu lại gia tăng. Nguyên nhân là do sự thay đổi về thói quen sinh hoạt, ăn uống trong dịp Tết.

TS Hưng cho biết, trong ngày Tết, nỗi lo lớn nhất với người mắc đái tháo đường chính là nguy cơ mất kiểm soát đường huyết, bao gồm cả nguy cơ tăng đường huyết, cũng như hạ đường huyết.

Trong ngày Tết, nhiều người bệnh không kiểm soát được việc ăn uống của mình, có người ăn nhiều thức ăn bất lợi với bệnh đái tháo đường. 

Món ăn ngày Tết người bệnh đái tháo đường phải tránh xa - Ảnh 1.

Người đái tháo đường cần giữ chế độ ăn uống lành mạnh. Ảnh PIXABAY

Theo bác sĩ Hưng, các thực phẩm ngày Tết thường chứa nhiều chất ngọt, chất béo như: mứt kẹo, bánh chưng, canh măng móng giò... Đây chính là những thủ phạm dẫn đến các nguy cơ có hại cho sức khỏe người mắc đái tháo đường.

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) thuộc nhóm bệnh lý nội khoa, là sự rối loạn chuyển hóa carbohydrate, chất béo và protein mãn tính. Đặc trưng bởi việc tăng đường máu (glucose) khi đói và tăng cao nguy cơ các bệnh tim, đột quỵ, bệnh thận và mất chức năng thần kinh.

Với người bị tiểu đường type 2 (chiếm hơn 90% ca), chế độ ăn chiếm vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh.

Tuy nhiên, cũng không nên cấm tuyệt đối các thực phẩm này với họ, mà cần phải lưu ý xây dựng một chế độ ăn hợp lý.

"Người mắc đái tháo đường nên ăn ổn định số lượng glucid (chất bột đường) trong các bữa ăn phù hợp với mình, lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (<55%), sử dụng các thực phẩm có nhiều chất xơ (gạo lứt, gạo lật nảy mầm, bánh mỳ nâu, bánh mỳ đen, rau, củ, … ), hạn chế các thực phẩm ngọt béo, nên phối hợp ăn cùng các món rau luộc, rau trộn…

Người bệnh nên duy trì số lượng bữa ăn, khẩu phần ăn cũng như cảm giác no bụng như trong giai đoạn trước Tết để tránh ăn quá nhiều. Cần hạn chế sử dụng rượu bia, nước ngọt đóng chai; uống đủ nước lọc; tiếp tục duy trì hoạt động thể lực hàng ngày", TS Hưng khuyến cáo.

8 thực phẩm ngày Tết người đái tháo đường cần tránh xa

Cục An toàn thực phẩm cũng vừa có khuyến cáo về các loại thực phẩm trong dịp Tết mà người đái tháo đường cần tránh xa. 

Theo Cục An toàn thực phẩm, vào dịp Tết chúng ta có xu hướng nạp nhiều thực phẩm vào cơ thể hơn, nhưng đối với người mắc bệnh tiểu đường đây là dịp lễ cần tránh nhiều loại thực phẩm dù có hấp dẫn thế nào

Món ăn ngày Tết người bệnh đái tháo đường phải tránh xa - Ảnh 2.

Bánh kẹo, mứt là các loại đồ ăn người đái tháo đường cần tránh xa. Ảnh minh họa PIXABAY

Do đó, bên cạnh những thực phẩm thuộc chế độ ăn uống của người mắc bệnh tiểu đường, trong dịp lễ Tết, người đái tháo đường cần đặc biệt hạn chế và tránh những thực phẩm sau:

Các loại bánh, kẹo

Thời điểm Tết, các mặt hàng bánh, kẹo vô cùng đa dạng về cả hình thức lẫn hương vị. Song, đây là "kẻ thù" số một của những người mắc bệnh tiểu đường.

Chính vì vậy, người bệnh nên tránh những bữa ăn lớn, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ nếu đường huyết kiểm soát không tốt, nên ăn đủ ba bữa chính và có thêm ít nhất một bữa phụ.

Chú ý: người bệnh nên giữ đúng giờ ăn theo lịch. Không bỏ bữa ăn ngay cả khi ốm hoặc cảm thấy mệt mỏi và không muốn ăn, nên thay thế bằng thức ăn phù hợp.

Mứt, trái cây sấy

Ngược lại với cái tên "trái cây sấy": mứt dừa, mứt gừng, mít sấy… các loại trái cây thường được chế biến và tẩm đường. Đây là thực phẩm gây hại cho sức khỏe đối với người mắc bệnh tiểu đường vì chứa lượng đường lớn.

Món ăn ngày Tết người bệnh đái tháo đường phải tránh xa - Ảnh 3.

Nước ngọt, đặc biệt là nước ngọt có ga người đái tháo đường cũng không nên uống. Ảnh minh họa PIXABAY

Nước ngọt có ga

Mặc dù với hình thức nhiều màu sắc hấp dẫn, nước ngọt vẫn là thức uống mà người mắc tiểu đường phải đặc biệt tránh. Nước ngọt có ga chứa chất bảo quản và lượng đường rất lớn.

Thịt đỏ

Các món ăn như thịt bò, thịt bê, thịt cừu được ưa chuộng trong dịp Tết. Khoa học chứng minh một số loại thịt đỏ có nhiều chất béo bão hòa, làm tăng cholesterol trong máu. Nồng độ cholesterol LDL cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Tinh bột đường

Ngày Tết, mâm cơm của gia đình Việt không thể thiếu bánh chưng, cơm trắng, xôi nếp. Dù khoái khẩu đến đâu, đây vẫn là những món ăn chứa nhiều chất tinh bột đường.

Món ăn ngày Tết người bệnh đái tháo đường phải tránh xa - Ảnh 4.

Người đái tháo đường cũng không nên ăn thịt đỏ. Ảnh minh họa PIXABAY

Các thực phẩm chứa chất béo bão hòa

Da của gia cầm, thịt đông, nội tạng xào củ quả - món ăn quen thuộc trong mỗi dịp Tết đến xuân về là thực phẩm chứa lượng chất béo bão hòa lớn.

Thực phẩm chế biến sẵn

Trong những ngày ăn Tết với nhiều món cổ truyền, chúng ta thường chuyển sang sử dụng thực phẩm chế biến sẵn hay đóng hộp để "đổi vị". Thực tế, đa số thực phẩm đóng hộp thường chứa chất bảo quản và có lượng muối cùng chất béo bão hòa lớn.

Món ăn ngày Tết người bệnh đái tháo đường phải tránh xa - Ảnh 5.

Đương nhiên, người đái tháo đường cần tránh xa rượu bia. Ảnh minh họa PIXABAY

Rượu bia, chất kích thích

Tết đến chúng ta không thể không nhắc tới thức uống rượu và bia. Những dịp tụ họp gia đình như Tết, rượu bia thường được ưa chuộng hơn cả. Thực tế, đây là một trong những tác nhân khiến bệnh tiểu đường trầm trọng hơn.

"Người đái tháo đường nên tránh những bữa ăn lớn, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ nếu đường huyết kiểm soát không tốt, nên ăn đủ ba bữa chính và có thêm ít nhất một bữa phụ.

Chú ý: người bệnh nên giữ đúng giờ ăn theo lịch. Không bỏ bữa ăn ngay cả khi ốm hoặc cảm thấy mệt mỏi và không muốn ăn, nên thay thế bằng thức ăn phù hợp",

TS Nguyễn Trọng Hưng