Clip: Những kiêng kỵ của người Mông ở Bắc Kạn trong ngày Tết cổ truyền.
Bếp của đồng bào Mông thôn Bản Nghè, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn ngày mùng 1 Tết luôn bập bùng ánh lửa. Ngọn lửa của người Mông nơi đây được giữ gìn từ đêm 30 Tết.
"Thần bếp, thần lửa không chỉ giúp cho các gia đình người Mông ấm chân, ấm tay suốt mùa sương giá mà còn mang lại sự may mắn, đủ đầy, hoan hỷ..."- thầy khèn Hoàng Văn Tân, một thầy khèn nức tiếng ở Bản Nghè từng nói với chúng tôi vậy.
Tết Nhâm Dần năm nay sương giá, cái lạnh trên non cao Pác Nặm như cắt da, cắt thịt. Mùng 1 Tết, những câu chuyện tâm tình, những bài khèn, những lời nhắn dạy được thầy khèn Hoàng Văn Tân trao lại cho cháu con trước sự chứng kiến của thần bếp, thần lửa.
Thầy Tân cho biết, người Mông ở nơi này có tục kiêng không thổi lửa trong ngày mùng 1 Tết, từ khi sinh ra, đến nay đã tuổi 80, ông vẫn luôn nghiêm túc thực hiện. Tục này có từ bao giờ không ai biết, có lẽ liên quan đến một tích nào đó đã thất truyền.
"Có thể trong các cuộc thiên di của người Mông, câu chuyện liên quan đến kỵ hèm này cũng đã rơi rụng theo. Với người Mông, lửa vừa là bạn lại vừa tôn nghiêm và được kính trọng gọi là thần lửa. Thần lửa không chỉ giúp người Mông đuổi thú dữ mà còn giúp người Mông giữ ấm nhà, ấm cửa suốt bao đời nay", thầy Tân cho biết thêm.
Theo thầy Tân, việc kiêng thổi lửa trong ngày mùng 1 Tết của người Mông hiện nay được hiểu là kiêng gió. Người Mông cho rằng, nếu thổi lửa trong ngày mồng 1 Tết, cả năm đó sẽ có gió lớn, gây đổ nhà, đổ cửa, rạp ngô, rạp lúa trên nương, trên rẫy.
"Người Mông cúng bếp trước giao thừa, vào đúng đêm 30, đồ cúng chủ yếu là thịt, rượu. Người già bảo cúng vậy năm mới đến, trời sẽ tốt, gió ít, giúp mùa màng tốt tươi, bội thu. Khi cúng xong, ngọn lửa đó được duy trì đến hết ngày mùng 1 và đặc biệt không được thổi lửa, bởi làm vậy sẽ tạo ra gió.
Mùng 1 Tết, người Mông chỉ đi chơi, không được ngủ, người Mông cho rằng nếu ngủ ngày mồng 1 Tết, năm đó cái lúa, cái ngô của người Mông sẽ bị ngã gió", thầy khèn Hoàng Văn Tân chia sẻ thêm.