Giáo sư Kiều Thu Hoạch - Nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho biết, năm mới là thời gian dành cho những điều tốt đẹp, may mắn. Xuất phát từ quan niệm đó, từ xưa ông cha ta đã chiêm nghiệm được những điều cần kiêng kỵ để tránh những điều xui xẻo xảy ra trong năm mới như quét nhà, hốt rác trong 3 ngày Tết; Vay mượn đầu năm; Làm đổ vỡ đồ đạc trong nhà…
Mỗi vùng miền sẽ có những phong tục, những điều kiêng kỵ khác nhau, đổi lại họ chỉ mong muốn có được niềm vui, sự may mắn.
Dưới đây là một số những điều kiêng kỵ mà dân gian vẫn truyền tai nhau:
Quét nhà, hốt rác trong 3 ngày Tết
Dân gian quan niệm rằng, nếu quét nhà vào ngày đầu năm mới thì cả năm sẽ nghèo túng, bần hàn. Cũng có thể quét cho sạch sẽ nhưng không được hốt rác đi, phải để rác ở một góc nhà. Vì thế mà trước đêm giao thừa dù có bận đến đâu thì mọi người đều cố gắng dọn dẹp nhà cửa, sân vườn.
Vay mượn đầu năm
Những ngày đầu năm không nên vay, mượn tiền bạc vì dân gian quan niệm điều này sẽ khiến túng thiếu theo gia đình cả năm.
Làm đổ vỡ đồ đạc trong nhà
Ông bà ta thường quan niệm, sự sứt mẻ, đổ vỡ ngày Tết là dấu hiệu của điều không may mắn. Vì thế cần hết sức thận trọng khi sử dụng các đồ vật dễ vỡ đặc biệt là gương, bát chén, ly trong những ngày Tết.
Ăn các món ăn gợi lên sự xui rủi
Một vài món ăn tượng trưng cho sự xui xẻo nếu ăn vào dịp đầu tháng Âm lịch hay Tết ví dụ như kiêng ăn chịt chó, thịt vịt, mực. Miền Trung kiêng ăn trứng vịt lộn, cá mè… Miền Nam kiêng ăn cua, ăn tôm, ăn chuối vì mọi người quan niệm rằng như thế sẽ không may mắn, hanh thông.
Tránh bất hòa, tranh cãi
Trong những ngày Tết, mọi người thường cố gắng giữ hòa khí, tránh gắt gỏng hay tranh cãi. Trẻ con không khóc lóc, người lớn không quát mắng để giữ cho không khí trong suốt một năm luôn được hòa thuận, vui vẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.