Làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP.Hội An) có tuổi đời gần 500 năm, nổi danh khắp nơi về các sản phẩm gốm mỹ nghệ. Đây cũng là điểm tham quan ưa thích của khách du lịch khi đến với Hội An. Từ những tảng đất sét vô tri, các nghệ nhân nơi đây đã "thổi" cả hồn quê, sự tâm huyết vào đất để tạo nên những sản phẩm độc đáo mang nhiều ý nghĩa. Mặt hàng gốm mỹ nghệ Thanh Hà từng ngày được nâng cao chất lượng, địa danh du lịch cũng từng ngày khẳng vị thế của mình trên bản đồ du lịch Quảng Nam cũng như khu vực.
Từng là nơi mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách tham quan, nhưng 2 năm qua Thanh Hà vắng lặng đến lạ. Vì dịch bệnh, mọi việc đều ngưng trệ, làng gốm vì thế mà cũng đìu hiu theo.
Dịch Covid-19 khiến ngành du lịch Hội An "đóng băng" trong suốt thời gian vừa qua. Không có khách du lịch, các làng nghề chẳng thể hoạt động sôi nỗi như trước. Sản phẩm gốm cũng từ đó mà thưa dần đi, quanh quẩn cũng chỉ làm những đồ gia dụng phục vụ nhu cầu của người dân địa phương.
Dạo quanh làng gốm, những hộ còn nặn đất sét nay chỉ loanh quanh không quá con số 5. Nhiều người đã chọn cách nghỉ lò, đóng tiệm để chuyển sang các ngành nghề khác trong khi chờ du lịch được phục hồi. Trong số ít nghệ nhân vẫn còn làm việc, họ đau đáu nỗi lo về tương lai của làng nghề.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Xê (khối Nam Diêu, phường Thanh Hà) cho biết năm nay duy nhất chỉ có gia đình ông là làm những sản phẩm trang trí cỡ lớn.
Theo ông Xê, suốt 30 năm làm nghề ông chưa bao giờ chứng kiến bối cảnh làng gốm ảm đạm như thế.
"Du lịch đã cho người dân làng nghề nhiều thứ, người dân dựa vào du lịch để sống nhưng dịch bệnh ập đến quá bất ngờ khiến mọi việc trở nên đảo lộn. Việc phải nghỉ dịch quá lâu khiến nhiều người nản lòng, buộc phải chuyển đổi ngành nghề để trang trải cuộc sống", ông Nguyễn Văn Xê nói.
Giữ lửa làng nghề
Qua lời kể của nghệ nhân Xê, trước khi Covid-19 xuất hiện, các nghệ nhân tại đây ngoài việc bán hàng còn kiêm thêm dịch vụ hướng dẫn làm gốm cho khách du lịch. Từ những hoạt động phối hợp, thu nhập của từng hộ dần khấm khá có của ăn của để, đời sống từng ngày được nâng cao.
Từ sự độc đáo của các sản phẩm gốm truyền thống, cách làm thủ công nhưng đầy chất lượng đã thu hút sực quan tâm của đông đảo khách du lịch làng gốm Thanh Hà cũng từ đó vươn lên phát triển cùng với những làng nghề khách trên địa bàn, khẳng định vị thế là một điểm đến đầy tiềm năng.
"Nếu không có Covid-19 thì đã khác, các nghệ nhân nơi đây vẫn mong mỏi du lịch được khôi phục từng ngày. Chỉ mong dịch bệnh mau được kiểm soát, ngành du lịch quay trở lại mạnh mẽ để làng nghề lại đỏ lửa, lại đông vui như ngày trước, để những người nặng lòng với đất sét không còn đau đáu nỗi lo lớp trẻ "quên nghề", nghệ nhân Nguyễn Văn Xê tâm sự.
Ý thức rõ về sự phát triển của làng nghề đối với địa phương, các nghệ nhân nơi đây luôn muốn có người nối truyền để phát triển về sau. Nhưng nỗi lo vẫn còn ở đó, khi nhiều người cho rằng công việc làm gốm khó có thể cho được mức thu nhập ổn định nếu không kết hợp với du lịch. Các nghệ nhân cho rằng chỉ có du lịch với có thể "kích hoạt" được sự trỗi dậy trong mỗi làng nghề.
Tiếp chuyện với PV, nghệ nhân Nguyễn Thị Thủy (khối Nam Diêu, phường Thanh Hà) cho rằng dịch bệnh kéo dài đã khiến đời sống của người dân gặp thêm muôn vàn khó khăn tiếp nối. Hiện tại, cơ sở của bà Thủy đang sản xuất các mặt hàng gốm gia dụng để tiêu thụ tại địa phương.
"Làm các sản phẩm gia dụng thu nhập rất thấp do đó nhiều người phải tạm nghỉ để chuyển ngành nghề phù hợp hơn. Làm nghề này phải chấp nhận cả ngày loay hoay với bùn đất, có du lịch thì thu nhập cao để trang trải cuộc sống, chứ không có du lịch thì chỉ đủ "công ngày cơm", bà Thủy nói.
"Ai cũng mong du lịch sớm trở lại, nếu không sẽ có nhiều người bỏ nghề mà đi, đặc biệt là những người trẻ. Đã 5 đời nhà tôi gắn bó với nghề này, nhưng các đời sau thì chưa biết sẽ thế nào", bà Nguyễn Thị Thủy tâm sự.
Với những nghệ nhân tâm huyết, được làm việc và tạo ra kinh tế từ đam mê chính là động lực để các làng nghề truyền thống được lưu giữ. Với họ, không có gì quan trọng bằng việc quê hương phát triển nhưng vẫn giữ gìn những phần của lịch sử.
Thời gian tới, có thể dịch bệnh sẽ được kiểm soát, ngành du lịch sẽ lại phục hồi lại như đã từng. Các lò nung sẽ lại đỏ lực, dọc các tuyến đường trong làng gốm Thanh Hà sẽ lại rộn ràng tiếng nói cười của khách du lịch. Và các nghệ nhân gốm – những người nặng lòng với đất sét sẽ lại tất bật với công việc. Nỗi lo "quên nghề" sẽ không còn hiện hữu trong tâm trí của những người đã cũ theo thời gian.