Trao đổi với PV báo Dân Việt về quá trình du học của mình, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, chị quyết định chọn học ở Trung Quốc vì khi đó nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan đến Hải Phòng xây dựng nhà máy. Chị nghĩ rằng, đây là cơ hội rất tốt cho những ai thông thạo tiếng Trung. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế hạn hẹp, chị Hà chọn học Đại học Quảng Tây (thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây), ngôi trường gần biên giới Việt Nam để đỡ tốn kém chi phí.
Năm 2010, khi học năm thứ 4, chị tiếp tục apply học bổng CSC của chính phủ Trung Quốc vào ngành Tài Chính - Chứng khoán tại trường. Mặc dù đây là học bổng cấp cho hệ thạc sĩ 3 năm nhưng vì muốn tiết kiệm thời gian nên chị đã xin rút ngắn thành 2 năm để ra trường sớm hơn.
Ngay sau khi học xong thạc sĩ, chị Hà lại apply học bổng tiến sĩ ở 3 trường là Đại học Thanh Hoa, Đại học Nhân dân Bắc Kinh và Đại học Tài chính Thượng Hải. Đây là 3 trường đứng đầu Trung Quốc về đào tạo ngành Tài chính. Cuối cùng chị quyết định chọn Đại học Thanh Hoa - ngôi trường xếp thứ 16 trong những đại học danh tiếng nhất trên thế giới và đại học hàng đầu châu Á năm 2021 (theo xếp hạng của Times Higher Education).
Tuy nhiên, để có được thành công như hiện tại, chị Hà đã phải trải qua rất nhiều thử thách, khó khăn đối với một cô sinh viên nước ngoài khi chọn ngành này. Chị Hà cho hay: "Tài chính khó hơn ngành Thương mại hoặc Kinh tế ở chỗ phải thi nhiều môn liên quan tới Toán và lớp thạc sĩ có 25 sinh viên nhưng có 23 người là sinh viên bản địa. Chỉ có mình và 1 bạn khác là du học sinh người Campuchia.
Nếu nói riêng về học tiếng Trung thì Việt Nam có lợi thế hơn hẳn các bạn trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Campuchia... vì được tiếp cận nhiều với chữ Hán Nôm. Nhưng nếu nói về chuyên môn thì du học sinh không có bất kỳ lợi thế nào. Nhà trường quy định phải tham gia học và thi đủ số học phần như sinh viên bản địa, phải đăng báo và viết luận văn, bảo vệ luận án trước hội đồng như sinh viên Trung Quốc. Nhất là khi luận văn đi vào khâu hoàn tất phải gửi đi thẩm định chất lượng bằng phương thức ẩn tên thì sinh viên nước ngoài có rất nhiều thua thiệt với quy định là 5/100% bài luận không được trùng lặp với tài liệu có sẵn trên mạng".
Ngoài ra, một kỷ niệm đáng nhớ của chị là bài báo khoa học để xin tốt nghiệp sớm. "Khi đó mình đang là thành viên Viện nghiên cứu kinh tế Asean (thuộc Đại học Quảng Tây ) nên mình và nhóm của thầy giáo hướng dẫn thường xuyên nghiên cứu về thị trường chứng khoán của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Vì đặc thù công việc nên bản thân mình được tiếp xúc khá nhiều với các số liệu của Tổng cục thống kê TP.HCM hay Viện nghiên cứu tài chính, đầu tư và hợp tác thương mại Đông Nam Á, Hà Nội. Năm 2011, nhờ có sự dẫn dắt chỉ đạo của thầy nên mình có bài báo đầu tiên với tựa đề "Thực trạng và giải pháp của thị trường chứng khoán Việt Nam và chiến lược hội nhập quốc tế", chị Hà kể lại.
Thế nhưng, chị Hà cũng mất khoảng 4 tháng mới hoàn thiện số liệu từ thô sơ để chạy ra được mô hình rồi chứng minh lý thuyết với thực tế hoàn toàn khớp nhau. Rất may, sau đó bài báo được duyệt đăng ngay vì chưa có du học sinh nào viết số liệu mới tinh của năm 2011. Điều đó đồng nghĩa với việc chị đã được tốt nghiệp sớm 1 năm so với quy định.
Khi bước chân sang Trung Quốc du học, nữ tiến sĩ Việt chỉ định học xong đại học rồi về Việt Nam vì hoàn cảnh gia đình khá khó khăn. Dù muốn học lên cao nhưng thực tế chứng minh là "cơm áo không đùa với khách thơ". Trong thời gian học đại học, để có tiền trang trải cuộc sống, chị Hà đã đi làm đủ nghề, từ thu âm ghi hình thuê cho những cuốn sách dạy giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài, rồi đi phiên dịch... Thế nhưng làm nhiều thế cũng không đủ nộp học phí 3 năm thạc sĩ, chị đành từ bỏ ý tưởng.
Đúng khi ấy, chị Hà thấy trường có học bổng nên thử may rủi. Không ngờ cơ hội học lên cao được mở ra trúng học bổng toàn phần: miễn học phí, ký túc xá và được chu cấp thêm tiền trang trải cuộc sống.
Hậu tiến sĩ không có học bổng vì bản chất là làm nghiên cứu theo dự án của thầy hướng dẫn và chuyên môn mình theo đuổi. Rất may, các dự án của nhóm chị được cấp tiền nghiên cứu nên đến hiện tại vẫn đủ trang trải cuộc sống ở nơi đắt đỏ nhất Trung Quốc.
Làm việc tại Đại học Thanh Hoa, ngôi trường danh tiếng bậc nhất Trung Quốc, nhưng chị Hà vẫn có chút buồn vì đây là năm thứ 3 gia đình chị chưa được về Việt Nam ăn Tết. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sinh viên và du học sinh ở lại trường nên đêm giao thừa thầy hiệu trưởng đích thân tổ chức gala và ăn Tết cùng sinh viên. Vì vậy chị Hà vẫn cảm nhận được không khí tươi vui của năm mới như ở Việt Nam và nguôi ngoai hơn nỗi nhớ nhà của một người xa quê.