Người duy nhất 4 lần đạt điểm tuyệt đối 9.0 IELTS: Không nên lúc nào cũng “cày” đề IELTS
Người duy nhất 4 lần đạt điểm tuyệt đối 9.0 IELTS: Không nên lúc nào cũng “cày” đề IELTS
Thảo Linh
Thứ tư, ngày 02/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, Đặng Trần Tùng - người duy nhất 4 lần đạt điểm tuyệt đối 9.0 IELTS đã chia sẻ với PV Dân Việt nhiều thông tin bổ ích về IELTS cũng như quan điểm xung quanh việc liệu có hay không bất bình đẳng khi xét tuyển đại học bằng IELTS.
Đặng Trần Tùng sinh năm 1993 tại Hà Nội. Trần Tùng đã thi IELTS gần 20 lần, trong đó 4 lần được 9.0, trở thành người Việt Nam đầu tiên được điểm tuyệt đối ở cả hình thức thi trên giấy và trên máy tính. Hành trình ôn luyện của Trần Tùng đã truyền cảm hứng cho hàng trăm học sinh của anh đang trên con đường chinh phục IELTS.
"IELTS không có bí mật nào cả"
Tùng có thể chỉ ra lợi thế của IELTs đối với học sinh, sinh viên, cũng như những người đã đi làm?
- Trên phương diện thực tiễn, IELTS là một chứng chỉ được chấp nhận rộng rãi, cả trong nước lẫn quốc tế. Ví dụ, trước kia du học sinh cần suy nghĩ về địa điểm du học để thi bài thi chuẩn hoá tiếng Anh mà mỗi nước yêu cầu. Ngày nay, chỉ cần thi IELTS là các bạn có thể đi hầu hết tất cả các nước. Ở Việt Nam, điểm IELTS cũng có thể dùng để quy đổi thành điểm thi đại học, và hệ số quy đổi khá dễ để các bạn đạt được điểm cao. Một số trường đại học còn dùng IELTS để tuyển thẳng, nên các bạn học sinh cấp 3 có điểm IELTS từ 6.0 trở lên được lợi khá nhiều.
Ở góc độ chuyên sâu, IELTS là một bài thi phản ánh khá chính xác trình độ tiếng Anh "thật" của thí sinh. Đối với một số bài thi khác, có thể có tồn tại tình trạng "tay không bắt giặc", nghĩa là tiếng Anh không giỏi lắm nhưng có thể dùng mẹo để đạt điểm số cao. Điều này không áp dụng đối với IELTS – một thí sinh điểm cao thực sự có khả năng sử dụng tiếng Anh linh hoạt cho nhiều mục đích. Vì thế, quá trình ôn thi IELTS cũng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng tiếng Anh cần thiết để đáp ứng nhu cầu cao của các nhà tuyển dụng cũng như các tình huống thực tế gặp phải trong cuộc sống.
Là một người đã "kinh qua" rất nhiều kỳ thi IELTS, Tùng có nhận xét gì về vệc học IELTS hiện nay? Liệu đó có phải nó đang phổ cập và xuyên không gian, thu hẹp khoảng cách thành thị giữa nông thôn, vùng sâu và khoảng cách giữa Việt Nam với thế giới?
- Đúng như vậy. Là người từng đi thi tương đối nhiều lần và cũng ở trong "làng" IELTS một thời gian khá lâu, tôi có thể thấy cộng đồng dạy và học IELTS ở Việt Nam rất sôi nổi. Về mặt thị trường, đây là cơ hội tốt cho cả người dạy và người học – học sinh có thể dễ dàng kết nối với các thầy cô chất lượng, những người có nhiều động lực để đăng các chia sẻ miễn phí cho cộng đồng.
Tài nguyên học IELTS ở Việt Nam cũng vô cùng dồi dào, được đóng góp bởi đông đảo các thí sinh đi thi. Điều này có nghĩa một người hoàn toàn mới với này có thể tiếp cận được với bài thi IELTS dễ dàng, không tốn quá nhiều chi phí chỉ bằng cách "nằm vùng" ở các nhóm IELTS đông thành viên và các trang chuyên về IELTS uy tín trên mạng xã hội.
Hiện nay đang có 2 luồng ý kiến về việc trường đại học coi IELTS như một tiêu chí để tuyển sinh. Một luồng ý kiến ủng hộ vì cho rằng tiếng Anh vốn là ngôn ngữ rất cần thiết đối với các tân sinh viên và luyện thi IELTS không phải ai cũng làm được, một luồng ý kiến cho rằng như vậy là không công bằng đối với những người không có điều kiện để luyện IELTS, quan điểm của Tùng về vấn đề này như thế nào?
- Là một người tự học, tôi thấy việc luyện IELTS bây giờ là dành cho mọi người, không kể khu vực địa lý và khả năng tài chính. Với sự phổ cập của tài liệu và thậm chí là bài giảng IELTS, mọi người đều có khả năng chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi này. Một điều cần khẳng định lại là: IELTS không có bí mật nào cả. Không có bí quyết hay kỹ thuật nào có thể khiến một ai đó đạt được điểm số thật cao khi mà trình độ tiếng Anh không tốt. Và việc cải thiện trình độ tiếng Anh thì từ lâu đã là một cuộc chơi công bằng đối với tất cả đa phần mọi người rồi.
"Nếu có bất bình đẳng vì ưu tiên IELTS trong tuyển sinh đại học thì chỉ là bất bình đẳng giữa người có ý chí chinh phục chứng chỉ này và người không có chí" – Tùng thấy câu nói trên có đúng với thực tại của Việt Nam khi chính Tùng cũng là người đã trải qua thời kỳ tuyển sinh đại học và có nhiều kinh nghiệm trong việc luyện thi IELTS?
- Thực ra thang điểm quy đổi từ IELTS sang điểm thi đại học khá dễ chứ không có sự bất bình đẳng nào cả. Các bạn chưa tiếp xúc với bài thi bao giờ mà chỉ nghe các "truyền thuyết" về nó có thể nghĩ những điểm số như 5.5, 6.0 hoặc 6.5 là bất khả thi, nhưng tôi khuyến khích các bạn nên đi thi thử, hoặc làm đề tại nhà. Có thể bạn sẽ bất ngờ khi thấy mình không quá xa các điểm số này, hoặc thậm chí đạt được nó rồi cũng nên.
"Không nên lúc nào cũng dành thời gian để "cày" đề IELTS"
Theo Tùng, chứng chỉ IELTS ở Việt Nam có thực sự thực chất không khi vẫn có nhiều lời "đồn ra đồn vào" rằng chứng chỉ này có thể mua được bằng tiền?
- Theo như tôi biết thì chưa có trường hợp nào mua được chứng chỉ bằng tiền. Tiền ở đây chỉ có đầu tư vào việc học tiếng Anh, ôn thi và … đóng lệ phí cho tới khi nào thi đạt điểm như mình mong muốn thôi.
Không có bài thi nào hoàn hảo, đấy là lý do mà vẫn có những chuyên gia được thuê để cải thiện các bài thi chuẩn hoá. Nhưng theo kinh nghiệm dạy IELTS của tôi, đây là một bài thi đòi hỏi thí sinh phải thành thạo những thứ cần thành thạo – bao gồm cả tiếng Anh lẫn kiến thức xã hội.
Nếu đưa ra lời khuyên cho các bạn đang ôn luyện IELTS, Tùng sẽ khuyên gì? Tùng có thể chia sẻ bí quyết học tiếng Anh của mình?
- Tôi khuyên các bạn nên bắt đầu sớm, tránh học cấp tốc. Đồng thời, không nên lúc nào cũng dành thời gian để "cày" đề IELTS – chúng ta cũng phải dành thời gian tiếp xúc với tiếng Anh thực tế trên các phương tiện truyền thông nữa. Có như vậy, việc ôn thi mới trở nên hiệu quả và ý nghĩa, chứ không phải mình học IELTS chỉ để thi rồi thôi.
Tôi là một người học khá chậm, chỉ là có xuất phát điểm sớm hơn và có cơ hội mắc lỗi sớm hơn thôi, mà thực ra so với các bạn thuộc thế hệ GenZ (nhóm người sinh ra từ năm 1995 đến năm 2012 – PV) hoặc Alpha (nhóm người sinh ra từ năm 2013 đến 2025 – PV) thì tôi cũng còn là xuất phát muộn. Điều quan trọng với tôi là sự bền bỉ, và tôi nhận thấy mình chỉ có thể bền bỉ với việc học tiếng Anh khi nó giải quyết một ước muốn nào đó của bản thân, chứ không chỉ đơn thuần "học tiếng Anh để giỏi tiếng Anh".
Xin cảm ơn Tùng và chúc Tùng một năm mới thành công với những dự định của mình!
Trước những lo ngại có sự bất bình đẳng khi xét tuyển đại học bằng một số chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho biết đa phần các trường sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển. Một số cơ sở giáo dục đại học thuộc tốp đầu - các trường có những chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến học hoàn toàn bằng tiếng Anh - thì việc sử dụng thêm các tiêu chí như chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL trong xét tuyển cũng là điều bình thường, hợp lý, bởi có tính hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, tiêu chí về IELTS, TOEFL không phải là tiêu chí duy nhất, thông thường, các trường còn căn cứ cả kết quả học tập hoặc điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Chưa kể, cũng chỉ một phần chỉ tiêu được xác định tuyển sinh bằng phương thức này.
Theo đại diện Bộ GDĐT, việc tuyển sinh luôn tuân thủ nguyên tắc lấy từ cao xuống thấp theo các ngành nghề lĩnh vực và phương thức tuyển sinh mà các trường áp dụng, và quan trọng tùy thuộc nguyện vọng đăng ký của thí sinh vào các phương thức. Do vậy, nếu thí sinh không trúng tuyển ở phương thức này, vẫn có cơ hội trúng tuyển bằng phương thức khác theo đúng năng lực, trong bối cảnh cạnh tranh với các thí sinh khác có cùng nguyện vọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.