Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ 3 trên thế giới.
Chỉ tính riêng trong trong 10 tháng năm 2021 nhập khẩu rau quả của Trung Quốc đã đạt 15,8 tỷ USD, tăng 37,6% so với năm 2020.
Dù Trung Quốc nhập khẩu lượng trái cây khổng lồ nhưng thực tế tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả từ Việt Nam mới chiếm 6,8% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc trong 10 tháng năm 2021, giảm 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc từ Việt Nam giảm, nhưng đây vẫn là thị trường rất tiềm năng đối với hàng rau quả của Việt Nam.
Đáng chú ý, nhiều thị trường cung cấp hàng rau quả như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Mỹ,… đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì vậy hàng rau quả của Việt Nam ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt.
"Bên cạnh đó nhiều sản phẩm rau quả của Trung Quốc cũng tương tự của Việt Nam, vì vậy Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách để bảo hộ sản phẩm trong nước" - Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Hiện, phía Trung Quốc đã đề nghị Việt Nam giảm xuất tiểu ngạch, thay thế bằng hoạt động chính ngạch và đáp ứng đầy đủ giấy tờ về kiểm dịch.
Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản và nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu được thực thi.
"Những yêu cầu từ phía Trung Quốc đang dần tiệm cận với những nước phát triển. Vì thế, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhập khẩu của Trung Quốc để tránh bị gián đoạn hoạt động xuất khẩu" - Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.
Dù Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng của các loại trái cây Việt Nam nhờ ưu thế về khoảng cách địa lý, tuy nhiên, để đa dạng hóa thị trường, nhiều doanh nghiệp cũng đang nỗ lực đưa sản phẩm tiếp cận các thị trường khác như Mỹ, Úc, Nhật,...
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trong 10 tháng năm 2021, trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Mỹ đạt 40,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu, Mỹ là thị trường rất tiềm năng đối với hàng rau quả của Việt Nam, bởi đây là thị trường tiêu dùng có thu nhập bình quân cao, xu hướng ẩm thực ngày càng chú trọng tới các chủng loại rau quả.
Hệ thống phân phối tại Mỹ đa dạng, nhiều kênh, hiện đại, mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ. Tính đa dạng và cởi mở trong văn hóa Mỹ luôn khiến người tiêu dùng muốn trải nghiệm sản phẩm mới, mở ra cơ hội cho các loại rau quả đặc sản từ vùng nhiệt đới của Việt Nam.
Tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của Mỹ từ Việt Nam vẫn ở mức thấp là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường này trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cũng nêu một thực tế, hoạt động xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Mỹ phải đối mặt với nhiều khó khăn, như phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được trồng tại Mexico và các nước Nam Mỹ.
Ngoài ra, do khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển, bảo quản cao, nên hàng rau quả của Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được nhiều với thị trường này.
Để gia tăng xuất khẩu hàng rau quả vào thị trường Mỹ, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến nghị, các doanh nghiệp trong nước nên phối hợp với nhà nhập khẩu, phân phối tại Mỹ nghiên cứu phương thức thanh toán linh hoạt, hỗ trợ chia sẻ rủi ro, nhất là giai đoạn đầu tiếp cận thị trường.
Bên cạnh đó, xem xét việc liên kết, đầu tư kho lạnh để lập trung tâm phân phối hàng Việt Nam tại một cảng nhập lớn ở Bờ Tây, sau có thể mở thêm tại Bờ Đông hoặc phía Nam, với quy mô đủ lớn, phục vụ nhiều nhóm hàng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong quý IV/2021 đạt 800,2 triệu USD, tính chung năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020.
Việt Nam đang cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng rau quả. Biểu đồ cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu sang các châu lục trong năm 2021 cho thấy sự chuyển dịch rõ nét.
Trong khi tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang châu Âu và châu Mỹ tăng, thì tỷ trọng xuất khẩu sang châu Á giảm.
Trong năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường châu Âu và châu Mỹ đều có tốc độ tăng trưởng cao, trong đó xuất khẩu tới châu Âu đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2020; tới châu Mỹ đạt 271 triệu USD, tăng 29,1% so với năm 2020.
Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu chủng loại hàng rau quả chế biến trong năm 2021 chiếm 25,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, tăng 1,5 điểm phần trăm so với năm 2020.