Một sự thật khá thú vị về hoàng hậu Long Dụ chính là việc bà là cháu gái ruột của Từ Hi thái hậu, một xuất thân đặc biệt tôn quý. Tuy nhiên, ngoại hình của bà lại được cho là không quá long lanh với gương mặt tiều tụy, chiếc lưng gù và khuôn miệng hô. Hình tượng khác xa so với tưởng tượng của nhiều người. Nếu như không xuất thân danh gia vọng tộc, hoàng hậu Long Dụ sao có thể ngồi lên vị trí mẫu nghi thiên hạ?
Cuộc hôn nhân giữa hoàng đế Quang Tự và hoàng hậu Long Dụ vốn nổi tiếng là do Từ Hi thái hậu một tay sắp đặt. Vua Quang Tự dù không muốn nhưng cũng không dám làm trái. Những câu chuyện xoay quanh cuộc sống hôn nhân giữa hai người cũng làm dấy lên bao sự tò mò của hậu thế như: Giai thoại vua Quang Tự khóc trong đêm tân hôn, hoàng hậu Long Dụ ghen ghét, đố kị với sủng phi của hoàng đế là Trân phi,… Bên cạnh đó còn có một câu chuyện khá khó hiểu trong lễ thành hôn của Quang Tự và hoàng hậu Long Dụ, đó là: Kiệu hoa chở tân nương bị khóa kín!
Có thể bạn đã biết rằng phía trước cửa chiếc kiệu hoa chở tân nương trên đường đến nhà chồng là 1 tấm rèm; trong khi đó, kiệu của hoàng hậu Long Dụ lại có cửa và bị khóa chặt. Vậy, chuyện này là như thế nào?
Theo ghi chép của cuốn sử liệu mang tên "Doanh thai khấp huyết khí", chi tiết kì lạ này thuộc về những quy tắc của nhà Thanh. Tác giả quyển sách có ghi, sau khi hoàng hậu Long Dụ vừa ngồi lên kiệu, các thái giám đã lập tức khóa cửa kiệu bằng 1 chiếc khóa vàng và bố trí người tức tốc quay về hoàng cung, giao lại chiếc chìa khóa cho hoàng đế Quang Tự. Tác giả quyển sách cũng lập luận và đưa ra 3 nguyên nhân về việc kiệu hoa của hoàng hậu bị khóa lại.
Thứ nhất, đây là cách để triều đình đề phòng việc hoàng hậu bị đánh tráo thân phận trên đường đưa dâu.
Thứ hai, phòng tránh những sự cố bất trắc có thể xảy ra, vì dù sao người ngồi trên kiệu cũng mang thân phận cao quý, dễ gây chú ý với những thành phần loạn tặc.
Thứ ba, theo tác giả, đây cũng có thể là cách thị uy của hoàng đế Quang Tự. Việc ông nắm giữ chìa khóa mở kiệu là biểu hiện của hàm ý: Thiên hạ chỉ duy nhất có mình hoàng đế mới có quyền và có thể "trả tự do" cho hoàng hậu. Bên cạnh đó còn hàng loạt những quy tắc phức tạp trong hôn lễ khác, cốt cũng để cho hoàng hậu ý thức được rằng việc trở thành mẫu nghi thiên hạ không hề dễ dàng.
Mặc dù phải trải qua biết bao quy tắc trong hôn lễ để trở thành hoàng hậu chính thức của vua Quang Tự, nhưng cuộc sống sau hôn nhân của hoàng hậu Long Dụ lại không được như ý, có thể nói là không hạnh phúc. Tuy Từ Hi có thể ép buộc vua Quang Tự làm theo ý bản thân nhưng không thể điều khiển được cảm xúc và tình cảm của ông.
Vua Quang Tự và hoàng hậu Long Dụ vốn là 2 chị em họ. Từ nhỏ họ đã chơi đùa với nhau, với chị họ mình, vua Quang Tự không thể nảy sinh tình cảm nam nữ. Hơn nữa, ngoại hình của hoàng hậu Long Dụ lại không được sắc nước hương trời, con người lại trầm tính, vốn không phải tuýp phụ nữ yêu thích của hoàng đế Quang Tự.
Ngoài ra còn có một lý do có thể nói là quan trọng nhất khiến vị vua thứ 11 của nhà Thanh không thể thật lòng chấp nhận việc người chị họ với thân phận là thê tử của mình, đó là việc hoàng hậu Long Dụ là người của Từ Hi thái hậu, được bà sắp xếp cạnh vua Quang Tự đề dễ bề khống chế ông.
Điều này đã làm cho vua Quang Tự không hài lòng. Do đó, người phụ nữ với thân phận hoàng hậu vốn đã không được hoàng đế yêu thích này lại càng trở lên "đáng ghét" trong mắt vua với một thân phận khác – nội gián của Từ Hi. Cách hoàng đế Quang Tự lạnh nhạt với hoàng hậu Long Dụ cũng là biểu hiện cho phản kháng của ông đối với Từ Hi thái hậu.
Hoàng hậu Long Dụ dù có thân phận tôn quý nhưng có một thứ mà cả đời bà cũng không thể có được, đó chính là tình yêu thương của phu quân. Nghịch cảnh này của bà cũng do một tay Từ Hi tạo ra. Có thể nói, vị thái hậu đầy tai tiếng của Thanh triều này đã hủy hoại cuộc đời của biết bao người chỉ để thỏa mãn nhu cầu quyền lực của bản thân.