Vì sao trong lễ tang hoàng đế Quang Tự, không ai chịu cúi lạy?

Thứ hai, ngày 25/10/2021 10:31 AM (GMT+7)
Dân chúng không chịu quỳ lạy khi đoàn đưa tang của hoàng đế đi qua là một tiền lệ chưa từng có trong lịch sử phong kiến của Trung Quốc. Vậy, nguyên nhân sau câu chuyện này là gì?
Bình luận 0

34 NĂM TRỊ VÌ NHƯNG CHƯA MỘT LẦN ĐƯỢC TỰ QUYẾT

Quang Tự là vị hoàng đế thứ 11 của nhà Thanh, thời gian tại vị của ông lên đến 34 năm, do đó có thể xem ông là một trong những vị hoàng đế có thời gian tại vị khá dài trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.

Dù Quang Tự là hoàng đế đứng đầu một nước nhưng trong suốt 34 năm trị vì, cuộc sống của ông vô cùng bi thảm. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã bị Từ Hi thái hậu bắt quỳ nhiều canh giờ, quát tháo, thậm chí là đánh đập. Có tin đồn rằng thái giám Lý Liên Anh cậy được Từ Hi sủng ái cũng ăn hiếp ông. Sau này, khi trưởng thành, ông sớm đã có ý chí chấn hưng lại nhà Thanh nhưng luôn gặp phải sự ràng buộc, ngăn cấm từ Từ Hi thái hậu.

Chính biến Mậu Tuất xảy ra vào năm 1898, vua Quang Tự đã bị giam lỏng tại Doanh Đài (nơi nghỉ dưỡng, tránh nóng vào mùa hè của hoàng gia nhà Thanh). Tại đây, ông đã phải trải qua những năm tháng còn lại của cuộc đời trong sự hiu quạnh, cô đơn.

Vô số người tới dự lễ tang hoàng đế Quang Tự nhưng không một ai chịu cúi đầu quỳ lạy, tại sao vậy? - Ảnh 1.

Hình ảnh phục chế từ tranh vẽ của vua Quang Tự. (Ảnh: Sohu)

Ngày 14/11/1908, đang trong độ tuổi sung sức nhất của đời người, vua Quang Tự đã đột ngột qua đời tại Hàm Nguyên Điện ở Doanh Đài. Như vậy, tính đến giây phút lìa đời, ông tổng cộng đã bị giam lỏng hơn 10 năm. Trong giây phút chuẩn bị rời khỏi trần thế, không có một ai ở bên cạnh ông, thậm chí cho đến khi ông chút hơi thở cuối cùng, cũng không ai để ý đến.

Bởi vì thời điểm đó, tất cả tùy tùng, thuộc hạ đều đang túc trực ở Nghi Loan Điện (tẩm cung của Từ Hi thái hậu) vì Từ Hi - nhân vật nắm quyền lực thực sự của triều đình nhà Thanh khi đó cũng sắp không qua khỏi.

Khi còn tại vị, vua Quang Tự là một vị hoàng đế "bù nhìn", không có thực quyền, do đó đến mộ phần của chính mình ông cũng không được quyền quyết định xây dựng và trang hoàng thế nào. Do đó, sau khi Quang Tự qua đời, việc chôn cất ông ở đâu là một vấn đề nan giải. Các đại thần trong triều đã phải hội họp lại để bàn về vấn đề này.

Cuối cùng, họ đã đưa ra quyết định như sau: Trước tiên, sẽ đặt linh cữu của vua Quang Tự tại hành cung Lương Các Trang (một tòa cung điện của hoàng gia nhà Thanh ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), sau khi xây dựng xong lăng mộ chính thức của Quang Tự sẽ tiến hành an táng.

Tuy rằng khi đó triều đình nhà Thanh đã rơi vào cảnh suy yếu, nhưng vẫn cố gắng xoay sở, sắp xếp một lượng lớn ngân lượng để lo liệu hậu sự cho vua Quang Tự, hành động này dường như để giữ thể diện cuối cùng cho hoàng gia.

TANG LỄ LONG TRỌNG CHỈ VÌ GIỮ THỂ DIỆN CHO HOÀNG GIA

Lễ đưa tang của vua Quang Tự được tổ chức vô cùng long trọng, chỉ tính riêng đoàn người đi đưa tang hoàng đế đã lên đến con số mười nghìn. Trong số đó, gần tám nghìn người được giao nhiệm vụ khiêng linh cữu vua.

Vô số người tới dự lễ tang hoàng đế Quang Tự nhưng không một ai chịu cúi đầu quỳ lạy, tại sao vậy? - Ảnh 2.

Đám tang của hoàng đế Quang Tự được tổ chức rất long trọng để giữ thể diện cho hoàng gia. (Ảnh: Sohu)

Tám nghìn người này lại được chia thành 60 nhóm, mỗi nhóm gồm 128 người, ngoài ra còn có thêm 240 người làm nhiệm vụ "dự bị", đến làm thay những người bị đuối sức trong quá trình đưa tang hoàng đế. Và cuối cùng là đoàn xe đưa tang gồm 1,400 chiếc. Lễ tang long trọng này của vua Quang Tự đã hao tốn hơn bốn trăm nghìn lượng bạc.

Vì linh cữu của vua quá đỗi to và cồng kềnh, nên để tránh việc linh cữu vua bị rung lắc, mất thăng bằng trong quá trình đưa tang, những người làm nhiệm vụ khiêng quan đã phải dày công tập luyện 10 ngày tại một quảng trường lớn ở ngoài Đức Tinh Môn. Mỗi nhóm gồm 128 người cùng tập luyện làm sao cho nhịp chân khi đi được đồng đều nhất có thể.

Với bộ máy chính quyền đang lụi bại dần như nhà Thanh khi ấy, tang lễ dù tiêu tốn rất nhiều ngân lượng nhưng nó có thể giúp họ lấy được chút hào quang từ sự phồn vinh cực thịnh trước đó trong phút chốc.

Ngày 12/3/1909, linh cữu của vua Quang Tự chính thức được chuyển từ Quan Đức Điện ở Công viên Cảnh Sơn (Bắc Kinh) đến hành cung Lương Các Trang ở khu vực Tây Lăng (thuộc tỉnh Hồ Bắc).

Điểm xuất phát và điểm đến trên con đường chuyển quan tài của vua Quang Tự có khoảng cách tương đương 240 km. Nếu như có thể vận chuyển bằng đường sắt sẽ không mất quá nhiều thời gian, nhưng theo quy tắc của tổ tiên nhà Thanh, bắt buộc phải đi đường bộ khi đưa tang hoàng đế. Do đó, những người phụ trách đưa tang vua Quang Tự chỉ có thể tuân theo quy tắc truyền thống này để đưa linh cữu vua đến hành cung Lương Các Trang.

Vô số người tới dự lễ tang hoàng đế Quang Tự nhưng không một ai chịu cúi đầu quỳ lạy, tại sao vậy? - Ảnh 3.

Một nhóm người trong đoàn đưa tang vua Quang Tự. (Ảnh: Sohu)

Trong ngày đưa tang, đi đầu đoàn là hàng ngựa do đội Lục Doanh của Thái Ninh trấn cưỡi (Lục Doanh: các lực lượng vũ trang thời xưa lấy cờ xanh làm hiệu ở các địa phương dưới thời Thanh, Trung Quốc), hai bên dọc đường là Đại Nội thị vệ (lực lượng bảo vệ Tử Cấm Thành) và Quân Cảnh (tương đương với cảnh sát ngày nay) đứng canh gác, cuối cùng là đội phụ trách mang nghi trượng (những vật dụng cần thiết khi đưa tang hoàng đế) nối đuôi nhau kéo dài hơn 5 km.

LỄ TANG HOÀNG ĐẾ NHƯNG KHÔNG AI CHỊU QUỲ LẠY

Đoàn đưa tang còn chưa ra khỏi kinh thành, các quan viên tứ phẩm của triều đình và rất nhiều người dân, thương nhân, học sinh… đã tụ tập tại con đường mà đoàn đưa tang sẽ đi qua. Điều kì lạ là, khi đoàn đưa tang đi đến, người dân đứng xung quanh rất đông, nhưng không có một ai chịu quỳ lạy trước linh cữu của hoàng đế.

Đưa tang hoàng đế vốn là chuyện đại sự của quốc gia, theo quy định của nhà nước phong kiến, linh cữu của vua đi đến đâu người dân hai bên đường phải quỳ lạy đến đó. Thế nhưng, triều đình nhà Thanh khi ấy đã suy yếu, địa vị hoàng đế trong lòng nhân dân đã không còn như trước, niềm tin căn bản đã sớm mất đi, do đó hành động không quỳ không lạy của người dân khi đoàn đưa tang hoàng đế đi qua là có thể lý giải được.

Vô số người tới dự lễ tang hoàng đế Quang Tự nhưng không một ai chịu cúi đầu quỳ lạy, tại sao vậy? - Ảnh 4.

Dân chúng đứng xem đoàn đưa tang vua Quang Tự đi qua. (Ảnh: Sohu)

Chứng kiến cảnh vô số người dân đứng xem đoàn đưa tang vua Quang Tự đi qua nhưng lại không có ai chịu quỳ lạy, đội cưỡi ngựa của Lục Doanh và Đại Nội thị vệ vốn có trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự trong đoàn cũng chỉ đành coi như không nhìn thấy, họ không trách cứ cũng không hỏi tội người dân. Bởi, chính bản thân họ cũng biết địa vị của triều đình trong lòng người dân đã không như trước đây nữa.

Sau khi đến hành cung Lương Các Trang, linh cữu của vua Quang Tự được đặt ở chính điện, và một lần nữa, linh hồn của ông lại phải cô đơn, lẻ loi ở đây đến 4 năm 8 tháng. Mãi cho đến tháng 11/1913, linh cữu của ông mới được đưa vào lăng mộ chính thức.

PV (Theo Pháp luật và bạn đọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem