Dân Việt

Quảng Nam rải thảm đỏ kêu gọi các tập đoàn đầu tư vào nông nghiệp hiện đại

Trương Hồng 08/02/2022 08:54 GMT+7
Vấn đề đặt ra trong 5 năm tới (2021 - 2025) của Quảng Nam là phấn đấu duy trì và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành hằng năm 3,5% và đạt 16.900 tỷ đồng vào năm 2025; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh gắn bó lâu dài đối với các tập đoàn, công ty lớn.

Ngay những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam đã có buổi chia sẻ về phát triển tam nông của tỉnh Quảng Nam với phóng viên Dân Việt.

Thưa ông, trong bối cảnh vô cùng khó khăn như năm vừa qua, ông đánh giá về sự phát triển tam nông của tỉnh Quảng Nam như thế nào?.

Trong thời gian qua, mặc dù nền kinh tế chung tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thiên tai, dịch bệnh, gần đây nhất do ảnh hưởng tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là sự đồng thuận của bà con nông dân đã vượt qua bao khó khăn, thách thức, tập trung chỉ đạo điều hành và đã đạt được những kết quả khá toàn diện.

 Nhờ vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát triển, góp phần quan trọng vào sự ổn định kinh tế chung của tỉnh, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững.

Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam: Rải thảm đỏ kêu gọi các Tập đoàn đầu tư vào nền nông nghiệp hiện đại   - Ảnh 1.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam đã có buổi chia sẻ về phát triển tam nông của tỉnh Quảng Nam với phóng viên Dân Việt (Ảnh: Trương Hồng)

Nông thôn ở Quảng Nam ngày càng khởi sắc. 

Có thể nói, vai trò nông nghiệp của Quảng Nam đã và đang được khẳng định, 5 năm qua (2015-2020) thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã tập trung lập mới 7 quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch ngành, lĩnh vực có ưu thế như lâm nghiệp, dược liệu, thủy sản, chăn nuôi..., rà soát và gắn quy hoạch nông thôn mới.

Tỉnh đã thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hoá vào sản xuất... và phát triển đúng hướng, thực sự trở thành nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho xây dựng nông thôn mới.

Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam: Rải thảm đỏ kêu gọi các Tập đoàn đầu tư vào nền nông nghiệp hiện đại   - Ảnh 3.

Trong thời gian qua, mặc dù nền kinh tế chung tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thiên tai, dịch bệnh, gần đây nhất do ảnh hưởng tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự nổ lực của ngành nông nghiệp, sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là sự đồng thuận của bà con nông dân Quảng Nam đã vượt qua bao khó khăn (Ảnh: Trương Hồng)

Tốc độ tăng bình quân giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản giai đoạn (2015 - 2020) đạt kế hoạch đề ra (4,0%/năm). 

Trong cơ cấu nội bộ ngành giảm tương đối tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất lâm nghiệp, thủy sản.

Bước đầu duy trì liên kết sản xuất có hiệu quả, với hơn 140 cánh đồng lớn, diện tích 6.000 ha (giống lúa, ngô, đậu xanh, lạc, ớt, dưa hấu...). Chăn nuôi bò tăng 2,75%, gia cầm phát triển mạnh; sản lượng thủy sản tăng 1,15 lần. 

Lâm nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, bình quân là 11,03%/năm; cây dược liệu khu vực miền núi phát triển khá, sau 2 năm tăng hơn 1.400 ha; cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn có chuyển biến tích cực; thủy lợi và hạ tầng phục vụ sản xuất khác đã có bước hoàn thiện đáng kể, tỷ lệ kiên cố đạt 62,66% (theo mục tiêu KH 60%); công tác sắp xếp, ổn định dân cư vùng miền núi đạt kết quả cao, với 5.970 hộ, đạt 99,5% KH đến năm 2020, dự kiến đến cuối năm đạt trên 7.090 hộ.

Xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả với 58% số xã (tăng 8,0% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020), không còn xã dưới 8 tiêu chí.

Để tạo bước phát triển đột phá trong năm 2022 và những năm tới, vậy cụ thể tỉnh Quảng Nam sẽ phải làm những gì, thưa ông?

Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam đã có Kết Luận số 699-KL/TU về thực hiện quy hoạch và định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025.

Đây là nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự thay đổi về nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất theo chủ trương, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; là vấn đề cốt lõi, có tính chiến lược để bức phá, chuyển mạnh nền nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản) sang sản xuất hàng hóa, sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, nâng cao hiệu quả.

Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam: Rải thảm đỏ kêu gọi các Tập đoàn đầu tư vào nền nông nghiệp hiện đại   - Ảnh 4.

Nhiều cánh đồng mẫu của nông dân Quảng Nam ngày càng phát triển (Ảnh: Trương Hồng)

Nông dân Quảng Nam đầu tư máy móc hiện đại vào phát triển nông nghiệp

"Vấn đề đặt ra trong 5 năm tới (giai đoạn 2021 - 2025) là cần phải phấn đấu duy trì và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành (GO) hằng năm 3,5% và đạt 16.900 tỷ đồng vào năm 2025.

Tiếp tục kiên trì, quyết liệt, tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng trên cơ sở cơ cấu lại sản xuất từng ngành và từng lĩnh; tăng sản xuất dưới các hình thức liên kết đạt trên 20% giá trị sản phẩm các loại cây trồng.

Sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt trên 10% (diện tích trên 10.000ha, bao gồm cả cây dược liệu). 

Nâng giá trị trên 1 ha canh tác cây hằng năm đạt trên 120 triệu đồng/ha vào năm 2025. Có ít nhất 20% diện tích (30.000 ha) đất có rừng trồng sản xuất được cấp giấy chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí của quản trị rừng quốc tế.

Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam: Rải thảm đỏ kêu gọi các Tập đoàn đầu tư vào nền nông nghiệp hiện đại   - Ảnh 6.

Nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp (Ảnh: Tường Quân)

Phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới 15 tiêu chí. Có khoảng 40% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. 

Đối với cấp huyện, 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn NTM được công nhận là huyện NTM nâng cao và huyện NTM kiểu mẫu.

Ngoài việc nông dân đầu tư nông nghiệp xanh, sạch ra, vậy tỉnh Quảng Nam rải thảm kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư như thế nào?.

Việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư địa bàn nông thôn có rất nhiều ý nghĩa, đặc biệt đối với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vì vậy Quảng Nam đã đẩy mạnh việc thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp, kinh tế tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản.

Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam: Rải thảm đỏ kêu gọi các Tập đoàn đầu tư vào nền nông nghiệp hiện đại   - Ảnh 7.

Quảng Nam đang rải thảm đỏ kêu gọi các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào nền nông nghiệp hiện đại (Ảnh: Trương Hồng)

Để làm được điều đó, trước mắt cần phải cải thiện môi trường xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tập trung chỉ đạo thí điểm một số khu để tạo quỹ đất "sạch",… hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh gắn bó lâu dài đối với các tập đoàn, công ty lớn đã và đang xúc tiến đầu tư như, Công ty Tập đoàn T&T, Vingroup, Công ty Hào Hưng, Công ty An Việt Phát, Công ty Tập đoàn Tín Thành...

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống kết nối thương mại từ sản xuất, tiêu thụ và chế biến trong chuỗi giá trị thông qua tổ chức thành mối liên kết chính thức và xây dựng quy chế hoạt động các Hiệp hội để đẩy mạnh thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, đồng thời tạo điều kiện gắn kết hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới trong nông nghiệp.

Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam: Rải thảm đỏ kêu gọi các Tập đoàn đầu tư vào nền nông nghiệp hiện đại   - Ảnh 8.

Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam: Rải thảm đỏ kêu gọi các Tập đoàn đầu tư vào nền nông nghiệp hiện đại   - Ảnh 9.

Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trong một lần thăm các mô hình của nông dân (Ảnh: Trương Hồng)

Việc có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong giai đoạn tới là phải sớm bổ sung về nội dung tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn, có sự liên kết, tích hợp vào nội dung quy hoạch kinh tế xã hội tỉnh để giúp cho việc sớm phục hồi và phát triển nền kinh tế chung.

Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam: Rải thảm đỏ kêu gọi các Tập đoàn đầu tư vào nền nông nghiệp hiện đại   - Ảnh 10.

Một doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ nông sản của nông dân (Ảnh: Trương Hồng)

Trong đó mở ra hướng đột phá mới cho ngành nông nghiệp, tạo điều kiện các cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp xúc tiến các dự án lớn vào nông nghiệp nông thôn như: hình thành vùng sản xuất tập trung các loại nông sản; các nhà máy chế biến nông lâm thủy sản, chế biến dược liệu, các nông sản hàng hóa chủ lực.

Phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa xác định theo 3 cấp độ, đó là nhóm sản phẩm thuộc danh mục chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm chủ lực đặc sản, có giá trị cá biệt cấp vùng, miền, địa phương và gắn với chương trình OCOP.

Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam: Rải thảm đỏ kêu gọi các Tập đoàn đầu tư vào nền nông nghiệp hiện đại   - Ảnh 11.

Tại Quảng Nam đã có hàng trăm sản phẩm OCOP do nông dân sản xuất ra (Ảnh: Trương Hồng)

Để làm được điều đó, hiện Quảng Nam đang tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách tạo động lực mạnh mẽ, sớm hiện thực hóa chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân có đất nhưng không có khả năng sản xuất cho thuê, để các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất tập trung, mở rộng quy mô phát triển nhanh hướng tới một nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.

 Ngoài ra, triển khai thực hiện khu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình, Điện Bàn và xúc tiến mỗi huyện xây dựng ít nhất một khu nông nghiệp công nghệ cao.

Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam: Rải thảm đỏ kêu gọi các Tập đoàn đầu tư vào nền nông nghiệp hiện đại   - Ảnh 12.

Cây dược liệu cũng được Quảng Nam chú trọng đầu tư phát triển (Ảnh: Trương Hồng)

Bên cạnh đó Quảng Nam sẽ hình thành vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất cây thực phẩm khoảng 18.000 ha ở Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, đồng thời ứng dụng công nghệ cao, tưới nước tiết kiệm trong sản xuất trên 5.000 ha, tại các khu vực đô thị Tam Kỳ, Hội An, Núi Thành và một số nơi ở vùng Đông Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Phú Ninh.

Thực hiện liên kết sản xuất với các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ nông lâm thủy sản như, Công ty Thadi và Công ty Nam Hội An, Công ty An Việt Phát và các doanh nghiệp khác. 

Ngoài ra, còn xây dựng các vùng rừng trồng nguyên liệu gỗ với quy mô diện tích khoảng 150.000 ha phục vụ cho công nghiệp chế biến. 

Xúc tiến tổ chức tìm hiểu và khai thác thị trường tín chỉ cacbon để mua bán và chuyển nhượng từ 0,8 - 1 triệu tấn CO2, với giá trị từ 4 - 5 triệu Đô la Mỹ...