Những ngày cuối năm, chúng tôi đến làng Sung Le Tung, xã Ia KLa, huyện biên giới Đức Cơ. Anh Ksor Hă, dân tộc Jrai cho biết: Năm 2014, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Hai vợ chồng chỉ đi trông vườn thuê cho một doanh nghiệp ở xã nên rất khó khăn, trong khi anh chị phải nuôi bốn người con ăn học. Hiểu được hoàn cảnh của gia đình, Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TKVV) làng Sung Le Tung đã giới thiệu, giúp đỡ, hỗ trợ anh tiếp cận với nguồn vốn Ngân hàng CSXH.
Từ khoản vay năm 2014 với số tiền 30 triệu đồng, anh mua 4 con bò. Đến năm 2017, đàn bò phát triển thành 7 con, anh đã bán bớt để trả nợ ngân hàng rồi tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để trồng thêm 3ha cao su, 3ha điều và 0,4ha cà phê. Hiện nay, các diện tích cây trồng này đều đã cho thu hoạch; trừ chi phí, anh thu về khoảng 100 triệu đồng/năm.
Nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh Gia Lai được đầu tư đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, vốn vay, giúp 3.889 lượt hộ nghèo, 7.926 lượt hộ cận nghèo, 8.612 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn, giải quyết việc làm cho 7.536 lao động…
Còn anh Rơ Ô Súy (ở làng Đoàn Kết, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) có hoàn cảnh rất khó khăn và cũng được vay 50 triệu đồng nguồn vốn Ngân hàng CSXH từ năm 2016 để mua 3 con bò. Đến nay, đàn bò đã phát triển thành 7 con. Gia đình bắt đầu bán bò để tiếp tục đầu tư cho 2ha sắn, 2 sào lúa rẫy. Trừ hết chi phí, anh thu về trên 40 triệu đồng/năm. Từ một hộ nghèo, nhờ nguồn vốn ưu đãi, gia đình đã thoát nghèo vào năm 2016.
Đi dọc tuyến biên giới của huyện Ia Grai, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Ksor H'Ayết ở làng Klăh 2, xã Ia Dêr. Ông Ksor H'Ayết chia sẻ: Với số vốn vay Ngân hàng CSXH, hiện nay, gia đình đã trồng được 800 cây cà phê, 3 sào lúa nước, 1 con lợn nái, 12 con lợn thịt. Tổng thu nhập hằng năm của gia đình hiện nay đã trừ chi phí là trên 100 triệu đồng và mua sắm được nhiều tiện nghi có giá trị.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của gia đình ông Rơ Lan Hòa (ở làng Nhă, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) là một ví dụ điển hình.
Năm 2014, ông được Hội Nông dân xã tín chấp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê cho vay 30 triệu đồng để phát triển sản xuất. Ông Hòa tâm sự: "Sau khi vay được vốn, tôi mua bò về nuôi. Từ 4 con bò giống ban đầu, sau 4 năm, đàn bò của gia đình đã tăng lên 16 con". Hiện tại, ngoài chăn nuôi bò, ông Hòa đã tái canh được 1ha cà phê và chăm sóc 800 trụ hồ tiêu; thu nhập của gia đình ông khoảng 100 triệu đồng/năm.
Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Gia Lai Lê Văn Chí cho biết: Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 50.412 lượt hộ vay vốn chính sách với tổng số tiền 1.800 tỷ đồng. Nguồn vốn được đầu tư đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, vốn vay, giúp 3.889 lượt hộ nghèo, 7.926 lượt hộ cận nghèo, 8.612 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn, giải quyết việc làm cho 7.536 lao động…
Đặc biệt, trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh số cho vay của chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Gia Lai đạt hơn 1.735 tỷ đồng, với 48.415 lượt khách hàng được vay vốn.