TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm và phòng, chống tệ nạn xã hội tại cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP năm 2022.
Cụ thể, đối tượng kiểm tra là các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm theo quy định tại Nghị định số 178/2004, gồm: Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng, nhà trọ, biệt thự kinh doanh du lịch, căn hộ kinh doanh du lịch, căn hộ cho thuê, vũ trường, quán bar, karaoke, massage, xoa bóp, cà phê đèn mờ…
Theo kế hoạch, Đội Kiểm tra liên ngành 178 sẽ kiểm tra việc chấp hành các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh, điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm; đăng ký kinh doanh; giấy phép kinh doanh; giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật, các điều kiện đảm bảo về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy.
Cùng với đó sẽ kiểm tra việc đăng ký sử dụng lao động; ký kết hợp đồng lao động và khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, các bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của người lao động theo quy định của pháp luật; việc cam kết bằng văn bản về phòng, chống tệ nạn mại dâm của chủ cơ sở với chính quyền sở tại; cam kết của người lao động với chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ không tham gia tệ nạn mại dâm.
Ngoài ra, đoàn liên ngành cũng kiểm tra đăng ký tạm trú; giấy đăng ký thực hiện an ninh trật tự với cơ quan chức năng; kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, theo chỉ tiêu, Đội kiểm tra liên ngành 178 thành phố tổ chức kiểm tra 60 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP.Hà Nội. UBND cấp huyện giao Đội kiểm tra liên ngành cấp huyện, cấp xã tổ chức kiểm tra ít nhất 3.383/5.638 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm.
Theo biểu mục "Giao chỉ tiêu kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm trên địa bàn năm 2022" của thành phố Hà Nội, trên địa bàn có 5.638 cơ sở kinh doanh các dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ, karaoke, bar, massage, vũ trường, cà phê đèn mờ...(2.369 khách sạn; 1.149 nhà nghỉ; 1.006 cơ sở kinh doanh karaoke; 470 quán xoa bóp, massage; 4 quán bar; 61 vũ trường, 234 quán cà phê đèn mờ; 328 địa chỉ tẩm quất, bấm huyệt, gội đầu, thư giãn; 13 cơ sở tắm nóng lạnh và 4 resort).
Trong đó, riêng loại hình cà phê đèn mờ, theo thống kê, quận Ba Đình có 71 cơ sở, tiếp theo là quận Hoàng Mai (39), huyện Phúc Thọ (34), quận Hai Bà Trưng, huyện Thanh Trì (21)...
Với loại hình tẩm quất, bấm huyệt, gội đầu, thư giãn, huyện Ba Vì có 89 cơ sở, quận Hà Đông có 54, quận Đống Đa có 45, huyện Thanh Trì có 37, huyện Mỹ Đức có 35...
Mới đây, theo công bố của TP.Hà Nội, trên địa bàn có 7 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm công cộng và cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố, đặt mục tiêu triệt xoá năm 2022.
Trong 7 điểm này có 4 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội và 3 điểm tại địa điểm công cộng.
Cụ thể, huyện Thanh Trì có 3 điểm gồm: Ngã ba Ngọc Hồi – Liên Ninh (xã Ngọc Hồi – Liên Ninh); Đường Kim Giang (đoạn từ Cầu Tó đến đường Nghiêm Xuân Yêm thuộc địa bàn xã Thanh Liệt); Đường 70 cầu Bươu (xã Tân Triều – Tả Thanh Oai – Vĩnh Quỳnh – Tam Hiệp). Các địa bàn này chủ yếu có các hoạt động gội đầu, thư giãn, tẩm quất, massage, được xác định ở mức độ có hoạt động mại dâm, hoạt động phức tạp.
Quận Cầu Giấy có đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hoà), được xác định ở mức độ có hoạt động, chủ yếu liên quan đến hoạt động karaoke, massage, nhà nghỉ, khách sạn.
Trong 3 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm tại địa bàn công cộng, quận Hai Bà Trưng có 2 điểm gồm Phố Yersin – Vườn hoa Pasteur (phường Phạm Đình Hổ), mức độ ít hoạt động; phố Nguyễn Huy Tự - Trần Khánh Dư (phường Bạch Đằng), mức độ hoạt động phức tạp; quận Hoàng Mai có 1 điểm là đường Giải Phóng (khu vực ngã 3 bến xe Giáp Bát đến lối rẽ vào phố Đại Từ, phường Thịnh Liệt), mức độ có hoạt động.
Cũng theo UBND thành phố, có 9 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm đã bàn giao, duy trì không để tái hoạt động trở lại trên địa bàn thành phố Hà Nội, gồm: Khu vực đường 32 (xã Đức Thượng, Đức Giang, huyện Hoài Đức, bàn giao cho địa phương năm 2021).
Đường Nguyễn Xiển (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, bàn giao cho địa phương năm 2021); Quốc lộ 6, khu vực bến xe Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, đã bàn giao cho địa phương năm 2021); Khu vực chùa Tổng – La Dương (phường Dương Nội, quận Hà Đông, đã bàn giao cho địa phương năm 2021).
Ngã ba Ba La, lối rẽ sang đường 21B đến Trường Cao Đẳng Thương mại (phường Phú Lương, Phú Lãm, quận Hà Đông, đã bàn giao cho địa phương năm 2021); đường Hồng Hà (Phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, đã bàn giao cho địa phương năm 2014).
Đường Lê Duẩn, đoạn gần công viên LêNin, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, đã bàn giao cho địa phương năm 2017); Đường ven sông Tô Lịch, đoạn gần cầu Nguyễn Khánh Toàn (phường Cống Vị, Vĩnh Phúc, Ngọc Khánh, quận Ba Đình, đã bàn giao cho địa phương năm 2016); Công viên Hoà Bình (quận Bắc Từ Liêm, đã bàn giao cho địa phương năm 2012).