Trao đổi với PV Dân Việt, chị Đỗ H. (chủ 3 cơ sở trường mầm non tư thục tại Hà Nội) cho biết, đợt dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua khiến nhiều giáo viên mầm non tại cơ sở của chị chuyển nghề sang làm công việc khác. Số người ở lại với chị giờ chỉ tính trên đầu ngón tay.
"Việc thiếu giáo viên là lo lắng chung của nhiều cơ sở mầm non tư thục bởi khi dịch bệnh các cô phải chờ đợi nhiều tháng trời. Nhiều cô chia sẻ không thể nào trụ được với nghề này nên quyết định xin nghỉ tìm công việc khác lo cho bản thân, gia đình.
Sắp tới đây thành phố quyết định cho học sinh mầm non quay trở lại trường cũng là vấn đề với trường khi thiếu giáo viên trầm trọng. Nhiều cô không tha thiết với nghề bởi lương thấp, công việc vất vả trong khi nghỉ kéo dài", chị H. chia sẻ.
3 cơ sở mầm non của chị H. có khoảng 30 cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại chị H. chỉ đếm được trên đầu ngón tay những người lâu năm quyết định gắn bó với mình. Số còn lại tìm công việc khác.
"Có người bảo tìm công việc khác vừa có thời gian, vừa có tiền. Một số cô về quê. Mỗi người có hướng đi khác nhau. Tôi đang tính ít ngày nữa nghe ngóng tình hình nếu thành phố có quyết định mở cửa trường mầm non trở lại sẽ đăng tuyển giáo viên ngay.
Tuy nhiên, thời điểm sắp tới tuyển dụng giáo viên là cả một vấn đề bởi nguy cơ thiếu nguồn nhân lực này trầm trọng. Chắc chắn khi ấy giáo viên dạy tốt sẽ đòi hỏi mức lương cao hơn, quyền lợi nhiều hơn. Tìm giáo viên mầm non khó, để cô có tâm huyết với nghề, yêu trẻ lại là điều khó hơn. Vấn đề này cũng khiến không ít cơ sở giáo dục mầm non như tôi đau đầu suy nghĩ", chị H. bày tỏ.
Theo chị H., hai cơ sở chị đang phải thuê mặt bằng. Tính trong năm qua chị đã phải trả chi phí hơn 1 tỷ đồng. Khi trường quay trở lại hoạt động chắc chắn những chủ cơ sở như chị phải làm lại từ đầu, cố gắng vượt qua khó khăn đầy rẫy phía trước.
"Với chúng tôi, điều mong muốn nhất của mình đó là các cấp các ngành cần quan tâm tới ngành giáo dục mầm non. Thời gian qua dịch kéo dài, các chủ trường thiệt hại rất nhiều.
Ngành giáo dục mầm non có đặc thù khi dịch bệnh sẽ là nơi đầu tiên phải đóng cửa để phòng chống dịch và mở cửa sau cùng so với các hoạt động khác. Chính phủ, các bộ, ngành, thành phố… nên xem xét phương án hỗ trợ khó khăn đối với giáo viên, cơ sở mầm non tư thục để giảm tải gánh nặng, các trường quay trở lại làm tốt hơn. Giáo dục mầm non rất quan trọng, là tiền đề trong giáo dục", chị H. bày tỏ.
Chị H. mong muốn trường mầm non sớm được mở trở lại. Theo chị H., thời gian qua nhiều người không phải là chủ cơ sở mầm non hay trong ngành tự ý mở lớp ở nhà.
"Có người nhận rất đông gần 20 cháu một phòng ở chung cư hoặc ở nhà. Khi trường bắt họ viết cam kết không được nhận trẻ họ sẵn sàng không làm ở trường nữa, hủy hợp đồng làm giáo viên để họ trông tự phát tại nhà.
Nếu trẻ được đi học, cơ sở mầm non sẽ phòng dịch bài bản, hạn chế rất nhiều việc lây nhiễm khi mỗi lớp chỉ khoảng từ 10-15 trẻ. Chính vì vậy mong Chính phủ, thành phố cho cơ sở mầm non sớm hoạt động lại. Chúng tôi cố gắng hết sức, đến giai đoạn này đã nản rồi. Như cơ sở của tôi chỉ cố được hết tháng 3 này, không cố được nữa", chị H. nói.
Trao đổi với PV Dân Việt, chị Nguyễn Thị Nghĩa, chủ cơ sở mầm non thuộc hệ thống mầm non K.H. (Hà Nội) chia sẻ, thời gian qua khó khăn nhưng chị cố gắng tìm kiếm công việc cho một một số giáo viên trong trường để giữ chân mọi người.
"Thực sự dịch bệnh rất khó khăn, may chồng tôi có công ty sản xuất khẩu trang nên tôi đã tận dụng cơ sở mầm non cùng các cô buôn bán kiếm thêm thu nhập", chị Nghĩa nói.
Với nhiều trường mầm non, khi giáo viên nghỉ để tìm công việc khác, chị H. (chủ 2 cơ sở mầm non tại KĐT Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, luôn quan tâm đến nhân viên của mình. Chị H. kể, giáo viên làm việc khác, khi nào trường được mở chị lại "nịnh" họ quay về bởi có nhiều người đã làm lâu năm tại đây.
"Các chủ trường khổ lắm, giáo viên tìm việc dễ hơn, linh động hơn còn chủ trường không thể vứt trường chạy đi đâu được. Nhiều trường đầu tư khoảng 1,5 – 2 tỷ đồng nhưng không ít nơi chấp nhận phá sản bởi họ không được giảm chi phí thuê nhà…
Như tôi trong đợt dịch Covid-19 qua đã phải bỏ ra gần 3 tỷ đồng để giữ trường, mỗi tháng bỏ 100 triệu trả thuê nhà, hỗ trợ cho các cô, nhưng không phải ai cũng cố để chi ra số tiền lớn như vậy. Nhiều bạn chủ trường to bị stress, suy nhược thần kinh…", chị H. nói.
Chị H. mong muốn nhất hiện tại đó là dịch bệnh dần qua đi, chỉ như cúm thông thường và chị không muốn mở trường lúc dịch bệnh vẫn còn. An toàn của học sinh phải được đặt lên hàng đầu.
"Trong trường mầm non khá an toàn bởi người lạ không bao giờ được qua cổng trường, phụ huynh cũng vậy, đưa con đến trường sẽ có cô đón ngay tại cổng sát khuẩn, đo thân nhiệt… Bên cạnh đó, các cô đều được tiêm 3 mũi vaccine, trong trường đã khử khuẩn. Tôi tin không dịch bệnh nào mãi mãi, dịch sẽ suy yếu để các con được trở lại trường", chị H. chia sẻ.
Theo nữ chủ trường mầm non, tính đến hiện tại chị cũng đã cố hết sức. Nếu tháng 6 năm nay trường không được mở lại, chắc chị phải giải thể 1 cơ sở.
"Chủ trường suy nhược thần kinh, cố làm sao đội ngũ giáo viên quay lại với mình, khi mở lại học sinh đi học thế nào, không đơn giản. Phải thu hút được học sinh, số lượng tương đối bởi trường thuê rồi chi phí giáo viên hơn 100 triệu đồng mỗi tháng mà có ít học sinh đi học cũng khổ", chị H. nói.
Thời gian qua, do nghỉ dịch quá lâu, nhiều cơ sở mầm non của chị H. bị hỏng 2 tivi, hệ thống camera, đồ điện tử… Sắp tới chị phải trả chi phí sơn, sửa lại cơ sở vật chất.
Cũng như chị H, chị Nghĩa cho hay, sắp tới khi trường mầm non được phép hoạt động trở lại thì chủ các cơ sở cũng phải chi khoản phí không nhỏ để tu sửa, sơn mới lại trường lớp.
"Thời gian nghỉ kéo dài nhiều đồ gỗ, điện tử như hệ thống camera, máy tính, tivi, máy chiếu… hỏng hóc. Mặc dù trước đó chúng tôi sắp xếp đồ đạc gọn gàng và thi thoảng kiểm tra định kỳ nhưng để quá lâu, chúng cũng bị ảnh hưởng", chị Nghĩa nói.
Còn nữa!