Như Dân Việt đã thông tin, vào khoảng 1h ngày 9/2, xe ô tô tải chở sắn mang BKS 81C – 11125 do tài xế Huỳnh Đức Nguyên (SN 1983, trú tại 117/23 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Chi Lăng, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) điều khiển theo hướng từ xã Hà Đông ra xã Đăk Sơ Mei rồi tự lao xuống vực bên phải theo hướng lưu thông.
Clip vụ xe tải lao xuống vực làm 6 người chết, 3 người bị thương ở Gia Lai. Clip: Trần Hiền.
Hậu quả, vụ tai nạn khiến 6 người chết tại chỗ và 3 người bị thương được đưa đi cấp cứu. Được biết lúc xảy ra tai nạn, 9 nạn nhân nói trên đều ngồi trên ca bin xe tải.
Các nạn nhân trong vụ tai nạn đều là lao động bốc vác thuê, hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong vụ việc này, bước đầu cơ quan chức năng xác định chiếc xe ô tô bị tai nạn vẫn trong thời hạn đăng kiểm, người lái xe có bằng lái theo quy định và xe di chuyển với tốc độ trong phạm vi cho phép.
Đến nay cơ quan điều tra đang xác minh làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn là do yếu tố khách quan hay chủ quan. Trường hợp có căn cứ cho thấy có lỗi của người lái xe như thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ sẽ xử lý hình sự, trừ trường hợp người lái xe gây tai nạn giao thông đã tử vong.
Theo ông Cường, trường hợp kết quả xác minh cho thấy trong số ba người bị thương còn sống có người lái xe và người này đã có lỗi khiến vụ tai nạn xảy ra, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ hình sự năm 2015.
Như vậy, trường hợp kết quả xác minh cho thấy người lái xe có lỗi dẫn đến vụ tai nạn giao thông và người này còn sống sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3, Điều 260 với mức phạt phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Ngoài ra người vi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với gia đình nạn nhân, trong đó bao gồm tiền chi phí cứu chữa; tiền công người chăm sóc; tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút; tiền bồi thường tổn thất về tinh thần đối với nạn nhân bị thương và người thân của nạn nhân bị thiệt mạng và tiền chi phí mai táng đối với nạn nhân tử vong theo quy định của pháp luật.
Đối với thiệt hại về tài sản của tổ chức, cá nhân, người vi phạm gây tai nạn sẽ phải bồi thường trên cơ sở thiệt hại thực tế xảy ra.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy vụ tai nạn là do nguyên nhân khách quan, không có lỗi của người điều khiển phương tiện như trơn trượt, sự cố kỹ thuật, do điều kiện địa hình, thời tiết sẽ không khởi tố vụ án hình sự.
Trường hợp xác định có dấu hiệu có lỗi của người lái xe thì sẽ khởi tố vụ án hình sự để tiến hành hoạt động điều tra. Nếu trong quá trình điều tra xác định người lái xe có lỗi nhưng người này đã tử vong, cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra vụ án.
Trong trường hợp không khởi tố vụ án vì người lái xe không có lỗi hoặc người này có lỗi nhưng đã tử vong thì vấn đề bồi thường thiệt hại cũng vẫn được đặt ra đối với nhà xe, chủ chiếc xe ô tô này.
Như vậy vậy, nếu không ai có lỗi, chủ xe phải bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân, trừ trường hợp nạn nhân hoàn toàn có lỗi.
Để khắc hậu quả vụ tai nạn giao thông và không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông tương tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh huy động các điều kiện tốt nhất về y tế để cứu chữa những nạn nhân bị thương; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân tử vong và các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông; khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra vụ tai nạn, có biện pháp xử lý nghiêm đối với lực lượng chức năng tại địa phương khi để xảy ra tình trạng xe ô tô tải chở quá số người quy định.
Yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Gia Lai khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân; lưu ý kiểm tra vi phạm về việc chở quá số người quy định đối mới mọi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, vi phạm về nồng độ cồn và chất ma túy trong cơ thể lái xe để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả xử lý trách nhiệm của chủ xe và doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi để xảy ra tình trạng lái xe vi phạm.
Đặc biệt phải có phương án tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm đối với xe chở khách, xe chở hàng hoạt động trong thời gian từ 21h 00 phút ngày hôm trước đến 05h sáng hôm sau để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, không để xảy ra các sự việc tương tự.
Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Sở GTVT tỉnh Gia Lai và các Sở GTVT địa phương kiểm tra toàn diện về việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với doanh nghiệp là chủ sở hữu phương tiện trong vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm; đặc biệt xem xét trách nhiệm của chủ doanh nghiệp (chủ xe) gây tai nạn nêu trên.