Đúng theo kế hoạch của UBND TP.Hà Nội, sáng nay 10/2, học sinh 17 huyện, thị xã ở Hà Nội đã được đi học trở lại. Sau 1 học kỳ học ở nhà, đây là lần đầu tiên các em được đến trường.
Tại Trường Tiểu học Phạm Tu, huyện Thanh Trì, Hà Nội, mặc dù trời mưa lạnh nhưng từ 7h sáng, đã có nhiều học sinh đến trường đi học. Có em ngơ ngác, lạ lẫm vì sau nhiều tháng trường "thay áo mới", có em thì vui mừng khi gặp lại bạn.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Lê Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Tu, huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, sáng nay có khoảng 950 học sinh đến trường đi học trực tiếp. Theo cô Hằng, cả trường có tổng 1.458 học sinh nên trường chia 2 ca học để đảm bảo giãn cách: 19 lớp đi học buổi sáng, 11 lớp học buổi chiều.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, ngay từ cổng trường, nhà trường đã bố trí cán bộ nhân viên, giáo viên đứng phân luồng, xịt khuẩn và đo thân nhiệt. Sau đó các em được hướng dẫn vào luôn lớp học. Học sinh được chia giờ ra chơi và chia giờ ra về.
Trước đó, trường đã chuẩn bị đầy đủ phòng y tế, phòng cách ly, dụng cụ vật tư y tế, khẩu trang, máy đo thân nhiệt, bình oxy, que test... Ngày 9/2, 100% giáo viên được test Covid-19, tất cả âm tính mới được đến trường.
Nhà trường cũng đã gửi sơ đồ lớp, những lưu ý trước khi đến trường cho phụ huynh vì học sinh còn nhỏ có nhiều bỡ ngỡ. Ngày 8/2, nhà trường rà soát tình hình sức khỏe của học sinh và 100% phụ huynh ủng hộ đi học lại. Những em là F0, F1, diện cách ly không thể đến trường đi học được bố trí giáo viên dạy online. Qua khảo sát, các ca F0, F1 rải rác ở các khối từ 10-30 em. Ngoài ra, có 1 giáo viên F0 và 4 giáo viên F1 thì trường bố trí giáo viên khác dạy thay.
Ngày 7/2 trường đã cho tổng vệ sinh các lớp. Phụ huynh rất cẩn thận mang rèm về giặt và cốc luộc lại đảm bảo vệ sinh.
Em Nguyễn Thanh Minh Hà, lớp trưởng lớp 5B, chia sẻ: "Tối qua em chuẩn bị quần áo, đồ dùng học tập và đi ngủ thật sớm. Sáng nay hơn 5h em đã dậy. Em muốn đến trường thật sớm để được gặp các bạn và trò chuyện nhiều hơn".
Minh Hà cho biết khá bất ngờ vì các bạn cao lớn hơn nhiều sau 10 tháng chỉ gặp nhau qua màn hình máy tính. Em cũng bày tỏ tiếc nuối vì đến trường học 1 buổi thay vì cả ngày như trước.
Tuy nhiên, khó khăn nhất là học sinh lớp 1 vì các em là học sinh đầu cấp lạ lẫm chưa bao giờ được đến trường. Cô Nguyễn Thị Hoài Thu, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Trần Phú, huyện Chương Mỹ chia sẻ: "Với lứa tuổi tiểu học, đặc biệt lớp 1, lớp 2 thì công tác phòng chống dịch là nội dung quan trọng nhất được nhà trường quan tâm. Giáo viên chủ nhiệm xác định sẽ rất vất vả trong tuần đầu các em đến lớp bởi vừa phải dỗ dành, hướng dẫn, rèn luyện về cả ý thức, nền nếp học tập, vừa phải củng cố các nội dung kiến thức. Dù vậy, tất cả giáo viên đều rất vui và tin tưởng mọi việc sẽ suôn sẻ, hanh thông và mang lại kết quả tốt đẹp".
Công tác tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ngoại thành Hà Nội đi học được triển khai trên nguyên tắc đảm bảo phòng dịch chặt chẽ. Ngoài chương trình, kế hoạch dạy học, các nhà trường phải có phương án ứng phó trong các tình huống bất ngờ, đặc biệt khi phát hiện F0 trong trường học.
Công điện mới nhất của Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn về việc đi học trực tiếp có nhấn mạnh nhiều nội dung, trong đó yêu cầu các nhà trường phổ biến quy định về học tập và sinh hoạt tại trường cho học sinh đầu cấp; tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho các em; hướng dẫn kiến thức phòng dịch, những việc cần làm; nguyên tắc cần tuân thủ trong phòng dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Bên cạnh đó các trường cần tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học; tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0. Công điện này đã được gửi đến các trường học tại Hà Nội và đều được nghiêm túc thực hiện.