Dân Việt

Hà Nội: Văn Miếu Quốc Tử Giám kiến nghị Thành phố mở cửa trở lại trước rằm tháng giêng

Huy Hoàng 10/02/2022 15:10 GMT+7
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ với Dân Việt, Văn Miếu đã có văn bản kiến nghị lên Sở VHTT và UBND thành phố Hà Nội về việc mở cửa trở lại và hy vọng được đón khách vào ngày rằm tháng giêng.

Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thực hiện theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của UBND Thành phố Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Văn Miếu đã đóng cửa thời gian khá dài và đến thời điểm hiện tại, trong tình hình điều kiện bình thường mới, Văn Miếu đã có văn bản kiến nghị gửi Sở VHTT Hà Nội và UBND thành phố Hà Nội về việc mở cửa trở lại, đây cũng là nguyện vọng của cán bộ, nhân viên khi mà Văn Miếu đang gặp khó khăn suốt hai năm qua khi đại dịch diễn ra. Và cũng là nguyên vọng của người dân, du khách muốn được đến tham quan tại Văn Miếu.

Hà Nội: Văn Miếu Quốc Tử Giám kiến nghị Thành phố mở cửa trở lại trước rằm tháng giêng - Ảnh 1.

Văn Miếu Quốc Tử Giám kiến nghị Thành phố mở cửa trở lại trước rằm tháng giêng. Ảnh: Thanh Hà

"Hơn hai năm đại dịch Covid-19 xảy ra, chúng tôi đã có kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch. Mặc dù Tết Nguyên Đán Nhâm Dần, Văn Miếu không mở cửa nhưng chúng tôi cũng vẫn trang hoàng, bày trí cảnh quan, chuẩn bị nhân lực, con người, khử khuẩn và chuẩn bị lên kế hoạch, phương án để sẵn sàng mở cửa. 

Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch thực hiện, hạn chế du khách vào thăm quan cùng lúc để tránh tập trung quá đông một điểm, để làm sao đảm bảo được an toàn cho cả du khách và nhân viên. Chúng tôi mong muốn mở cửa cho người dân và du khách đến tham quan nhưng cũng vẫn phải đảm bảo được phòng chống dịch 5k và an toàn cho du khách cũng như nhân viên", ông Lê Xuân Kiêu cho biết.

Theo ông Lê Xuân Kiêu, Văn Miếu Quốc Tử Giám đông nhất cũng chỉ trong dịp mấy ngày Tết Nguyên Đán Nhâm Dần, còn đã ra ngoài Tết thì lượng khách về tham quan cũng không còn quá đông.

Hà Nội: Văn Miếu Quốc Tử Giám kiến nghị Thành phố mở cửa trở lại trước rằm tháng giêng - Ảnh 2.

Văn Miếu Quốc Tử Giám

Du lịch Hà Nội tiếp tục phát triển những sản phẩm nhóm du lịch nông nghiệp

Bên cạnh Văn Miếu Quốc Tử Giám kiến nghị và chờ mở cửa thì một số hoạt động du lịch tại Hà Nội vẫn được triển khai như nhóm sản phẩm du lịch di sản: Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, làng cổ ở Đường Lâm...; các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh kết hợp trải nghiệm tại chùa Hương, cụm di tích đền Tản Viên Sơn Thánh, K9, Cổ Loa, đền Sóc...

Tiếp tục phát triển những sản phẩm nhóm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, làng nghề truyền thống (gắn với giáo dục, nông nghiệp) tại các địa phương có tiềm năng và điều kiện thuận lợi khu vực các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Thường Tín, Đan Phượng… nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo như sản phẩm du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu, dù lượn ở Ba Vì, Chương Mỹ gắn với đối tượng khách du lịch trẻ, năng động thích trải nghiêm khám phá; Dịch vụ du lịch đi xe đạp, đi bộ, du lịch thăm bảo tàng tại tại khu vực Hoàn Kiếm, Đông Anh đối với khách du lịch trẻ, khách du lịch theo gia đình, tour du lịch khám phá kiến trúc Pháp ở Hoàn Kiếm, Ba Đình đối với khách du lịch đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, khách du lịch theo đoàn...

Đặc biệt Sở Du lịch Hà Nội lên kế hoạch và triển khai phát triển sản phẩm dành cho người Hà Nội trải nghiệm dịch vụ khách sạn, vui chơi giải trí cao cấp với giá hấp dẫn tại các khách sạn 4-5 sao. Khuyến khích các khách sạn, khu nghỉ dưỡng xây dựng, triển khai các chương trình khuyến mại nghỉ dưỡng, các dịch vụ trải nghiệm, ẩm thực phục vụ thị hiếu nghỉ ngơi ngắn ngày của khách du lịch.

Đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đêm. Phối hợp với các đơn vị lữ hành, các đơn vị điểm đến đặc biệt là các điểm đến di tích, di sản xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác các sản phẩm du lịch truyền thống.

Phối hợp xây dựng các tuyến phố du lịch ẩm thực đặc sắc, tuyến phố đi bộ theo chủ đề, như: Đề án mở rộng các tuyến phố đi bộ hiện có tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; Đề án phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây; Đề án tổ chức khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã; Đề án tổ chức khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; Đề án tổ chức không gian đi bộ hồ Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng...

Đầu tư xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các địa phương có tiềm năng và thế mạnh như: Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thường Tín, Gia Lâm, Đan Phượng…