Dân Việt

Lần đầu tiên tại Việt Nam có chương trình Sức khỏe học đường trên quy mô lớn

Tào Nga 10/02/2022 17:03 GMT+7
Hơn 22 triệu học sinh (tương đương 25% dân số Việt Nam) được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ trong trường học.

Ngày 10/2 tại Hà Nội, Bộ GDĐT tổ chức Lễ công bố chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025. Sự kiện đã diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ GDĐT và Bộ Y tế về công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2022 – 2026 và lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ GDĐT với Bộ VHTT&DL giai đoạn 2022 – 2026.

Phát biểu tại Lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe học sinh, thế hệ tương lai của đất nước bước đầu đã đi vào nề nếp và ngày càng có chất lượng. Thủ tướng chỉ đạo: "Bộ GDĐT thực hiện tốt vai trò đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cá nhân, tổ chức liên quan để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu của chương trình. Đặc biệt chú trọng việc nâng cao năng lực chuyên môn, thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về vấn đề chăm sóc Sức khỏe học đường".

Lần đầu tiên tại Việt Nam có chương trình sức khỏe học đường trên quy mô lớn - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ công bố chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025. Ảnh: MOET

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Đây là cơ hội để Bộ GDĐT cùng toàn ngành Giáo dục đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe về thể chất và tinh thần học sinh, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng dạy và học trong các nhà trường, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo".

41.950 trường học, hơn 22 triệu học sinh hưởng lợi

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp. Mỗi nội dung được giao chỉ tiêu đánh giá cụ thể như: Đến năm 2025, 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định…, 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn; 100% trường học có đủ giáo viên giáo dục thể chất và được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ…

Năm 2021-2025 hướng tới "Trường học an toàn, học sinh khỏe mạnh" - Ảnh 1.

Lễ công bố chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025. Ảnh: Tào Nga

Lễ công bố cũng chính thức kích hoạt chuỗi hoạt động truyền thông sức khỏe học đường, với sự phối hợp các bộ, ban ngành, cơ quan liên quan, các đơn vị báo chí từ trung ương tới địa phương và trên 41.950 trường học trên cả nước. Hơn 22 triệu học sinh (tương đương 25% dân số Việt Nam) được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ trong trường học.

Với thông điệp "Trường học an toàn, học sinh khỏe mạnh", lần đầu tiên tại Việt Nam, một chương trình quy mô, thiết thực và ý nghĩa về Sức khỏe học đường với sự tổng thể, chính thống và toàn diện được thực hiện, cùng với đó là những trách nhiệm và hi vọng lớn lao về những ngôi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh.

Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020). Gánh nặng kép về dinh dưỡng ở tuổi học đường và tiền học đường gồm thiếu và thừa dinh dưỡng là cửa ngõ của nhiều bệnh mãn tính không lây nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ em.

Cả nước vẫn còn gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Đội ngũ cán bộ cấp dưỡng trong trường học chưa được đào tạo bài bản, thực đơn bữa ăn chưa đảm bảo khoa học. Công tác tổ chức bữa ăn bán trú còn nhiều khó khăn đặc biệt các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa, miền núi, do điều kiện kinh tế còn hạn chế...