Công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi vào cuối quý I/2022
Chia sẻ với PV Dân Việt về tiến độ nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay: Đến nay đang có 3 doanh nghiệp cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Thú y cùng triển khai nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi đảm bảo đồng bộ về nhiều mặt như về giống, môi trường...
"Mặc dù dịch bệnh nguy hiểm này xuất hiện trên thế giới cả trăm năm nay đến giờ chưa có vaccine nhưng Bộ đã phối hợp với Bộ KHCN quyết tâm nghiên cứu để có vaccine dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, từ năm 2019 đến nay đi tiên phong là doanh nghiệp NAVETCO đã tiếp nhận chủng virus G-delta I 177L và môi trường đã có kết quả bước đầu hiệu quả.
Hiện, chúng tôi đã triển khai kiểm nghiệm và khảo nghiệm, bước khảo nghiệm bị chậm gần 1 năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đến nay, các cơ quan đang triển khai khảo nghiệm vaccine này tại 2 cơ sở phía Bắc và phía Nam, đến giờ công việc này cũng đã xong và Hội đồng của Cục Thú y cũng đã họp và lãnh đạo Bộ cũng chỉ đạo các cơ quan hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị công bố vắc xin vào cuối quý I và đầu quý II/2022", Thứ trưởng Bộ NNPTNT tiết lộ.
Theo ông Tiến, khi vaccine được công bố sẽ có hiệu quả tiêm rất cao và tạo ra đột phá cho ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam trong thời gian tới.
"Chúng ta có niềm tin vì khi kết quả được công bố với các phương pháp nghiên cứu hiện đại. Các chỉ tiêu được theo dõi tỉ mỉ qua 5 đến 6 lần khẳng định đáp ứng miễn dịch rất cao. Thời gian miễn dịch và các chỉ tiêu chăn nuôi không bị ảnh hưởng", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Đại diện doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi, ông Trần Văn Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty NAVETCO cho biết, sau một thời gian thực hiện và với sự giúp đỡ hiệu quả của các đơn vị chuyên môn thuộc Cục Thú y, Công ty NAVETCO phối hợp với Viện Nghiên cứu PIADC và Công ty NAVETCO, dự án nghiên cứu vắc xin DTLCP đã thu được những kết quả khoa học và thực tiễn quan trọng.
Theo đó, kết quả thu được cho thấy virus dịch tả lợn châu Phi chủng G-delta I 177L an toàn trên lợn khi sử dụng liều cao gấp 104 lần so với liều miễn dịch tối thiểu, cho mức độ bảo hộ 100%.
Khả năng trở lại độc lực của chủng virus vắc xin cũng đã được kiểm tra với kết quả qua 6 lần cấy chuyển liên tục trên lợn không xuất hiện các dấu hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi ở các đời cấy chuyển, đặc biệt ở đời 5. Điều này chứng tỏ tính ổn định của chủng virus G-delta I 177 L.
Vaccine sản xuất từ chủng này cho khả năng bảo hộ tốt thông qua phương pháp đánh giá bằng công cường độc, dùng chủng virus DTLCP cường độc phân lập tại Việt Nam.
Qua đánh giá 6 lô vaccine sản xuất thử nghiệm, tất cả 6 lô đều đạt yêu cầu với 100% lợn tiêm vaccine được bảo hộ và 100% lợn đối chứng chết do virus DTLCP cường độc gây ra.
Kết quả ghi nhận khả năng kích thích sinh miễn dịch tốt của chủng virus vaccine và chứng tỏ có sự tương đồng kháng nguyên bảo hộ giữa chủng virus vaccine và virus DTLCP cường độc lưu hành và gây bệnh DTLCP cho đàn heo nuôi tại nước ta từ năm 2019 đến nay.
"Đây là bước khảo nghiệm cuối cùng để trình Hội đồng Khoa học Quốc gia phê duyệt trước khi đưa vào sản xuất đại trà. Qua khảo nghiệm cho thấy, sau 6 ngày kết quả rất tốt, các con lợn được tiêm vaccine vẫn phát triển khỏe mạnh, trong khi đó những con lợn đối chứng không được tiêm vaccine đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng nhiễm bệnh và chết. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để bắt tay ngay vào sản xuất khi được phê duyệt", ông Hạnh chia sẻ.
Chuẩn bị cho quá trình sản xuất vaccine
Tại Tập đoàn DABACO (Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO), ngày 26/10/2021, các chuyên gia trong phòng thí nghiệm của doanh nghiệp này đã tiến hành thử nghiệm vaccine trên đàn lợn để đánh giá độ an toàn, độc lực và hiệu quả của vaccine.
Việc thử nghiệm được triển khai chia thành 5 lô; trong đó 4 lô tiêm thử nghiệm ở các nồng độ khác nhau và 1 lô đối chứng (không tiêm sản phẩm/hoặc tiêm nước cất) để so sánh, đánh giá khách quan với 4 lô đã tiêm.
Sau 21 ngày tiêm thử nghiệm vaccine mới phòng dịch tả lợn châu Phi trên 4 lô mẫu, phòng nghiên cứu DABACO mới đây đã công bố thông tin đánh giá để chuẩn bị cho quá trình sản xuất vaccine trong thời gian tới.
Các nghiên cứu viên của DABACO đã tiến hành giám sát tính sinh miễn dịch của sinh phẩm vaccine thử nghiệm thông qua việc lấy máu, kiểm tra kháng thể ở các thời điểm 7, 14, 21, 28 ngày sau tiêm.
Kết quả cho thấy sau 7 ngày tiêm đã có những cá thể lợn đầu tiên có kháng thể, đến ngày thứ 14 đạt tỷ lệ 70%, đến ngày thứ 21 số lợn có kháng thể đạt 80% và tỷ lệ lợn có kháng thể tăng dần theo thời gian, không phát hiện thấy sự bài thải virus ra bên ngoài qua hệ thống các lỗ tự nhiên.
Ông Vũ Đăng Đồng - Giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y DABACO cho biết, thử nghiệm hiện tại được đánh giá là an toàn với đàn lợn thí nghiệm, lợn không có triệu chứng bất thường sau thời gian 7, 14, 21 ngày tiêm. Do đó, bước đầu có thể nhận định, đây sẽ là một sinh phẩm vaccine an toàn, hiệu quả để phòng dịch tả lợn châu Phi trong tương lai gần.
Trước đó, ngay sau khi tiếp nhận việc chuyển giao từ Mỹ virus chủng ASF G-Delta I177L/Delta VLR và dòng tế bào thường trực PIPIC (PIPEC), phòng thí nghiệm DABACO đã đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm.
Từ giữa tháng 10/2021 phòng thí nghiệm đạt chuẩn BSL3 của DABACO đã thành công nuôi cấy cũng như hoàn thành qui trình bảo quản tế bào dòng thường trực PIPIC; gây nhiễm, nuôi cấy, bảo quản thành công chủng virus ASF G-Delta I177L/Delta VLR trên dòng tế bào thường trực PIPIC.
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), năm 2021, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 3.154 xã của 60 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 288.668 con lợn, cao gấp 3,2 lần so với năm 2020.
Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 321 xã của 36 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 19.628 con lợn
Trao đổi với các đại biểu tại các tỉnh, thành phố tham dự hội nghị, ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y khuyến cáo thời gian tới nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và phát sinh rất cao do đặc điểm của virus dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm, có khả năng tồi tại lâu ngoài môi trường, đường dây truyền phức tạp; chưa có vaccine phòng, thuốc chữa trị; chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn...
Để hạn chế thiệt hại, đại diện Cục Thú y lưu ý các địa phương và các doanh nghiệp, trang trại cần tiếp tục thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; có biện pháp ngăn chặn, phun sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi...