Mỗi dịp Tết đến Xuân về, mừng thọ trở thành dịp để con cháu tề tựu đông đủ, quây quần bên ông bà, cha mẹ, cùng lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống thể hiện sự kính trọng của con cháu đối với bậc sinh thành, cũng là cách thể hiện lòng hiếu thảo đối với bề trên.
Thông thường, lễ mừng thọ được tổ chức vào những ngày đầu năm mới của Tết Nguyên đán tại nhà văn hóa theo những nghi thức, phong tục truyền thống của mỗi địa phương. Việc tổ chức lễ mừng thọ có thể có nhiều hình thức, quy mô từ lớn đến nhỏ, tùy thuộc vào điều kiện và lòng thành của con cháu, nhưng hầu hết đều rất trang trọng và ý nghĩa.
Năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn, lễ mừng thọ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ không tổ chức rình rang nhưng các gia đình vẫn cố gắng duy trì nét đẹp văn hóa này bằng các hình thức tổ chức đơn giản, ấm cúng.
Tết Nguyên Đán 2022, bà Đỗ Thị Sâm (Xuân Lộc, Thanh Thủy, Phú Thọ) tròn 70 tuổi. Do trên địa bàn huyện liên tục phát hiện nhiều ca mắc Covid-19 mới nên gia đình quyết định không tổ chức lễ mừng thọ cho bà mà thay vào đó con cháu trong nhà cùng ăn bữa cơm gia đình đầm ấm. Việc giảm bớt hình thức và quy mô lễ mừng thọ nhận được sự hưởng ứng của chính các cụ lên lão: “Đối với tôi, việc tổ chức lễ mừng thọ không quan trọng bằng sự động viên tinh thần của con cháu và mọi người dành cho mình. Con cháu trưởng thành trở về sum vầy bên ông bà cùng chúc mừng, với người già chúng tôi, đó là lời chúc thọ ý nghĩa nhất”, bà Sâm chia sẻ.
Theo Quy định của hội người cao tuổi, những cụ trong danh sách mừng thọ được con cháu đưa ra nhà văn hóa thôn tổ chức lễ mừng thọ chung. Sau khi Chi hội trưởng người cao tuổi của thôn tuyên bố nội dung và chúc thọ các cụ, mỗi cụ sẽ được nhận bằng khen và một phần quà nhỏ của địa phương. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, những nghi thức đó bị cắt giảm hoàn toàn. Để hạn chế việc tập trung đông người, địa phương sẽ gửi bằng khen và quà về tận nhà cho người cao tuổi.
“Đây không chỉ là niềm hạnh phúc mà còn là sự động viên tinh thần lớn lao đối với mỗi người chúng tôi. Tuy dịch bệnh phức tạp nhưng lãnh đạo địa phương vẫn quan tâm và gửi quà chia vui”, bà Đỗ Thị Sâm bày tỏ.
Trong niềm vui hân hoan phấn khởi của những ngày đầu năm mới, gia đình chị Phí Thị Minh Hảo (Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ) tổ chức lễ mừng thọ cho bà nội năm nay tròn 90 tuổi với sự góp mặt đông vui của con cháu nội ngoại. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên gia đình chị Hảo chỉ tổ chức lễ mừng thọ gói gọn trong nội bộ gia đình vừa ấm cúng vừa đảm bảo an toàn phòng dịch.
“Gia đình rất hạnh phúc khi được tổ chức lễ mừng thọ 90 tuổi cho bà. Đây vừa là dịp để gia đình sum họp, tề tựu đông đủ con cháu hai bên nội ngoại vừa là cơ hội để gửi lời chúc đến bà và hỏi han nhau sau một năm xa cách vì dịch bệnh”.
Ban đầu gia đình cũng định tổ chức lễ mừng thọ hoành tráng với quy mô họ hàng, làng xóm nhưng vì dịch bệnh nên gia đình Hảo chỉ tổ chức đơn giản với đầy đủ con cháu trong nhà. Những thủ tục rườm rà đều bị cắt giảm thay vào đó chỉ là bữa cơm gia đình đầm ấm và tiết mục đọc thơ văn chúc thọ bà do chính con cháu trong nhà chủ trì.
“ Những năm trước khi tổ chức lễ mừng thọ bà 70, 80 tuổi đều rất hoành tráng, gia đình được ra ủy ban xã nhận bằng khen và tổ chức lễ mừng thọ cùng các cụ lên lão. Nhưng năm nay lễ mừng thọ cho bà chỉ được tổ chức trong nội bộ gia đình, bà cũng không nhận được bằng khen như mọi năm”.
Mừng thọ là dịp để con cháu trong nhà thể hiện lòng hiếu thảo đối với bề trên, nhưng vì tình hình dịch bệnh mà nhiều gia đình buộc phải cắt giảm các nghi thức vốn có. “Bước sang năm mới, mình hy vọng dịch bệnh nhanh chóng qua đi để mọi người có thể tổ chức lễ mừng thọ lớn cho các cụ. Đây cũng là điều tiếc nuối với gia đình mình vì đáng lẽ con cháu đã có thể tổ chức tiệc mừng thọ trang trọng và linh đình để mừng bà nội tròn 90 xuân”, Hảo chia sẻ thêm.
Bước sang tuổi 80, cụ Nguyễn Thị Tuyết (Thị xã Phú Thọ, Phú Thọ) phấn khởi khi được con cháu trong nhà tổ chức lễ mừng thọ. Vì dịch bệnh nên lễ mừng thọ của cụ chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình, không mời thêm người ngoài. Gia đình làm 2 mâm cỗ để con cháu trong nhà cùng quây quần bên nhau. Tuy lễ mừng thọ đơn sơ nhưng bà cũng rất vui. Cụ Tuyết chia sẻ“ Tính tôi không thích tổ chức lễ mừng thọ tốn kém và linh đình, nên chỉ cần người trong nhà tập trung đông đủ rồi cùng nhau ăn bữa cơm là được rồi. Bước sang tuổi mới, vẫn có đủ sức khỏe nhìn con cháu công ăn việc làm ổn định, gia đình hạnh phúc êm ấm là tôi hài lòng”.
Theo phong tục, trong ngày mừng thọ, con cháu sẽ chúc rượu thọ, nói những lời chúc tốt đẹp để cầu mong ông bà được sống lâu, sống thọ. Chia sẻ về cảm xúc khi nhìn bà bước sang tuổi 80, Lê Hạnh Chi (22 tuổi) cảm thấy hạnh phúc vì bà vẫn khỏe mạnh quây quần bên con cháu. “Nhưng mà cũng có chút tiếc nuối vì nếu không có dịch thì gia đình có thể tổ chức lớn hơn một chút để mọi người cùng chung vui chúc bà thêm tuổi mới”.
Tổ chức lễ mừng thọ đầu năm là là nét đẹp văn hóa truyền thống mang tính nhân văn sâu sắc. Thông qua lễ mừng thọ, con cháu trong gia đình có dịp gửi lời chúc đến các bậc sinh thành và thể hiện lòng hiếu kính đối với mẹ cha. Đây cũng là dịp để giáo dục lớp trẻ thêm thấm nhuần đạo lí “uống nước nhớ nguồn” từ ngàn đời xưa của dân tộc.