Khi khởi xướng chính sách ngoại giao ép buộc với phương Tây (bằng cách đưa quân đến biên giới Ukraine), Tổng thống Nga Vladimir V. Putin phải đối mặt với một lựa chọn rõ ràng: Ông có thể tiến hành một chiến dịch quân sự để kiểm soát Ukraine hoặc duy trì các liên kết kinh tế với châu Âu. Nhưng sẽ rất khó để ông làm được cả hai điều đó.
Dù tốt hơn hay xấu đi, mối quan hệ giữa châu Âu với Nga vẫn là một trong những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.
Châu Âu vẫn rất cần khí đốt và dầu của Nga, và Nga phải bán khí đốt để lấy tiền. Khí đốt của Nga chiếm 40% nguồn cung tới lục địa già - trong đó ở Đức chiếm hơn 55% - trong khi đó dầu của Nga, chiếm 25% nguồn cung tới châu Âu. Trong khi đó, về phần mình, Nga phụ thuộc nhiều vào hoạt động buôn bán năng lượng, chiếm hơn 30% nền kinh tế và hơn 60% xuất khẩu của nước này.
Điều này có nghĩa là ngay cả khi các lệnh trừng phạt được áp đặt nếu Nga tấn công Ukraine, châu Âu vẫn cần tiếp tục mua năng lượng từ Nga, cho dù đường ống Nord Stream 2 - được thiết kế để đưa khí đốt của Nga đến châu Âu mà không đi qua Ukraine - có đi vào hoạt động hay không.
Một sự rạn nứt lớn giữa Nga với châu Âu có thể kéo dài tới một thập kỷ và sẽ làm tổn hại đến uy tín của Moscow với tư cách là một đối tác ngoại giao và thương mại đáng tin cậy trong thời gian còn dài hơn nữa.
Tuy nhiên, châu Âu cũng dễ bị tổn thương bởi các biện pháp trừng phạt đáp trả của Nga, như gián đoạn dòng chảy năng lượng mà Moscow có thể đổ lỗi cho các tai nạn hoặc hư hỏng đường ống chứ không phải do vi phạm hợp đồng lộ liễu. Chỉ cần bị cắt giảm khí đốt trong vài ngày, châu Âu sẽ chứng kiến sự tăng giá năng lượng vốn đã cao, khiến cử tri khó chịu và khiến thị trường chứng khoán hoảng loạn.
Chưa hết, châu Âu cũng phụ thuộc vào Nga về các nguyên liệu thô quan trọng khác nhau, từ palađi đến titan, kali, một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Belarus cho việc sản xuất phân bón, bất chấp các lệnh trừng phạt hiện hành. Vì vậy, một quan chức cấp cao của châu Âu cho biết, điểm mấu chốt là phải đảm bảo rằng Nga, mục tiêu của các lệnh trừng phạt, cảm thấy đau đớn hơn châu Âu.
Sau đó, châu Âu sẽ đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng nhanh hơn nhiều so với Moscow ngay cả khi nước này đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững. Và đó sẽ là điều bất lợi đối với Nga.
Các quan chức EU cũng đang thảo luận về việc quốc gia nào có thể bị tổn thương nhiều nhất từ các lệnh trừng phạt hoặc bất kỳ phản ứng nào của Nga và Brussels để cố gắng hạn chế nỗi đau. Croatia là một ví dụ điển hình khi Nga bị EU trừng phạt vào năm 2014, sau vụ sáp nhập Crimea. Croatia đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi các lệnh trừng phạt đáp trả của Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu một số thực phẩm. Brussels sau đó đã làm việc với Croatia để giảm thiểu thiệt hại.
Nigel Gould-Davies, một cựu quan chức ngoại giao Anh hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết, trong căng thẳng Ukraine lần này, phản ứng của Mỹ và châu Âu cứng rắn một cách đáng ngạc nhiên, làm giảm bớt các lựa chọn của ông Putin trong khi Kiev rõ ràng hướng về phương Tây.