Dân Việt

"Bát nháo" mua bán, xây dựng trên đất nông nghiệp tại Sóc Sơn (Hà Nội)

Hồng Nhân - Bích Vũ 14/02/2022 14:34 GMT+7
Quây đất nông nghiệp thành khu, mua bán rồi xây dựng đang diễn ra công khai tại xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.


"Bát nháo" mua bán, xây dựng trên đất nông nghiệp tại Sóc Sơn.

Tràn lan mua bán, xây dựng trên đất nông nghiệp tại Sóc Sơn

Thời gian qua, theo ghi nhận của PV tại khu vực xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội nhộn nhịp cảnh "ké bán người mua" và xây dựng trên đất nông nghiệp.

Thậm chí có công trình lớn hàng trăm mét vuông, được đào sâu, xây móng kiên cố.

Cụ thể, trên đường đi vào cổng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc (xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn), phóng viên Dân Việt ghi nhận cảnh nhiều lô đất nông nghiệp được san lấp, xây dựng, quây thành từng khu.

"Bát nháo" mua bán, xây dựng trên đất nông nghiệp tại Sóc Sơn - Ảnh 2.

Khu vực đất nông nghiệp trước cổng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc được xây dựng.

Điều đáng nói, dù những vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp tại đây đã diễn ra từ lâu nhưng chính quyền sở tại chưa hề có động thái nào để ngăn chặn tình trạng trên.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông N.N.T (người dân xã Tân Dân) cho biết: "Cách đây mấy tháng, người dân chúng tôi đã thấy khu vực trước cổng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc nhiều người đổ đất, gạch để rục rịch xây dựng trên đất nông nghiệp. Đến nay nhiều ô đất đã được quây gọn gàng, kiên cố.

Không chỉ tại khu vực Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, tình trạng mua bán đất nông nghiệp, xây dựng phân lô bán nền diễn ra nhộn nhịp trên địa bàn xã Tân Dân. Trong đó, các khu vực như bãi Bến Đò, thôn Linh Nội, thôn Ninh Kiều, Xuân Long, Thanh Vân... đều có dấu hiện bán, xây dựng trên đất nông nghiệp".

"Bát nháo" mua bán, xây dựng trên đất nông nghiệp tại Sóc Sơn - Ảnh 3.

Theo người dân, việc mua bán đất nông nghiệp tại đây diễn ra sôi động từ khoảng cuối năm 2021 khi huyện Sóc Sơn bắt đầu có hiện tượng "sốt đất".

Theo người dân, việc mua bán đất nông nghiệp tại đây diễn ra sôi động từ khoảng cuối năm 2021 khi huyện Sóc Sơn bắt đầu có hiện tượng "sốt đất". Những khu vực đất ruộng giáp với khu dân cư đông đúc được các đối tượng "tay to" gom mua lại của người dân, sau đó xây phân lô và rao bán .

"Đất ruộng người dân không làm đến, có người hỏi mua nên chúng tôi làm giấy bán thôi. Tôi cũng không rõ người mua là ai, người ta đến nhờ một vài người ở thôn đứng ra, tiền trả ở nhà văn hóa thôn luôn cho mọi người", ông T thông tin thêm.

Cam kết xây được nhà ở trên đất nông nghiệp, bán luôn đất dự án

Trong vai người có nhu cầu mua đất, phóng viên được N.V (trú tại thôn Xuân Long, xã Tân Dân) giới thiệu khu đất được quảng cáo là có tiềm năng sinh lời cao. Người này cho biết từ hôm qua đã tiếp mười mấy đoàn đến xem đất.

V không ngần ngại cho biết, đất nông nghiệp tại Tân Dân giờ người dân bán nhiều, có thể quây để ở, giấy tờ đã có "một đội riêng" để lo. 

"Anh vào vừa tiền thì mua đất nông nghiệp, tại đây có một đội chuyên chạy thủ tục giấy tờ. Tiền mua đất riêng và chi thêm vài chục triệu để lo thủ tục", dứt lời V đưa chúng tôi ra khu đất của một người tên G.

"Bát nháo" mua bán, xây dựng trên đất nông nghiệp tại Sóc Sơn - Ảnh 4.

Khu đất nông nghiệp PV được giới thiệu 2,5 triệu/m2.

V bảo, khu này chủ đất đang rao bán 2,5 triệu/m2, dù là đất nông nghiệp nhưng đã xây nhà kiên cố, bắn mái tôn. Để khách tin tưởng, môi giới còn chỉ thêm quanh khu vực này nhiều căn nhà mới xây, thậm chí đang xây dở được cho là trên đất nông nghiệp nhưng vẫn "bình an".

V lại dẫn chúng tôi vào một khu đất tại thôn Gò Chùa, xã Tân Dân. V khoe, đây là khu đất của người phụ nữ tên Giang với diện tích hơn 4000m2, trong đó 720m2 có thể ở, đất còn lại để trồng cây lâu năm, chăn nuôi.

"Mảnh đất này có giá 3 tỷ đồng, anh lấy thì thương lượng thêm với chủ. Giấy tờ em cầm đầy đủ ở đây. Xây dựng trên khu này yên tâm, vì đất này trước anh Tuyết", V nói.

Cùng lời chào mời, V chìa ra giấy tờ khu đất.

"Bát nháo" mua bán, xây dựng trên đất nông nghiệp tại Sóc Sơn - Ảnh 5.

Khu đất được rao với giá hơn 3 tỷ đồng.

Theo đó, khu đất ở 720m2 tại Gò Chùa đúng là của ông Nguyễn Văn Tuyết (Chủ tịch xã Tân Dân) chuyển nhượng cho bà N.T.H Giang (Long Biên, Hà Nội). 

Việc đất nông nghiệp, đất dự án được mua bán tràn lan, ngang nhiên xây dựng các công trình lớn nhỏ trong một thời gian dài tại Sóc Sơn nhưng không xử lý dứt điểm khiến người dân sinh sống trên địa bàn bức xúc.

Do dịch bệnh nên chính quyền "chưa kịp" xử lý?

Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dân đã có những thông tin đến PV Dân Việt.

Theo ông Bình, những thông tin Báo Dân Việt cung cấp, chính quyền đã nắm được và trong quá trình xử lý.

"Về việc mua bán đất nông nghiệp tại địa phương thỉnh thoảng có trường hợp bà con tự mua bán và trao đổi nhưng họ làm qua phòng công chứng chứ không qua chính quyền xã. 

Việc xây dựng trước cổng Trường Điện (Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc) Báo phản ánh hoàn toàn chính xác. Chúng tôi xác định được 4 - 5 trường hợp vi phạm việc xây dựng trên đất nông nghiệp, có trường hợp xây tường bao, đổ đất".

Vị Phó Chủ tịch xã cho biết, địa phương đã ráo riết xử lý nhiều trường hợp nhưng khu vực trước cổng Trường Điện "do dịch bệnh nên chưa giải quyết dứt điểm".

"Trước cổng Trường Điện chúng tôi đã có kế hoạch kiểm tra từ trước tết nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp nên chưa triển khai được. Trước đó, UBND xã Tân Dân đã tổ chức xử lý 12 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp", vị Phó Chủ tịch xã thông tin.

Ông Bình cũng cho biết thêm, tại khu vực thôn Gò Chùa, mảnh đất này là đất công, thuộc quản lý UBND xã nên việc mua bán, hay làm bìa là hoàn toàn sai.

"Đất bà Giang đang rao bán trước đây là của ông Tuyết - Chủ tịch UBND xã Tân Dân thầu. Sau khi ông Tuyết thanh lý thì xã cho bà Giang thuê lại. Thông tin mua bán mà phóng viên cung cấp, chúng tôi sẽ cho kiểm tra, xử lý và có thông tin phản hồi", ông Bình cho biết.

Để xảy ra tình trạng mua bán, xây dựng trên đất nông nghiệp diễn ra công khai, trách nhiệm của UBND xã Tân Dân, UBND huyện Sóc Sơn thế nào?

Để có thông tin khách quan, phóng viên đã nhiều lần liên hệ đến ông Phạm Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn. Sau đó, ông Minh đề nghị phóng viên làm việc với ông Ngọc - Phó Chủ tịch huyện. 

Tuy nhiên dù rất nhiều lần liên hệ làm việc nhưng đến này phóng viên chưa nhận được bất kì một phản hồi nào từ UBND huyện Sóc Sơn.

Quý độc giả đang đọc bài viết "Bát nháo" mua bán, xây dựng trên đất nông nghiệp tại Sóc Sơn (Hà Nội)" tại mục Bạn đọc Báo Điện tử Dân Việt. Liên hệ đường dây nóng Báo Điện tử Dân Việt 0857.835.666.