Tại cuộc họp gần nhất, Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất cận 0% và 'ám chỉ' có thể tăng lãi suất từ tháng 3.
Tổ chức này còn tái khẳng định kết thúc chương trình mua trái phiếu trước khi bắt đầu giảm quy mô bảng cân đối.
Trong khi đó, đối với ECB, dù có lo ngại hơn về khả năng lạm phát có thể giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn so với dự kiến, ECB vẫn chưa có kế hoạch về lộ trình tăng lãi suất.
Các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhìn nhận, chính sách tiền tệ nới lỏng phi truyền thống đã được áp dụng khó có thể đảo ngược khi việc thu hẹp bảng cân đối kế toán của các NHTW gặp nhiều khó khăn.
Do đó, quá trình trung hoà các chính sách này sẽ không thể diễn ra nhanh chóng. Thậm chí, trong trường hợp các NHTW tiến hành các biện pháp trung hòa dần chính sách tiền tệ nới lỏng. Đây là tín hiệu tích cực, hạn chế khả năng nền kinh tế thế giới hạ cánh cứng và rơi vào khủng hoảng toàn cầu. Đồng thời, tác động tiêu cực lên Việt Nam không trực tiếp và không rõ nét.
"Nhìn chung các yếu tố này vẫn ủng hộ cho kịch bản nền kinh tế phục hồi với tốc độ kém hơn so với dự báo, và có sự phân hoá trong chính sách giữa các nền kinh tế lớn. Điều này đòi hỏi những sự thận trọng với các thay đổi chính sách từ NHTW", Báo cáo đề cập.
Chi tiết với tỷ giá, các chuyên gia VCBS vẫn duy trì quan điểm xu hướng trung hòa dần chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp tục là xu hướng trong năm 2022. Trong đó, Fed là NHTW đi đầu trong quá trình này, dẫn đến khả năng USD lên giá nhiều hơn so với các ngoại tệ khác, từ đó gây áp lực lên VND. Tổ chức này dự báo, VND giảm giá tương đối so với USD, với mức biến động không quá 2% cho cả năm 2022.
Trong tháng 1, tỷ giá trung tâm kết thúc tháng giảm 45 đồng, tỷ giá giao dịch tại các NHTM đã hạ nhiệt giảm khoảng 100-300 đồng so với thời điểm cuối tháng 12. Điểm sáng với giai đoạn này là việc nguồn cung ngoại tệ thông qua nguồn xuất nhập khẩu hay kiều hối được duy trì tốt.
Còn theo đánh giá của các chuyên gia tại Chứng khoán BSC, việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ trong năm 2022 có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị của VND. Tuy nhiên, có 3 yếu tố có thể giúp tỷ giá ổn định: Dự trữ ngoại hối duy trì ở mức cao 108 tỷ USD, kiều hối dự tính duy trì ở mức 17-18 tỷ USD, cán cân thương mại dự kiến sẽ xuất siêu khoảng 5,2-6,9 tỷ USD trong năm.
Dự báo đường đi của lãi suất tiết kiệm năm 2022
Về lãi suất, VCBS cho biết lãi suất tiết kiệm có dấu hiệu bật tăng cục bộ tại một số các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nhưng ổn định và không biến động tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cổ phần Nhà nước. Đối với lãi suất cho vay, mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đồng thời hướng dòng vốn vào sản xuất tiếp tục được duy trì.
Trên thị trường thế giới, quá trình trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được diễn ra. Tuy nhiên quá trình cần được tiến hành chậm rãi khi sự hồi phục kinh tế sau dịch ở nhiều quốc gia vẫn còn khá mong manh.
VCBS vẫn luôn nhận thấy thông điệp nhất quán từ Ngân hàng nhà nước là sử dụng tối đa nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch. Theo đó, các ngân hàng thương mại vẫn đang đồng hành cùng doanh nghiệp khi tuyên bố các chương trình giảm lãi suất.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng mặt bằng lãi suất thấp đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn được duy trì trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm nhiều khả năng vẫn chưa tăng trên quy mô toàn hệ thống khi các mức tăng mang tính chất cục bộ.