Dân Việt

Những tín hiệu mới từ ngân hàng "lạ" nhất Việt Nam

Quốc Hải 15/02/2022 12:07 GMT+7
Sáng nay (15/2), Eximbank đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 (lần thứ hai) để tiến hành bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS), sau khi trình hồ sơ nhân sự được đề cử lên Ngân hàng Nhà nước vào ngày 24/1/2022…
Những tín hiệu mới từ ngân hàng "lạ" nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông thường niên của Eximbank diễn ra sáng nay 15/2 - Ảnh: Quốc Hải

Tính đến 9h20, có 126 cổ đông tham dự, đại diện cho 85,59%, tương đương hơn 1,05 tỷ cổ phần. Như vậy, ĐHĐCĐ năm 2021 lần 2 của Eximbank đã có thể tổ chức.

Đúng 10h, với nội dung thông qua quy chế tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Eximbank (lần thứ hai), số cổ đông đồng ý là 60,25%; số cổ đông không đồng ý  là 39,73%.  

Bước sang nội dung thông qua thành phần ban kiểm phiếu, tỷ lệ cổ đông đồng ý tham gia là 98,89%; tỷ lệ cổ đông không đồng ý là 1,11%.

7 ứng viên HĐQT nhiệm kỳ mới là ai?

Tại đại hội, Eximbank đã công bố danh sách nhân sự dự kiến tham gia HĐQT, Ban kiểm soát được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận theo Công văn số 717/NNHN-TTGSNH.

Cụ thể, theo danh sách 7 ứng cử viên bầu vào HĐQT, bà Lương Thị Cẩm Tú (SN 1980) là thành viên HĐQT Eximbank đương nhiệm duy nhất nằm trong danh sách nhiệm kỳ mới này.

Danh sách ứng viên vào HĐQT cũng có sự góp mặt của ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Bamboo Capital. Ông Hùng được đề cử bởi nhóm cổ đông bao gồm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lê Thị Mai Loan, Công ty CP Thắng Phương, Công ty CP Đầu tư và Dịch Helios.

Kế đến là bà Đỗ Hà Phương (SN 1984) – đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty TNHH VNInvest Partners - được đề cử bởi 7 cá nhân và 4 tổ chức, bao gồm: Công ty CP Rồng Ngọc, Công ty CP Hoàng Gia ĐL, Công ty CP Hoàn Vũ Sài Gòn, Công ty TNHH M8.

Trước đó, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ 1 của Eximbank được tổ chức hôm 27/4/2021 đã không thể diễn ra do không đủ số cổ đông tham dự.

Sau đó, đến cuối tháng 7/2021, Eximbank đã lên kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ 2 và một cuộc họp bất thường. Tuy nhiên, đại hội vẫn bất thành do ảnh hưởng của dịch Covid-19…

Trong khi đó, nhóm cổ đông Lafelle Limited, Education Management Holdings Limited và ông Trần Công Cận đề cử ông Nguyễn Hiếu (SN 1973) – thành viên HĐQT Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt.

Ngoài ra, ông Hiếu còn nhận được đề cử của bà Ngô Thu Thuý - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Âu Lạc.

Nhóm cổ đông liên quan tới Tập đoàn Thành Công đề cử hai ứng viên, là bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại.

Trong đó, bà Lê Hồng Anh (sinh năm 1975) được giới thiệu là Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính kế toán của CTCP Tập đoàn Thành Công, Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Công Phạm Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TCG Land.

Những tín hiệu mới từ ngân hàng "lạ" nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Cổ đông tham gia bỏ phiếu để tiến hành đại hội... - Ảnh: Quốc Hải

Ông Đào Phong Phúc Đại (sinh năm 1975) là Tổng giám đốc CTCP Đầu tư PV-Inconess, được đề cử bởi CTCP Tập đoàn Thành Công, Mr Exim Investments và bà Nguyễn Hồng Ngọc.

Ứng viên cuối cùng được đề cử vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới là ông Võ Quang Hiển (SN 1969) – Giám đốc điều hành Bộ phận Tài trợ thương mại toàn cầu – Ngân hàng Sumitomo Mitsui – Chi nhánh Singapore.

Ông Hiển được đề cử bởi Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – cổ đông chiến lược, nắm giữ 15% vốn Eximbank. Cổ đông Nhật Bản mới đây đã chấm dứt trước thời hạn thoả thuận liên minh chiến lược ký ngày 27/11/2007 với Eximbank. 

Những tín hiệu mới từ ngân hàng "lạ" nhất Việt Nam - Ảnh 4.

Cổ đông nghiên cứu các tài liệu họp ĐHĐCĐ lần thứ 2 năm 2021... - Ảnh: Quốc Hải

Về thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2020 – 2025, danh sách nhân sự để bầu có đến 5 ứng viên trong khi nhà băng này chỉ dự kiến có 3 thành viên.

Trong đó, nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Thành Công đề cử bà Nguyễn Thị Hiền Ngọc (SN 1969) – Kế toán trưởng Công ty CP Tập đoàn Thành Công và Công ty CP Sản xuất ô tô Huyndai Thành Công.

Nhóm Bamboo Capital đề cử ông Ngo Tony (SN 1971) – từng là chuyên gia cao cấp tại Công ty TNHH Affan Enterprise và Công ty TNHH EZ Accountancy giai đoạn từ tháng 3/2018 – tháng 11/2021.

3 thành viên BKS hiện tại của Eximbank cũng tiếp tục được đề cử, bao gồm: Ông Trần Ngọc Dũng (SN 1966), bà Phạm Thị Mai Phương (SN 1982) và ông Trịnh Bảo Quốc.

Sửa điều lệ tổ chức ĐHĐCĐ, bổ sung người đại diện theo pháp luật

Tại đại hội lần này, Eximbank cũng trình ĐHĐCĐ sửa đổi điều lệ "Tổng Giám đốc là đại diện theo pháp luật của Ngân hàng" sửa đổi Người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng là "Tổng Giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT trong thời gian khuyết chức danh Tổng Giám đốc mà chưa hoàn tất bổ sung bầu thay thế", thay vì chỉ có "Tổng Giám đốc" như điều lệ hiện hành.

Dù trước đó, ngày 08/09/2021, HĐQT Eximbank cũng đã bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc giữ chức vụ Tổng Giám đốc sau hơn 2 năm vị trí này để trống, nhưng Ngân hàng vẫn muốn trình nội dung bổ sung người đại diện pháp luật tại Đại hội lần này.

Đặc biệt, Eximbank cũng trình sửa đổi tỷ lệ số cổ đông dự họp trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết để có thể tiến hành ĐHĐCĐ giảm từ 65% xuống 50%.

Những tín hiệu mới từ ngân hàng "lạ" nhất Việt Nam - Ảnh 5.

Ban chủ tọa điều hành ĐHĐCĐ Eximbank thường niên năm 2021... - Ảnh: Quốc Hải

Nếu cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành, thì thông báo mời họp lần thứ 2 phải được gửi trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. ĐHĐCĐ lần thứ hai được tiến hành khi tỷ lệ giảm từ 51% xuống 33%.

Trường hợp cuộc họp lần thứ 2 không đủ điều kiện tiến hành, cuộc họp lần thứ 3 sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ đông dự họp.

Đồng thời, HĐQT Eximbank cũng muốn điều chỉnh tỷ lệ tán thành để thông qua quyết định của ĐHĐCĐ từ 65% xuống 50%.

Tại đại hội lần này, Eximbank đã có văn bản trình NHNN chấp thuận cho Eximbank được chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2021. Theo Eximbank, tính đến ngày 30/3/2021, Eximbank đã thanh toán hết trái phiếu đặc biệt VAMC.

Sau khi được NHNN chấp thuận, Eximbank sẽ trình cổ đông phương án phân phối cụ thể, dự kiến với số lợi nhuận được chia sau khi trừ các quỹ năm 2018, 2019, 2020 là gần 2.214 tỷ đồng. Sau khi trừ đi số cổ phiếu quỹ, Eximbank dự kiến chi cổ tức 1.800 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, việc chia cổ tức bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu còn phù thuộc vào quyết định của NHNN.

Ngoài ra, đại hội lần này cũng sẽ được trình lại nội dung chấp thuận đầu tư dự án Trụ sở Eximbank tại số 7, Lê Thị Hồng Gấm, Quận 1, TP.HCM

"Cuộc chiến vương quyền" những năm qua khiến Eximbank trở thành ngân hàng niêm yết “lạ” nhất Việt Nam. Theo đó, 2 năm liền Eximbank không có Tổng Giám đốc, mãi đến ngày 8/9/2021 mới chính thức bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc giữ “ghế nóng” này, sau khi được NHNN phê duyệt. Riêng “ghế nóng” Chủ tịch Hội đồng Quản trị thì "lục đục" với những lần bổ nhiệm, miễn nhiệm chỉ trong trong tích tắc.

Cụ thể, ngày 13/4/2021, ông Yasuhiro Saitoh - Chủ tịch HĐQT Eximbank bị miễn nhiệm “ghế nóng” (quyết định được thông qua vào lúc 10h15 phút sáng 13/4, dựa trên kết quả biểu quyết đa số tán thành của các thành viên HĐQT tại cuộc họp). Vào lúc 10h45 phút, các thành viên tham dự mới bầu được ông Nguyễn Quang Thông tạm giữ chức danh Chủ tịch HĐQT để làm chủ toạ cuộc họp HĐQT. Tuy nhiên, đến 11h10 phút, ông Yasuhiro Saitoh được bầu trở lại giữ “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT Eximbank, rồi thay mặt HĐQT ký ban hành nghị quyết số 157/2021/EIB/NQ-HĐQT.

Kế hoạch lãi trước thuế 2022 tăng 127%

Năm 2021, Eximbank đạt hơn 1.205 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 10% so với năm trước. Dù đã giảm kế hoạch lãi trước thuế năm 2021 xuống còn 1.300 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với con số 2.150 tỷ đồng đặt ra ban đầu, nhưng Ngân hàng cũng chỉ thực hiện được 93% chỉ tiêu đề ra.

Về kế hoạch năm 2022, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 127% so với kết quả năm 2021, đạt 2.500 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi tăng 216 tỷ lên 1.159 tỷ đồng.

Tổng tài sản cuối kỳ dự kiến tăng 7,8% so với đầu năm, đạt 179.000 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 6,5%, mục tiêu 147.600 tỷ đồng và dư nợ cấp tín dụng tăng 13.5%, dự kiến 131.400 tỷ đồng.