Clip giáp mặt với những "ông trùm, bà trùm" bán thuốc trừ cỏ. Clip: Dân Việt.
Như Báo Điện tử Dân Việt đã phản ánh, hiện nay để thuận tiện cho canh tác nông nghiệp, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí, nhiều người đã sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có thành phần là chất độc hóa học để bảo vệ và chăm sóc cây, hoa màu tràn lan. Trong đó, có cả các loại thuốc diện cỏ chứa thành phần chất hóa học bị cấm lưu hành.
TS. Đỗ Thanh Bái, chuyên gia về hóa học (Hội hóa học Việt Nam) cho biết, mỗi người dân cần cẩn trọng khi sử dụng những loại hóa chất để bảo vệ cây trồng, không vì sự tiện lợi trước mắt mà ảnh hưởng đến mai sau.
"Bất cứ cái gì là hóa chất mà phun ra môi trường đều ảnh hưởng. Nhưng bây giờ mà phun không kiểm soát thì còn nguy hiểm hơn", TS. Bái nói.
TS. Bái phân tích: "Paraquat là thuộc danh mục hóa chất hạn chế sử dụng, cho nên khi dùng để phun vào cánh đồng, ban đầu sẽ có tác động đến môi trường không khí, khi phun như vậy các hạt thuốc nằm ở các hạt sương sẽ phân tán trong không khí làm ảnh hưởng đến người phun và người ở gần hít phải.
Thứ hai là khi người nông dân phun vào đất, dư lại ở lá cây, dễ cây, trong đất, nước… đều có ảnh hưởng xấu đến môi trường. Khi thuốc còn tàn dư trên cây, cỏ, thực phẩm, người dân sử dụng gây tác động trực tiếp đến cơ thể.
Hoặc đi vào môi trường đất ngấm dần trong đất, có thể làm thoái hóa đất trong một số trường hợp nhất định, làm đất xấu đi, đất có nhiều thuốc bảo vệ thực vật thì không có các sinh vật khác sống được. Đất mà không sinh vật sống thì độ mùn, độ tơi cần thiết không đảm bảo.
TS. Đỗ Thanh Bái lo lắng nhất là việc sử dụng hóa chất ảnh hưởng đến nguồn nước từ trên ngấm xuống đất như nước mưa, nước ngầm, phân tán đi nơi khác ra nước mặt hoặc mạch nước ngầm mà nhân dân hay dùng. Như vậy, người dân có thể bị nhiễm bệnh.
Trao đổi với PV Báo NTNN/Điện tử Dân Việt, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay, hiện nay một số người có nhu cầu sử dụng loại thuốc trừ cháy nhanh mặc dù đã biết đến tác hại của nó gây ra cho con người, môi trường sống.
Tuy nhiên, họ chỉ nghĩ đến việc làm sao sớm diệt được cỏ dại trên cánh ruộng, làm sao thuốc diệt cỏ hiệu quả. Về vấn đề này, cần phải tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức.
Ngoài ra, cũng phải xem xét đến trách nhiệm của các đại lý bán "chui" các loại thuốc trừ cỏ không nằm trong danh mục được phép kinh doanh, buôn bán. Cơ quan quản lý thị trường, đơn vị quản lý thuốc bảo vệ thực vật phải là những đơn vị đi kiểm tra, xử lý.
Ông Hòa cho rằng, để giảm hạn chế tối đa việc buôn bán, sử dụng thuốc trừ cỏ có chất độc hại, cơ quan công an, quản lý thị trường ở các địa phương cần phải phối hợp cùng nhau đi kiểm tra, điều tra, xác minh các đại lý buôn bán, cung cấp cho người dân.
"Thuốc trừ cỏ có chứa hai hoạt chất cấm trên chủ yếu đưa từ bên Trung Quốc về Việt Nam. Chính vì vậy, lực lượng chuyên ngành phải xử lý cái phần gốc, đó là triệt phá các kho hàng, các đầu nậu kinh doanh loại này. Thậm, chí là xử lý hình sự đối với các đối tượng buôn bán với số lượng lớn", ông Hòa nêu giải pháp.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới cho biết, thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate; Paraquat là nhóm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) dễ gây hại cho cây trồng.
Chỉ một sơ xuất nhỏ như chọn thuốc không thích hợp, sử dụng không đúng lúc, không đúng liều lượng, không đúng cách là thuốc có khả năng gây hại cho cây trồng.
Các nhóm thuốc trừ cỏ được sử dụng phổ biến hiện nay là Glyphosate, Paraquat. Tuy nhiên, từ ngày 30/6/2021, thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate đã bị loại ra khỏi danh mục, cấm buôn bán sử dụng tại Việt Nam.
"Việc sử dụng quá nhiều hóa chất trong nông nghiệp sẽ dẫn đến những hệ lụy mà gần đây các chuyên gia liên tục cảnh báo như gây suy thoái và ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, tích lũy kim loại nặng, tiêu diệt vi sinh vật có ích, tồn dư các chất độc hại trong đất, trong nước, tích lũy trong các loại nông sản, thủy hải sản, gây độc cho cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người", Tiến sĩ Nghĩa nói.
Ngoài hàng nghìn tên thương phẩm được cấp phép kinh doanh, trong thực tế số tên các sản phẩm ngoài thị trường sẽ gấp khoảng 2 đến 5 lần bởi hiện tượng làm giả, ăn theo, gian lận thông tin, nhãn mác tràn lan.
Theo TS Nghĩa, thuốc diệt cỏ có chứa hai chất trên được sử dụng nhiều cho các nhà làm vườn, làm rẫy ở vùng núi, cây công nghiệp. Trong các loại thuốc diệt cỏ nhập vào Việt Nam có một nửa có gốc Paraquat.
Theo tiến sĩ Nghĩa, chất Paraquat có "họ hàng" gần với Dioxin, loại chất gây ung thư, quái thai ở trẻ em... Chất này đã được sử dụng ở nước ta từ rất lâu, Paraquat thường dùng diệt cỏ trên cạn, trên đồi núi, hoặc ở những vùng đồng bằng.
"Hai loại hóa chất trừ cỏ nói trên không chỉ độc hại cho môi trường mà còn độc hại với con người qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc qua tồn dư trong thực phẩm. Ngay cả Trung Quốc người ta cũng đã cấm sử dụng. Cách đây hơn 2 năm Việt Nam mới đưa ra khỏi danh mục sử dụng là quá chậm", ông Nghĩa chia sẻ.
Các thuốc trừ sâu hóa học có ưu điểm rõ rệt là hiệu quả diệt sâu nhanh nhưng có nhược điểm là có độ độc cao với người và các động vật có ích, gây ô nhiễm môi trường trong đất và môi trường nông thôn.
Vì vậy, ông Nghĩa cho rằng, để bảo vệ sức khỏe con người và sự trong sạch của môi trường, các thuốc trừ sâu hóa học cần được hạn chế sử dụng dần và thay vào đó là các thuốc trừ sâu sinh học hoặc thuốc chiết suất từ thảo mộc.
Ưu điểm nổi bật nhất của thuốc trừ sâu sinh học là thích hợp sản xuất nông sản sạch và ít độc với người, môi trường. Các chế phẩm vi sinh vật dùng trừ sâu bệnh và dầu thực vật hầu như không độc với người và các sinh vật có ích.
Do ít độc với các loài thiên địch nên thuốc sinh học bảo vệ được sự cân bằng sinh học trong tự nhiên, ít gây tình trạng bùng phát sâu hại. Ngoài ra, con người cần sử dụng vi sinh vật để xử lý làm sạch đất trồng khi đã còn tồn dư của thuốc trừ cỏ Glyphosate.