"Thuốc độc" rao bán rầm rộ từ mạng xã hội…đến thực tế
"Thuốc độc" bên mâm cơm người Việt (Bài 1)
Nhóm PV
Thứ tư, ngày 16/11/2022 08:45 AM (GMT+7)
Những hoạt chất độc hại trong thuốc trừ cỏ đã bị cấm lưu hành, nhưng theo tìm hiểu của PV Dân Việt, vẫn có những đường dây rao bán loại "thuốc độc" này ra thị trường, để lại hiểm họa lâu dài cho môi trường và sức khỏe người dân.
LTS: Từ năm 2017, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký ban hành quyết định về việc loại bỏ một số thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa hoạt chất 2,4D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.
Theo đó, đến tháng 2/2019 việc kinh doanh thuốc trừ cỏ có 2 hoạt chất kể trên bị cấm hoàn toàn. Đến tháng 6/2021 loại thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate cũng chính thức được loại bỏ khỏi danh mục được phép lưu hành.
Thế nhưng, từ những cánh đồng "chết cháy" của người nông dân, nhóm PV NTNN đã lần tìm ra các đường dây buôn bán hàng cấm có chứa hoạt chất 2,4D, Paraquat hay Glyphosate. Những "thùng thuốc độc" này vẫn được tuồn trót lọt ra thị trường. Theo các chuyên gia, hiểm họa của tình trạng này là "chúng ta phun thuốc độc cho muôn đời sau".
"Thuốc độc" rao bán rầm rộ từ mạng xã hội… đến thực tế. Clip: Dân Việt
Buôn "thuốc độc" từ mạng xã hội đến thực tế (Bài 1)
Những ngày đầu tháng 10/2022, nhóm phóng viên Báo Điện tử Dân Việt đã cùng nông dân huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai "đi chợ" thuốc bảo vệ thức vật. Ông Hoàng Văn Đ., như nhiều người dân tộc Tày khác, trước khi mùa đông đến ông sẽ tiến hành diệt cỏ dại.
Hàng cấm bán công khai ở đại lý
Thay vì cầm cuốc, dao lên đồi phát cỏ, đốt dọn sạch như trước kia, những năm gần đây, ông Đ. đi xe máy xuống trung tâm thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên) mua một chai thuốc cỏ cháy (diệt cỏ) với giá 150.000 đồng. "Một chai là xong, đỡ tốn sức" – ông Đ. nói.
Vừa lái xe xuôi dốc đá chở PV xuống trung tâm thị trấn, ông Đ. vừa kể: "Có loại thuốc này rất tiện lợi. Ngày xưa phải đi đổi công nhiều người, mỗi sáng sớm thức dậy tiếng đập cào, mài giũa cuốc kêu đinh tai nhức óc, rồi cả đoàn kéo nhau lên đồi lẩu (làm) cỏ nương, chờ vài ngày nắng khô mới đốt, lần nào mà dính mưa thì coi như mất công, phải làm lại".
"Còn bây giờ cứ xuống trung tâm thị trấn mà mua chai thuốc, về sang nhà hàng xóm mượn bình phun pha vào là phun khắp nương, vài ngày sau cỏ cây đều chết cháy, một vài cơn mưa xuống là mục hết, thành phân bón cho nương luôn" - ông Đ. hào hứng.
Chúng tôi hỏi ông có biết thuốc có độc hại như thế nào không, ông Đ. nói: "Cây cỏ chết, động vật, thậm chí người uống phải hoặc khi phun bảo hộ không cẩn thận… cũng chết". Thế nhưng, ông Đ. và bà con nơi đây vẫn sử dụng.
Câu chuyện của chúng tôi đứt quãng khi xuống đến trung tâm thị trấn, ông Đ. vào một cửa hàng ở ngã tư trung tâm thị trấn. Hai cửa hàng trước đây ông hay mua đã đóng cửa, một cửa hàng ban đầu nói có thuốc nhưng phải đi nơi khác lấy.
Ông Đ. ngạc nhiên vì chưa bao giờ đi mua thuốc trừ cỏ lại khó như bây giờ. Hỏi ra mới biết hiện nay nhiều loại thuốc trừ cỏ có sử dụng thành phần chất cấm đã bị loại ra danh mục được phép lưu hành, còn loại thuốc an toàn đang hết hàng.
Đến xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, ông Đ. hỏi thăm qua nhiều người, mới đến được một cửa hàng trưng bày những lọ thuốc diệt cỏ. Ông Đ. cất tiếng gọi, một thanh niên đeo túi vắt vai chạy tới cho khách xem các sản phẩm của mình, sau khi hỏi giá, người bán hàng nhanh chóng vào sâu bên trong cửa hàng lấy ra lọ thuốc màu xanh, nắp đỏ kèm một túi nilon để đưa cho khách.
Ông Đ. cầm trên tay lọ thuốc đọc rất kỹ các thông tin, rồi thắc mắc: "Chai này về phun có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?". Theo quan sát của phóng viên, chai thuốc trừ cỏ này vẫn chứa hoạt chất đã bị cấm lưu hành từ năm 2019.
Bán hàng "bao chết"
Tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook sẽ cho kết quả hàng chục nhóm bán thuốc bảo vệ thực vật. Trong số đó, nổi lên có nhóm "Hội kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Miền Bắc"; "Thông tin phân bón và thuốc bảo vệ thực vật"; "Hội mua bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật"; "Nông nghiệp Việt"...
Tại các nhóm kín này, tràn ngập thông tin rao bán thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, có những đại lý, cá nhân rao bán loại thuốc cháy cỏ chứa hoạt chất paraquat và glyphosate công khai, kèm những lời lẽ quảng bá "hàng chất lượng cao, phun là chết, bao chết", không hiệu quả không lấy tiền, số lượng bao nhiêu cũng có, miễn phí vận chuyển toàn quốc…
Nhóm PV tiếp cận một nhóm buôn thuốc trừ cỏ qua quảng cáo trên mạng xã hội. Sản phẩm đang "chạy hàng" là những chai thuốc trừ cỏ đựng lọ nhựa dán tên thuốc trừ cỏ không chọn lọc Lagoote, trong đó có thành phần Paraquat dichloride… 276g/l.
Trong vai một nông dân cần thuốc diệt cỏ, đầu tháng 10/2022 PV liên hệ số điện thoại 0974996xxx để hỏi thông tin về thuốc cháy cỏ (loại cháy nhanh). Cất tiếng đáp ở đầu dây bên kia là một người phụ nữ giới thiệu tên Hoa ở TP. Bắc Giang.
"Anh có nhu cầu bao nhiêu cũng có, giá của loại thuốc trừ cỏ cháy nhanh là 1,7 triệu/thùng 10 chai; cỏ cháy chậm là 2,1 triệu/thùng. Anh cứ gửi địa chỉ, chuyển trước 70% số tiền, em sẽ giao hàng tận nơi", người phụ nữ tên Hoa nói. Chúng tôi ngỏ ý muốn xuống tận nơi để xem hàng, người này từ chối và nói rằng "đây là hàng nhạy cảm" chưa quen biết nên chưa thể gặp.
Lấy lý do bản thân từng mua phải hàng "lởm" qua mạng nên muốn xuống tận nơi xem hàng, trao đổi làm ăn lâu dài thì người phụ nữ này mới đồng ý hẹn sẽ giao hàng ở Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Hôm sau chúng tôi trên đường di chuyển từ Hà Nội đến Bắc Giang, khi gần đến nơi, gọi lại người phụ nữ tên Hoa để xem thuốc trừ cỏ. Tuy nhiên, người này lại thông tin là kho đang tạm thời hết hàng. "Bọn em kiểm tra kho hàng ở Lạng Sơn đang tạm thời hết hàng, anh thông cảm chờ vài ngày nữa khi nào hàng về em gọi", người phụ nữ tên Hoa nói rồi tắt máy.
Hàng "nhạy cảm", khó tiếp cận
Hai ngày sau, phóng viên tiếp tục liên hệ số điện thoại 0974.811xx bày tỏ nhu cầu cần 10 thùng thuốc trừ cỏ cháy chậm. Sau một hồi truy vấn thông tin, anh ở đâu, lấy số điện thoại ở đâu, cần mua bao nhiêu chai,… người đàn ông xưng tên Hùng nói còn hàng. Người này thông tin kho hàng ở gần cầu Thanh Trì, Hà Nội. "Một thùng gồm 20 chai thuốc cỏ cháy nhanh giá 2 triệu đồng, bao tiền cước", người buôn thuốc diệt cỏ nói.
Chúng tôi mong muốn được gặp gỡ người đàn ông này để xem hàng trước khi xuống tiền. Nhưng người này liên tục từ chối: "Các anh hết sức thông cảm cho em vì hàng nhạy cảm nên bọn em chỉ có thể gửi cho anh thôi. Nói chung anh cứ cho địa chỉ, chuyển tiền, hàng sẽ đến cửa nhà luôn".
Năm ngày sau, chúng tôi tiếp tục liên hệ với số điện thoại 0974647xxx rao bán thuốc diệt cỏ trên nhóm kín "Thuốc bảo vệ thực vật". Một người đàn ông bắt máy và thông tin hiện vẫn còn hàng, nhưng chỉ còn thuốc trừ cỏ (loại cháy chậm, chứa hoạt chất glyphosate).
"Em đang bán với giá 1,7 triệu đồng/thùng thuốc cỏ cháy chậm, cháy nhanh giá 1,6 triệu đồng/1 thùng. Anh cần ít thì giá cao hơn một chút. Em vẫn đi giao hàng ở Thái Nguyên suốt. Hiện chỉ còn thuốc cỏ cháy chậm thôi", người đàn ông tên Sơn thông tin.
Còn một người đàn ông khác ở huyện huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc bảo nếu chúng tôi có nhu cầu sử dụng thuốc diệt cỏ, anh ta sẽ gửi hàng bằng xe tải xuống tận nơi. Người này cũng nói thêm để chúng tôi yên tâm : "Anh lấy cái hàng ở thị xã Sơn Tây hoặc Bắc Giang họ sang chiết thì không tốt, chất lượng đâu. Hàng này của bọn em nhập nguyên chai từ bên Trung Quốc. Việt Nam mình làm gì có thuốc trừ cỏ, đây là loại thuốc nhạy cảm nên bọn em chỉ có thể gửi bằng xe ô tô cho anh".
Trong quá trình tìm hiểu, phóng viên nhận thấy, phần lớn những chủ buôn bán rao bán thuốc cháy cỏ đều chỉ đồng ý gửi cho khách thông qua xe khách hoặc xe tải. Khách chuyển tiền trước hai phần, chủ buôn sẽ gửi hàng theo địa chỉ.
Phải mất rất nhiều thời gian, chúng tôi mới tiếp cận được chủ buôn, đặt đề nghị mua hàng trực tiếp bởi đây là loại hàng "nhạy cảm", nói trắng ra là hàng cấm, không được phép buôn bán, kinh doanh.
Ngày 8/2/2017, Bộ NN&PTNT ban hành quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2,4D và Paraquat. Theo đó, từ 8/2/2019, việc kinh doanh loại thuốc trừ cỏ có hoạt chất 2,4D và Paraquat đã bị cấm hoàn toàn.
Tháng 4/2019, một chất khác là glyphosate (sản xuất thuốc trừ cỏ) cũng bị Cục BVTV đưa ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại VN. Theo đó, các thuốc BVTV có chứa hoạt chất glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 30/6/2021. Quá thời hạn này, các doanh nghiệp còn tồn đọng sản phẩm buộc phải tiêu hủy theo quy định.
Thế nhưng, các sản phẩm thuốc trừ cỏ có chứa hai hoạt chất này vẫn còn tồn tại trên thị trường.
Đón đọc Bài 2: Quay cuồng với những ông bà trùm buôn thuốc độc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.