Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tối 15/2, ca Covid-19 trong ngày ở Hà Nội lập "đỉnh" mới với gần 4.000 F0. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày là: Hoàng Mai (186); Đông Anh (175); Chương Mỹ (155); Bắc Từ Liêm (143); Nam Từ Liêm (141)... Trong những ngày qua, các ca F0 tại Hà Nội cũng luôn tăng cao.
Do lịch đi học phụ thuộc vào tình trạng F0 trong lớp, vì vậy học sinh Hà Nội luôn trong trạng thái ứng biến linh hoạt. Chị Nguyễn Khánh Vân, phụ huynh có 2 con học lớp 10 và 12 ở quận Thanh Xuân cho biết: "Thực sự đi học trực tiếp bây giờ được ngày nào quý ngày đó. Hôm nay con học trực tiếp nhưng mai trong lớp có bạn F0 là con lại trở về học online. Lớp con tôi có 40 học sinh, từ ngày đi học lại tới giờ liên tục đến trường rồi có bạn F0 lại 1 tuần ở nhà cách ly. Có tuần cả 2 con tôi đều ở nhà để học trực tuyến".
Chị Vân cho hay, mặc dù trong tình hình dịch bệnh phức tạp thì an toàn cho học sinh là điều cần thiết. Tuy nhiên, với những học sinh cuối cấp sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp quan trọng thì phụ huynh mong muốn các con đi học trực tiếp ổn định hơn. Nhà trường chỉ cách ly những em là F0 và F1 có tiếp xúc trực tiếp, phụ huynh sẵn sàng cho các con test virus. Những ai âm tính sẽ được đi học bình thường.
Một phụ huynh có con học lớp 1 và 5 ở huyện Thanh Trì cũng bày tỏ sự hụt hẫng khi con mới đi học được 1 buổi thì phải ở nhà 1 tuần vì trong lớp có F0. Chị kiến nghị: "Nếu tình hình dịch còn phức tạp thì nên để cho học sinh ở nhà học online. Còn nếu xác định trạng thái bình thường mới, nhà trường nên có phương án phù hợp hơn. Cứ có F0 là cả lớp lại nghỉ ở nhà khiến phụ huynh khó xoay xở. Ngoài ra, nếu đi học lại thì nên cho các con học bán trú để thuận tiện cho cha mẹ đi làm".
Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa chia sẻ: "Hiện nay trường thực hiện theo quyết định 406 của Bộ GDĐT và hướng dẫn của CDC quận Đống Đa. Khi có F0 thì trường cho xét nghiệm nhanh giáo viên, học sinh trong lớp. Sau đó toàn bộ học sinh được cách ly y tế tại nhà 7-10 ngày".
Theo bà Hiền, nhà trường cập nhật tình trạng sức khỏe học sinh liên tục nên có sự xáo động trong việc học của các lớp. Ngày 15/2, có hơn 10 lớp của trường học online do có học sinh F0 và con số ngày thay đổi theo ngày. "Các trường luôn lắng nghe ý kiến của phụ huynh. Tuy nhiên, khi thực hiện, về chuyên môn nhà trường phải theo chỉ đạo của Sở GDĐT, về chống dịch thì theo CDC quận. Dù trong các tình huống đều linh hoạt, thích ứng nhưng vẫn phải theo quy tắc chung. Đặc biệt, mục tiêu an toàn cho học sinh là điều quan trọng nhất".
Cô Lê Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Tu, huyện Thanh Trì cũng cho biết, ngay sau ngày học đầu tiên, trường có 1 học sinh là F0 nên cả lớp được chuyển sang học online để đảm bảo an toàn. Học sinh các lớp khác vẫn học bình thường theo lịch của nhà trường.
Về phương án xử lý khi có ca F0, ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GDĐT huyện Thanh Trì chia sẻ sẽ linh hoạt theo từng trường hợp cụ thể. Nhà trường báo cáo với cơ quan chuyên môn điều tra dịch tễ, từ đó cán bộ y tế tư vấn nên cho học sinh học trực tuyến hay trực tiếp. "Do học sinh lớp 1-6 chưa được tiêm vaccine nên khi có ca F0 các em sẽ nghỉ học online cả lớp để đảm bảo an toàn", ông Ngát cho biết.
Tuy nhiên cũng có trường xử lý theo cách khác. Thầy Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ, cho hay, vẫn có trường hợp học sinh hôm nay đi học nhưng mai báo nghỉ học vì là F0. "Các em là F0 sẽ ở nhà học online, các em tiếp xúc gần thì nhà trường cân nhắc cho các em học online hay không. Học sinh còn lại trong lớp vẫn học bình thường", thầy Hà nói.
Theo thầy Hà, số học sinh học online sẽ được gom vào một lớp riêng. Trường không có tình trạng trống tiết mà tận dụng tối đa thời gian học sinh học trên lớp.