Đây không phải lần đầu tiên Nga điều một số lượng lớn binh sĩ và khí tài tới biên giới Ukraine để gây sức ép với Mỹ-NATO-Ukraine, vậy lần điều quân này của Tổng thống Putin có gì khác không thưa ông? Theo ông, điều gì sẽ khiến khủng hoảng Ukraine bùng nổ thành một cuộc chiến?
- Có thể nói đây là lần điều binh áp sát Ukraine lớn nhất mà Nga từng thực hiện trong hàng chục năm qua. Căng thẳng giữa Ukraine và Nga thời điểm này cũng đang ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, kể từ thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Theo quan điểm của Điện Kremlin thì Nga hoàn toàn có quyền điều quân trong lãnh thổ của mình và theo luật pháp quốc tế, điều này cũng đúng, không có vấn đề gì cả. Tổng thống Nga Putin đã nhiều lần khẳng định không có ý định tấn công Ukraine.
Là một nhà phân tích, bình luận các sự kiện quốc tế, tôi tin lời ông Putin nói, Nga sẽ không động binh với Ukraine, trừ khi, Tổng thống Volodymyr Zelensky phát động một cuộc tấn công vào vùng Donbass (miền Đông Ukraine) – nơi có đông đảo người dân tộc Nga sinh sống. (Sau "Cách mạng Cam-Maidan" năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea và tuyên bố ủng hộ lực lượng ly khai ở Donbass – PV).
Với tình hình hiện nay, tôi tin rằng, ông Zelensky sẽ không dám làm điều này. Và vì thế, sẽ không có chuyện ông Putin đánh Ukraine.
Việc phương Tây thổi phồng mối đe dọa từ Nga, thậm chí còn nó Nga sẽ tấn công Ukraine vào ngày 16/2 thực tế chỉ là một chiêu bài nhằm kích động phục vụ cho lợi ích riêng của họ mà thôi.
Thực tế, Mỹ cũng không muốn gây sự với Nga đâu, nếu chiến tranh xảy ra thì không ai có lợi cả. Bản thân chính quyền Biden đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn như nền kinh tế tăng trưởng chậm, đại dịch Covid-19, lạm phát ở trong nước tăng cao, mối đe dọa từ Trung Quốc, Triều Tiên, Iran chưa thể xử lý… nên Mỹ chắc chắn không muốn bị kéo vào một cuộc xung đột với Nga.
Theo ông, cuộc khủng hoảng Ukraine lần này là do bên nào khởi xướng trước?
- Mặc dù việc Nga điều binh đến biên giới Ukraine khiến căng thẳng leo thang, nhưng thực tế, cuộc khủng hoảng lần này lại bắt nguồn từ chính quyền Tổng thống Zelensky.
Khi ra tranh cử rồi được bầu làm Tổng thống Ukraine năm 2018-2019, ông Zelensky đã hứa với cử tri rằng, ông sẽ lấy lại Donbass, chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông đồng thời đưa Ukraine gia nhập NATO và trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
Hiện nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelensky không còn lâu nữa, vì thế, chính quyền Zelensky đã tích cực hơn dùng mọi cách để đạt được các cam kết của mình nhằm lấy lòng cử tri.
Vì thế, chính quyền Zelensky bắt đầu gây hấn với Donbass, thậm chí cáo buộc Nga chuẩn bị cho một cuộc xâm lược vào khu vực này mà không hề đưa ra được bất cứ bằng chứng nào. Động thái của chính quyền Zelensky nhằm 2 mục đích chính, một là củng cố sự tín nhiệm của cử tri, hai là để "vòi" châu Âu rót thêm tiền và chuyển thêm vũ khí cho Ukraine - đất nước vốn đang phải vật lộn với nhiều khó khăn vì xung đột kéo dài, nạn tham nhũng và một nền kinh tế yếu kém.
Vì sao Ukraine lại kiên quyết theo đuổi tư cách thành viên NATO bất chấp điều này "chọc giận" Nga? và Tại sao Nga lại không thể để Ukraine gia nhập NATO?
- Ukraine muốn gia nhập NATO vì quan điểm "dân tộc chủ nghĩa" của chính quyền Zelensky. Một bộ phận chính khách ở Ukraine muốn thoát ly khỏi ảnh hưởng của Moscow và cho rằng, chỉ có NATO mới "cứu" được nước này. Điều quan trọng nhất là họ thèm khát những khoản tiền kếch xù từ Mỹ và châu Âu.
Còn Nga "thà chết cũng không thể để Ukraine gia nhập NATO" là vì an ninh sống còn của nước Nga. Bởi Ukraine mà gia nhập NATO, thì vũ khí của Mỹ sẽ được phép triển khai trên lãnh thổ Ukraine, như thế thì Nga chịu chết, không có cách nào chống nào cả. Điều đó có nghĩa là lợi ích an ninh của Nga bị xâm phạm cực kỳ nghiêm trọng. Do đó, Nga gây sức ép, quyết liệt phản đối Ukraine gia nhập NATO là vì thế.
- Kể từ cuộc biểu tình Maidan năm 2014, Ukraine đã rơi vào xung đột, hỗn loạn, vậy theo ông, lựa chọn thế nào sẽ có lợi nhất cho Ukraine hiện nay?
Chính quyền Ukraine hiện đã nhận ra rằng, đụng vào Nga là "tự sát" nên vừa rồi ông Zelensky đã nhiều lần đề nghị được đối thoại với Nga nhưng bị phớt lờ vì Moscow cho rằng, vị Tổng thống Ukraine chỉ là "con rối" của Mỹ và phương Tây.
Cần phải nhớ rằng, trong hơn 1.000 năm qua, Ukraine vốn đã gắn bó chặt chẽ và sâu rộng với Nga về mọi mặt từ chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo đến sắc tộc… Vì thế bất cứ ai lãnh đạo Ukraine thì cũng nên "bắt 2 tay", tức là chơi với cả Nga lẫn Mỹ và NATO. Họ có thể làm kinh tế với phương Tây rất tốt, rất hiệu quả nhưng không nên chống lại Nga. Bất cứ Tổng thống Ukraine nào xem Nga là kẻ thù đều sẽ thất bại thôi.
- Nếu chiến tranh không nổ ra, liệu khủng hoảng Ukraine có thể sớm chấm dứt với một thỏa thuận mà đôi bên đều có thể chấp nhận tương tự như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 hay không thưa ông?
Cuộc khủng hoảng Ukraine chưa đến mức căng thẳng như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 đâu. Các bên làm ồn ào lên để đạt được mục đích riêng của họ thôi.
Việc Tổng thống Putin điều hàng chục nghìn quân tới biên giới Ukraine mục đích chỉ là để gây sức ép, chủ yếu nhắm vào Mỹ và NATO, chứ không phải Kiev. Nga muốn buộc Mỹ, NATO phải ngồi vào bàn đàm phán về an ninh châu Âu, an ninh của Nga và NATO không được kết nạp Ukraine.
Còn Mỹ thổi phồng nguy cơ Nga tấn công Ukraine cũng có nhiều mục đích riêng. Một là ông Biden muốn lái dư luận trong nước khỏi các vấn đề nội bộ chưa thể giải quyết như lạm phát, đại dịch Covid-19, kinh tế tăng trưởng chậm… Hai là, phục vụ cho ngành công nghiệp quốc phòng của họ. Ba là làm mất uy tín của Nga trước cộng đồng quốc tế...
Hiện mặc dù Nga đã rút bớt quân khỏi biên giới với Ukraine, giúp căng thẳng hạ nhiệt phần nào, nhưng cuộc khủng hoảng này cũng sẽ khó mà kết thúc sớm. Các bên sẽ còn giằng co, đàm phán với nhau một thời gian nữa. Chừng nào Mỹ, NATO chưa khiến Nga cảm thấy được bảo đảm an ninh, thì ông Putin sẽ còn tiếp tục gây áp lực quân sự lên biên giới Ukraine.